Mới đầu năm 2011 nhiều LĐ tìm đến các công ty tìm cơ hội việc làm, tuy nhiên nhiều công ty vẫn khó tuyển LĐ. Ảnh: V.M
|
Đầu năm 2011, thị trường lao động (LĐ) ở TP.HCM rơi vào cảnh thiếu hụt trầm trọng (khoảng 40.000 LĐ). Hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang “đỏ mắt” tìm người để phục vụ sản xuất. Nhằm mục đích thu hút người LĐ, các DN đã đưa ra nhiều mức lương hậu hĩnh cùng các chính sách chăm lo quyền lợi chính đáng để người LĐ gắn bó lâu dài với họ.
Điệp khúc thiếu LĐ
Tuy chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động gần nửa tháng, nhưng theo chuyên gia LĐ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường LĐ TP.HCM, tổng nhu cầu LĐ tại TP.HCM hiện lên tới 40.000 ở nhiều ngành nghề. Trong đó có hơn 40% LĐ thuộc trình độ trung cấp trở lên. Dự báo, sang quý II, III năm 2011, tình trạng thiếu LĐ vẫn tiếp tục diễn ra vì các DN phải tăng tốc trong quá trình sản xuất.
Trước áp lực thiếu hụt nhân lực, phần lớn các DN đều tìm đến các trung tâm cung ứng LĐ uy tín để nhờ giới thiệu. Theo thông tin đăng ký tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP.HCM (HEPZA), hiện nay các DN đang cần khoảng 8.000 LĐ để bổ sung và tăng cường cho sản xuất trong quý I năm 2011. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc trung tâm thì hơn một tuần sau khi nghỉ Tết, các DN chỉ tuyển bổ sung được khoảng 5-10% số LĐ thiếu để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, sản xuất. Việc thiếu hụt LĐ tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: dịch vụ, marketing, dệt – may, điện – điện tử, bán hàng, cơ khí luyện kim…
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên, chia sẻ: “Một tuần sau Tết đã có hơn 7.000 chỉ tiêu tuyển dụng LĐ của các DN gửi đến trung tâm. Trong một thời gian ngắn, hơn 800 lượt hồ sơ đã lọt qua vòng sơ loại”. Trong khi đó, tìm việc qua mạng cũng đang dần “nóng” khi chưa đầy 10 ngày sau Tết đã có hàng chục ngàn chỉ tiêu tìm người làm do các DN gửi đến các công ty hỗ trợ nhân lực. Ông Trương Võ Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tìm kiếm nhân tài VINA, cho biết: “Chỉ sau 7-8 ngày làm việc đầu năm đã có hơn 7.000 chỉ tiêu được các DN đăng ký tuyển LĐ và số lượng đăng ký tiếp tục gia tăng mỗi ngày. Nhiều lúc hệ thống mạng bị tắc nghẽn do nhu cầu tìm kiếm thông tin trên mạng quá đông. Không chỉ các DN trong nước cần LĐ mà cả nhân lực cho xuất khẩu cũng thiếu trầm trọng”.
Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều DN năm nay đưa ra mức lương tương đối hấp dẫn để thu hút người LĐ (tổng thu nhập từ 2,5 triệu – 4 triệu đồng/tháng/người). Đối với LĐ có bằng cấp chuyên môn thì tổng thu nhập sẽ dao động từ 3 triệu – 8 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, số lượng DN chăm lo chu đáo cho đời sống người LĐ như trên vẫn còn hạn chế. Điệp khúc thiếu LĐ ở các DN đến nay vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải?
Chưa có giải pháp căn cơ
Để thu hút LĐ, nhiều DN đã đăng thông tin trên nhiều cơ quan truyền thông, tham gia nhiều phiên hội chợ, giao dịch việc làm nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực bổ sung. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa khả quan lắm. Để “chữa cháy”, nhiều DN đã liên hệ với nhà trường để đào tạo nhân lực với số lượng lớn như: Công ty CP Dệt may Phong Phú, Công ty An Phú Châu, Công ty Sacotex… Thậm chí nhiều DN đóng tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng tìm đến nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM “lùng” sinh viên.
Các công ty muốn phát triển bền vững phải có nguồn nhân lực dồi dào. Muốn vậy phải có kế hoạch cho từng quý, từng năm song song với kế hoạch sản xuất. Những công ty lớn có nhu cầu nhân lực lớn thì phải đặt hàng với các đơn vị đào tạo nghề hoặc nhận học sinh, sinh viên vào thực tập để tuyển được nhân lực theo yêu cầu công việc. Ngoài ra, tiền lương và các chính sách đãi ngộ cũng tạo điều kiện tốt để nhân viên phát triển qua việc giao quyền, giúp họ làm việc độc lập. Riêng với những LĐ làm việc tại nhà máy, ngoài những hoạt động chăm lo, định kỳ hằng năm, công ty cũng cần tổ chức cho toàn thể nhân viên đi du lịch, tham quan để mọi người thêm gắn bó, đoàn kết với nhau hơn.
Theo dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu nguồn nhân lực cho các lĩnh vực tại khu vực phía Nam sẽ tiếp tục tăng từ LĐ thay thế và LĐ tuyển mới. Trong đó LĐ phổ thông chiếm trên 45%, trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề chiếm khoảng 35%.
Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất tại các đô thị hiện nay là tình trạng mất cân đối về LĐ có tay nghề. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên sự chênh lệch tiền lương, thu nhập giữa các ngành nghề, các khu vực kinh tế mà nhiều năm qua vẫn chưa khắc phục được.
V.M-K.D
Bình luận (0)