Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đầu năm học: Những khoản thu gây sốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cơn bão lạm thu đang quét qua nhiều trường học từ thành thị về nông thôn khiến cho nhiều gia đình điêu đứng. Có những khoản thu kỳ lạ tái diễn qua nhiều năm học như lời thách thức giới hạn chịu đựng của các bậc phụ huynh.

Niềm vui đầu năm học mới của các em học sinh đã ít nhiều bị ảnh hưởng
bởi “cơn bão” lạm thu. Ảnh: P.N.

“Im lặng tức là đồng ý”

Cơn bão lạm thu bắt đầu sau cuộc họp phụ huynh đầu năm học với một danh sách dài các khoản đóng góp. Nhiều cuộc họp chìm trong im lặng đầy bất thường, chỉ thầy cô giáo chủ nhiệm độc thoại về… những con số.
Sau buổi họp phụ huynh cho con, chị Nguyễn Thị Huệ, ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An tâm sự: “Tôi đang không biết lấy đâu ra tiền để đóng học cho thằng con trai. Hôm nay họp phụ huynh, nghe cô giáo kê những khoản phải đóng góp mà choáng. Các phụ huynh khác cũng ấm ức như mình mà không ai dám lên tiếng phản đối”.
Chị Huệ kể, cô giáo kê ra các khoản bắt buộc như học phí chính thức, học phí học thêm buổi chiều, tham gia xây dựng trường, quỹ hội phụ huynh trường; rồi một số quỹ lặt vặt khác như: tiền gửi xe đạp, tiền thuê bảo vệ, tiền điện, tiền nước uống, tiền vệ sinh. Lại có cả quỹ khuyến học, khoản đóng góp tự nguyện… Gọi là “tự nguyện” nhưng cũng đến vài trăm nghìn đồng, không ai dám đóng ít hơn.
Đọc xong các khoản phải đóng góp, cô giáo chủ nhiệm hỏi: “Có phụ huynh nào nghe chưa rõ không?”. Im lặng. Cô giáo nói: “Im lặng tức là đã nghe rõ”. Cô giáo lại hỏi tiếp: “Có phụ huynh nào còn thắc mắc về các khoản đóng góp không?”. Im lặng. Cô giáo nói: “Im lặng tức là đồng ý và cuộc họp phụ huynh đến đây kết thúc”.
Ra ngoài cổng trường mới là lúc các phụ huynh xả hết ấm ức, bàn tán xôn xao và tỏ ra bất bình trước những khoản đóng góp vô lý. Nhẩm tính lại, nhiều người mới tá hỏa vì số tiền phải đóng ngót nghét triệu đồng, chưa kể tiền mua đồng phục. Hầu hết là gia đình nông dân nên không dễ xoay đâu ra số tiền đó, lại phải trông vào hạt lúa, củ khoai, bán gà, bán lợn…
“Về mà lo tiền đi là vừa. Hồi nãy trong cuộc họp thì không nói, giờ ra đây nói thì giải quyết được gì”, có người lên tiếng. Chỉ còn lại mình chị Huệ ngồi thẫn thờ với một danh sách dài các khoản thu trên tay. Chị bảo: “Ngày mai tôi phải gọi ông lái lợn trong xóm đến bán con lợn trong chuồng. Con lợn đang mau ăn chóng lớn, kể ra nuôi thêm một tháng nữa thì cũng được 7 yến, bán bây giờ như bán lúa non, nhưng không có cách nào khác. Mà sao tiền đồng phục cao thế nhỉ, những 400 nghìn, gần tạ thóc”.
Chiếc áo chị đang mặc đã cũ lắm, cổ sờn rách và có mụn vá ở vai áo. Nhà chị chẳng có gì đáng giá, ngoài bồ thóc đã vơi đi nhiều. Hai đứa con trai đầu của chị đã bỏ học vì nhà nghèo. Đứa vào miền Nam, đứa ra Hà Nội làm thuê. Còn đứa út, chị gắng sức cho nó học hết cấp ba, nhưng bão lạm thu đang thổi khiến những gia đình nông dân nghèo như chị Huệ càng thêm khốn đốn.
Phụ huynh phí là tiền gì?
Tôi về xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và nhận thấy bão lạm thu ở nơi đây cũng dữ dội không kém. Chị Nguyễn Thị Bình – một trong những phụ huynh hiếm hoi không đề nghị giấu tên khi đăng báo, bảo: “Tôi cũng không nhớ hết tất cả khoản mà cháu nhà tôi phải đóng góp đầu năm học mới, vì nó… nhiều quá”.
Chị cầm cái “trát” trên tay và đọc vanh vách: “Trường PTCS Hợp Tiến thu của con tôi đang học lớp 7 các khoản: Tiền tu sửa vật chất 50 nghìn; Tiền phụ huynh phí 30 nghìn; tiền an ninh 20 nghìn; tiền học thêm cả năm 720 nghìn; tiền khám bệnh định kỳ 10 nghìn; tiền mua sổ khám bệnh 5 nghìn, tiền điện 3 nghìn đồng/tháng, tiền nước 5 nghìn đồng/tháng, tiền máy chiếu 30 nghìn…”.
"Tiền máy chiếu năm ngoái cũng đóng, năm nay cũng đóng. Có những khoản thu không biết dùng vào việc gì như: tiền phụ huynh phí, tiền an ninh, tiền khuyến học." – Chị Nguyễn Thị Bình, phụ huynh học sinh

Thấy tôi hí hoáy ghi lại, chị bảo đừng ghi nữa kẻo mỏi tay, bởi còn nhiều khoản chị chưa đọc. Tổng cộng các khoản cũng lên đến gần 1,5 triệu đồng. Chị Bình có 2 con đang học, thu nhập của cả nhà chỉ trông vào một sào ruộng khoán.

Giọng chị đầy bức xúc: “Năm ngoái, chúng tôi cũng đã đóng tiền tu sửa vật chất, năm nay cũng đóng, mà có thấy tu sửa gì đâu. Tiền máy chiếu năm ngoái cũng đóng, năm nay cũng đóng. Có những khoản thu không biết dùng vào việc gì như: tiền phụ huynh phí, tiền an ninh, tiền khuyến học”. Chị Bình cho biết, các phụ huynh bất bình kiến nghị, nhà trường hứa sẽ xem xét lại các khoản thu. Nhưng học sinh đến lớp vẫn “bị” cô giáo thúc nộp không thiếu khoản nào.
Chị Bình thở dài nhìn ra ngoài đồng. Cánh đồng vừa gặt xong, nhưng thóc lúa không đủ cho gia đình chị đóng đầy đủ các khoản cho hai đứa con đang học ở trường Hợp Tiến…
Phùng Nguyên / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)