Ngay đầu năm học mới, câu chuyện kêu gọi phụ huynh đóng góp để chỉnh trang cơ sở vật chất lớp học lại “nóng” ở nhiều trường…
Đầu năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn về việc tiếp nhận tài trợ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Trong đó, nêu rõ việc tiếp nhận tài trợ của các trường phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT là đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc… (ảnh minh họa)
“Xin đừng… áp đặt”
Anh V.Minh (phụ huynh học sinh một trường tiểu học tại Q.12, TP.HCM) mới đây bức xúc về việc chưa bước vào năm học mới nhưng giáo viên chủ nhiệm đã đặt nhiều vấn đề kêu gọi phụ huynh đóng góp để trang bị cơ sở vật chất lớp học. Thậm chí có những điều rất nhỏ nhặt, thuộc về trách nhiệm phải chuẩn bị, chỉnh trang của nhà trường để đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới cũng được giáo viên chủ nhiệm mang ra, quy ra tiền rồi kêu gọi phụ huynh đóng góp. “Giáo viên chủ nhiệm đưa ra một danh sách những thứ cần trang bị cho lớp, bao gồm cả chỉnh lại quạt máy, sửa lại tủ giáo viên, ghế ngồi học sinh và nhờ phụ huynh hỗ trợ. Những điều đó tôi cho rằng nhà trường phải có trách nhiệm kiểm tra, bổ sung ngay trước khi năm học mới bắt đầu chứ không phải để phụ huynh đóng góp. Các khoản đóng góp đầu năm cho lớp chỉ là trang bị thêm về cơ sở vật chất ngoài những thứ căn bản mà nhà trường đã trang bị nhằm phục vụ tốt hơn nữa việc dạy học của giáo viên và học sinh, ví dụ như trang trí thêm lớp học, lớp nào có điều kiện thì trang bị thêm máy lạnh chứ không phải vấn đề nào cũng áp đặt lên phụ huynh”, anh V.Minh nói.
Có 2 con đang học tiểu học, anh T.Lâm (ngụ TP.Thủ Đức) cho hay, hầu hết phụ huynh đều không quá khó khăn trong vấn đề đóng góp đầu năm để đảm bảo cơ sở vật chất lớp học được tốt hơn, giúp con em mình học tập thoải mái, yêu thích đến trường hơn. Thế nhưng, những khoản đóng góp đó phải thực sự chính đáng, không mang tính áp đặt. “Năm học trước, dù đang trong thời gian dịch bệnh, học sinh ở nhà học online nhưng hội phụ huynh vẫn kêu gọi phụ huynh đóng góp quỹ để phục vụ việc học của các cháu, chỉnh trang lớp học khi các cháu trở lại trường. Thậm chí, dù nói rằng đóng góp tự nguyện song lại áp đặt mỗi phụ huynh 200 ngàn đồng. Bản thân tôi và nhiều phụ huynh đã từ chối đóng góp vào thời điểm đó; khi các cháu trở lại trường, lúc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đưa ra các danh mục cần chuẩn bị, sửa sang, tôi và nhiều phụ huynh mới đóng góp vì thấy cần thiết, hợp lý”, anh T.Lâm nêu ví dụ.
Theo anh T.Lâm, để phụ huynh ủng hộ, chia sẻ với các hoạt động trong năm học thì ngay từ đầu năm học, việc kêu gọi các khoản đóng góp mang tính xã hội hóa cần được giáo viên chủ nhiệm thực hiện tinh tế. Không phải cứ khoản đóng góp ít thì phụ huynh đóng, còn khoản đóng góp nhiều thì phụ huynh khó hỗ trợ. “Quan trọng là phụ huynh thấy sự đóng góp đó là hợp lý. Giáo viên chủ nhiệm trước hết phải tôn trọng, lấy ý kiến phụ huynh trong việc kêu gọi đóng góp chỉnh trang, trang bị cơ sở vật chất lớp học chứ không áp đặt”, anh T.Lâm nói.
Nhà trường và gia đình cùng chia sẻ trách nhiệm chăm lo học sinh
Cô T.Sương (một cán bộ quản lý giáo dục tiểu học tại Q.Bình Tân đã về hưu) chia sẻ, việc vận động phụ huynh, xã hội hóa các khoản đóng góp vào đầu năm học để nâng cấp, chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp là điều hết sức cần thiết, từng bước giúp nhà trường “thay da đổi thịt” trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, trong khi cơ sở vật chất ngày càng đòi hỏi cao để phục vụ việc dạy học. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là kêu gọi như thế nào, nêu vấn đề ra sao để phụ huynh cùng đồng hành, chia sẻ. “Cách đây nhiều năm, vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm một lớp 3 khi tiếp nhận lớp, thấy lớp cần phải được trang bị thêm rèm cửa, kệ sách, chậu cây; đồng thời sau khi tìm hiểu hoàn cảnh học sinh trong lớp, giáo viên quyết định kêu gọi tài trợ thẻ bảo hiểm y tế và tiền ăn bán trú cho 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Điều bất ngờ là vấn đề tài trợ cho 3 học sinh khó khăn được phụ huynh đồng ý ngay, một vài phụ huynh có điều kiện còn ngỏ ý muốn tài trợ cả năm cho các em dù số tiền không nhỏ. Trong khi đó, các khoản như rèm cửa, kệ sách thì phụ huynh lại bàn tán nhiều, thậm chí có phụ huynh còn tìm gặp hiệu trưởng nhà trường để phản ánh vì cho rằng không chính đáng”, cô T.Sương nhớ lại.
Theo cô T.Sương, để công tác xã hội hóa vào đầu năm học đạt hiệu quả thì trước hết các khoản kêu gọi đóng góp phải hợp lý, giáo viên chủ nhiệm cần phải giúp phụ huynh nhận ra việc “chia sẻ trách nhiệm”, cùng với nhà trường và giáo viên đồng hành xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ, lấy ý kiến phụ huynh để phụ huynh góp ý, hỗ trợ.
Đầu năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn về việc tiếp nhận tài trợ với các cơ sở giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy, các khoản chi trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên… Việc tiếp nhận tài trợ của các trường học phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT là đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, tài trợ tối thiểu đối với phụ huynh, không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp, không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Các cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo sửa chữa… Các nhà tài trợ được khuyến khích thực hiện đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho trường học. Lãnh đạo các trường cần mở rộng đối tượng vận động tài trợ, không tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)