Nhiều lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm sáng 28-2 |
Trong hai ngày 28-2 và 1-3, trên 50 doanh nghiệp đã mang đến “Sàn giao dịch việc làm” TP.HCM 2009 hơn 7.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Nhưng nhiều lao động tham gia sàn giao dịch này, nhất là đối tượng sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp lại ngậm ngùi ra về vì không tìm được việc.
Quá ít việc cho lao động có tay nghề
Tốt nghiệp ngành hóa hữu cơ (ĐH Bách khoa TP.HCM) được hơn một tháng, Nguyễn Thị Phương Thảo đã nộp hồ sơ xin việc ở một số nơi nhưng chưa nhận được tín hiệu trả lời. Minh Thảo đến sàn giao dịch việc làm với mong muốn tìm được một công việc ưng ý. Nhưng qua tham khảo, Thảo cho biết, bạn cũng không hy vọng gì mấy vì người đến đây tìm việc nhiều, nhu cầu tuyển dụng đông nhưng lại tập trung chủ yếu vào đối tượng lao động phổ thông. Một công việc liên quan đến chuyên ngành Thảo mong muốn thì hầu như không tìm thấy ở nơi này. Cũng như Minh Thảo, bạn Trần Thị Bé Hương (tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM ngành công nghệ vật liệu) cũng không tìm được công việc đúng chuyên ngành. Vài đơn vị cũng có nhu cầu tuyển dụng một số vị trí việc làm “đụng” đến chuyên ngành của bạn nhưng chỉ tuyển SV hệ cao đẳng.
Phạm Thế Vinh vừa tốt nghiệp khoa Cơ khí, hệ trung cấp của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Sau hơn hai tuần tìm việc, Vinh cũng đã được nhận vào làm tại một công ty với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng Vinh vẫn đến đây với mong muốn thử sức ở những cơ hội mới.
Theo nhận định của nhiều lao động khi tham dự sàn giao dịch, nhu cầu phía các nhà tuyển dụng khá nhiều nhưng lại nhắm nhiều vào đối tượng lao động phổ thông với những công việc như: phục vụ, bảo vệ, trật tự viên giao thông, giữ xe, dịch vụ vệ sinh văn phòng, may, giày da, tư vấn tài chính, nghiên cứu thị trường… Chính điều này gây “hụt hẫng” cho một số lượng không ít những SV vừa mới tốt nghiệp có nguyện vọng tìm việc đúng chuyên ngành. Sự “lệch pha” này cũng gây khó cho phía các đơn vị tuyển dụng vì số chỉ tiêu cho từng vị trí tuyển dụng có hạn. Trong khi đó, việc thì có quá nhiều lao động dự tuyển, việc lại ít ai quan tâm. Ông Nguyễn Văn Thắng (Phòng tổng cục, Công ty TNHH Nidec Việt Nam) thống kê, phía công ty hiện có nhu cầu tuyển 25 nhân viên ở 7 vị trí: kỹ sư cơ khí; kỹ sư điện- điện tử; nhân viên quản lý chất lượng; phiên dịch tiếng Nhật; phiên dịch tiếng Hoa; nhân viên mua bán, nhân viên kế hoạch và nhân viên tài chính. Nhưng gần 50 hồ sơ đăng ký dự tuyển trong buổi sáng đầu tiên đều đã nhắm vào vị trí kỹ sư cơ khí, kỹ sư cơ điện- điện tử. Các vị trí còn lại rất ít người hỏi đến.
Năm 2009, việc chờ người?
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: “Năm 2009, TP.HCM sẽ giải quyết việc làm cho 270.000 lao động và tạo 100.000 lao động có việc làm mới với ba hình thức là làm việc tại doanh nghiệp, tự tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài”. Ông Tuấn Anh còn nhận định, tình trạng chung về lao động năm 2009 dự báo cung vẫn nhiều hơn cầu. Tuy nhiên trong một số ngành nghề thì nhu cầu lao động vẫn lớn, đặc biệt nhu cầu về lao động cao cấp… Vì vậy, ông khuyến nghị các bạn trẻ không nên nhảy việc vào thời điểm này mà thay vào đó phát huy tốt công việc hiện tại, tự nâng cấp mình thông qua các khóa học chuyên môn và ngoại ngữ. Bởi với thị trường lao động hiện nay, ngoài việc doanh nghiệp lựa chọn người lao động, người lao động còn phải phấn đấu, cạnh tranh nhau để nắm giữ công việc thật tốt. Tám nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều tại thị trường lao động TP năm nay bao gồm: marketing, tư vấn, quản lý kinh tế – nhân sự – hành chính, giáo viên, công nghệ thông tin, điện tử – điện lạnh – điện hóa chất, kỹ thuật lành nghề và dịch vụ ăn uống.
Riêng đối với lực lượng lao động trẻ, ông Lê Quốc Phong (Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM) nhấn mạnh: “Cùng các cơ sở Đoàn – Hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên thuộc Thành đoàn TP.HCM đã không ngừng nỗ lực, tìm nhiều giải pháp nâng cao nhận thức nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả (tuần lễ nguồn nhân lực trẻ, hoạt động thanh niên với nghề nghiệp, ứng viên tự giới thiệu trên báo – diễn đàn, ngày hội việc làm thanh niên, siêu thị việc làm, sàn giao dịch việc làm…). Qua đó, hàng năm, Trung tâm đã giới thiệu từ 20.000- 30.000 lao động đến các doanh nghiệp, trong đó số có việc làm chiếm 40 – 50%. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục làm cầu nối thiết thực giữa nhà tuyển dụng với người lao động nhất là lực lượng lao động trẻ”.
Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Năm 2008- 2009, tình hình suy thoái toàn cầu. Sản xuất – kinh doanh giảm sút. Một số doanh nghiệp phá sản, thu hẹp, sa thải lao động hoặc giảm bớt nhân công. Lao động mất việc làm chủ yếu ngành sản xuất – xuất khẩu gia công dệt – da – may, chế biến thủy hải sản và các ngành tài chính, chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, kinh doanh dịch vụ vẫn duy trì mức tuyển lao động kể cả phổ thông và cao cấp”.
Mê Tâm
Bình luận (0)