Hiện nay, một trong những cách định nghĩa về văn hóa đó là về mặt thuật ngữ khoa học: văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latin Cultus mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần”, tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM tham gia ngày hội khoa học. Ảnh: Y.Hoa |
Nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679) từng nêu ra quan điểm: “Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”. Trong tiếng Việt, từ “trồng người” có lẽ có nguồn gốc từ đây, với ý nghĩa quan trọng nhất là giáo dục (trong nhà trường), bên cạnh đó là sự dạy dỗ nói chung (về mặt đạo đức, nhận thức, phẩm hạnh…). Hiện nay, nhiều trường học treo khẩu hiệu là câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (lưu ý, luôn có hai chữ “thì phải”), với ý nghĩa của “trồng người” là giáo dục văn – thể – mỹ trong nhà trường.
“Trồng người” là một công việc cao cả và phức tạp. Mục tiêu đầu tiên là dạy kiến thức, để đáp ứng cho một mục đích nhất định nào đó. Chẳng hạn, ngày xưa, ở nước ta, dạy học chủ yếu là thông hiểu các tác phẩm kinh điển của Nho học (Tứ thư, Ngũ kinh) nhằm có thể vận dụng để tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ đất nước, cùng lòng trung thành với nhà vua, với đất nước, thấm nhuần các quan điểm về giềng mối xã hội và tư cách của người quân tử (tam cương, ngũ thường); trường học ít dạy những kiến thức căn bản trong đời sống thường ngày mà đó là việc của gia đình. Còn ngày nay, giáo dục gắn với đào tạo, để giúp người học có được những kiến thức và kỹ năng làm một nghề hay một công việc nào đó, cùng với các kỹ năng sống, nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật… Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng không kém của “trồng người” là dạy làm người. Người ta hay gán cho người có cách đối xử chưa đúng, chưa hay hoặc làm điều sai quấy là “đồ vô học”, “đồ mất dạy” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được học hành, được dạy dỗ, đồng thời cũng “giao trách nhiệm” của giáo dục trong việc tạo nên một con người đầy đủ phẩm chất. Đó là yêu nước thương nòi, kính trên nhường dưới, có lòng nhân ái bao dung, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và xã hội… Các phẩm chất đó thời nào cũng cần, chỉ khác là phạm vi và các yếu tố trong nội hàm mà thôi.
Ngoài ra, “trồng người” còn có nghĩa là trên cái nền tảng căn bản đó, con người được nâng lên với những phẩm chất cao đẹp hơn, chẳng hạn đức hy sinh, tinh thần dũng cảm, óc sáng tạo… Những tài năng lỗi lạc trong lịch sử nước ta thường gắn liền với việc dạy dỗ ở một môi trường nào đó, một ông thầy nào đó, chứ không phải tự dưng mà có. Thí dụ, thời Trần, nhiều danh tướng xuất thân từ giới bình dân là do điều kiện có giặc ngoại xâm, đánh đuổi giặc là trách nhiệm của mỗi công dân, các tướng lĩnh, quan lại chuộng học vấn và trọng hiền tài, rất nhiều người khi buông gươm giáo thì lại cầm sách…
Đảm nhiệm việc dạy học xưa giờ là công việc của những người thầy. Trong lịch sử nước nhà, có những người thầy được lưu vào sử xanh bởi thể hiện tài năng, đức độ, trách nhiệm và tâm huyết. Thời Trần có Chu Văn An (1292-1370), người được tôn là “vạn thế sư biểu”; thời Lê – Mạc có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), người được coi là “sấm Trình”; thời chúa Trịnh có Lê Quý Đôn (1726-1784), người được coi là “bách khoa toàn thư” của nước ta; thời chúa Nguyễn có Võ Trường Toản (?- 1792), người được vua Gia Long kính trọng như cha, như thầy của mình; thời Nguyễn có Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), người được gọi thân thương là “cụ Đồ Chiểu” với câu nói nổi tiếng “Thà đui mà giữ đạo nhà”… Cơ quan đặc trách về giáo dục trong chế độ phong kiến Việt Nam qua nhiều đời là Bộ Lễ hay Lễ bộ. Bộ Lễ có chức năng tương đương với các bộ quản lý về các lĩnh vực thông tin – truyền thông, văn hóa – thể thao – du lịch, giáo dục – đào tạo và ngoại giao ngày nay. Người đứng đầu bộ Lễ là Lễ bộ Thượng thư (hay Thượng thư bộ Lễ), tương đương với bộ trưởng các bộ trên ngày nay.
Trong hoạt động giáo dục hay được gọi là sự nghiệp “trồng người”, yêu cầu “dạy lễ” và “dạy văn” phải thực sự được xem trọng, bắt đầu từ triết lý giáo dục, chương trình giảng dạy cho đến phương thức giảng dạy. |
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà cơ quan phụ trách về giáo dục ngày trước có tên là Bộ Lễ. Đến giờ, nhiều trường học ở nước ta vẫn còn khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, đây là phương châm giáo dục của người xưa, xuất phát từ quan điểm dạy học của Nho gia. Theo đó, nội dung của giáo dục gồm hai yếu tố chính là “lễ” và “văn”, với “lễ” là dạy về đạo đức, tư cách, làm người, còn “văn” là dạy về kiến thức, kỹ năng. Bộ Lễ phụ trách một hoạt động quan trọng là giáo dục, bên cạnh đó là văn hóa, mà trong giáo dục yêu cầu quan trọng là phải dạy lễ. Từ đó ta thấy mối quan hệ rất gắn bó giữa giáo dục với văn hóa và “trồng người”. Bởi giáo dục theo quan niệm cũ và kể cả hiện nay, yêu cầu dạy “làm người” được đặt lên hàng đầu, trong làm người có đạo đức, tư cách, văn hóa, ứng xử…, đạt được những điều đó tức là cơ bản đã “làm người”. Xưa cũng như nay, người ta đều xem những người “thành người” là người trước hết đã được dạy dỗ chu đáo về mặt phẩm hạnh, tư cách, bản thân thể hiện được mình là người có tư cách, có đạo đức, sau đó mới là có bằng cấp, công danh, thành tựu, địa vị…
Hiện nay, nền giáo dục nước ta bị đặt trước những thử thách hết sức nặng nề, do sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên và học sinh, sự quản lý yếu kém của các cơ quan chuyên trách về giáo dục, do chương trình giáo dục nặng nề, kém hiệu quả… Chưa bao giờ ngành giáo dục lại có nhiều “vấn đề” như hiện nay. Phải chăng, đó là hậu quả của việc trong một thời gian dài, chúng ta chưa xem trọng đúng mức và chưa có những phương thức giáo dục phù hợp để đưa giáo dục thực sự là một hoạt động “trồng người”? Phải chăng công tác dạy “lễ”, tức là dạy đạo đức, văn hóa…, chưa được đề cao đúng mực và có biểu hiện chạy theo “văn” hơn theo “lễ” với hiện tượng chạy theo thành tích, quá chú trọng đến thi cử hơn là ứng dụng, vận dụng?
Do đó, trong hoạt động giáo dục hay được gọi là sự nghiệp “trồng người”, yêu cầu “dạy lễ” và “dạy văn” phải thực sự được xem trọng, bắt đầu từ triết lý giáo dục, chương trình giảng dạy cho đến phương thức giảng dạy. Có như vậy mới đào tạo ra những thế hệ người mới đủ năng lực và phẩm hạnh để gánh vác trọng trách xây dựng và phát triển đất nước.
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)