Ăn nhiều sản phẩm đậu nành cũng không làm giảm tỷ lệ sinh sản ở các nước và các sản phẩm đậu nành cũng không ảnh hưởng gì đến tinh trùng và tinh dịch.
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề: "Đậu nành và sức khỏe, từ nghiên cứu khoa học đến cuộc sống" do Viện Dinh dưỡng Việt Nam và Hiệp hội đậu nành Hoa Kỳ phối hợp tổ chức, cử tọa rất chú ý đến những nghiên cứu của TS Mark Messina – Viện nghiên cứu đậu nành Hoa Kỳ, Phó Giáo sư Đại học Loma Linda (Hoa Kỳ), Cựu Giám đốc của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (NIC), Chủ tịch công ty Nutrition Matters Inc (Hoa Kỳ).
Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Mark Messina về những công dụng chữa – phòng bệnh kỳ diệu của đậu nành.
Hỏi: Ông có thể cho biết những nghiên cứu về lợi ích của đậu nành đối với sức khỏe?
TS Mark Messina: Người Mỹ từ lâu đã biết đến lợi ích của đậu nành đối với sức khỏe. Ngoài sữa đậu nành, các nhà sản xuất còn sử dụng protein đậu nành để tạo ra những sản phẩm phù hợp hơn với khẩu vị người Mỹ như hambơgơ đậu nành, bánh đậu nành, xúc xích đậu nành…
Từ năm 1980 tới 2007 đã có gần 10.000 bản báo cáo và nghiên cứu về sữa đậu nành. Riêng năm 2007 có 2.000 bài nghiên cứu về tác dụng của đậu nành tới sức khỏe con người.
Vì số lượng bài nghiên cứu quá nhiều nên cũng khiến nhiều người tiêu dùng bối rối và hiểu lầm về tác dụng của đậu nành. Một trong những hiểu lầm lớn nhất là đậu nành làm cho đàn ông trở nên nữ tính hơn.
Đậu nành và sữa đậu nành đã được khoa học chứng minh là tốt cho tim mạch, giúp phòng chống loãng xương, ngăn ngừa ung thư vú… Đậu nành có hàm lượng dinh dưỡng cao, lượng protein nhiều.
Nếu sử dụng đậu nành từ 6-22g/bữa ăn sẽ có những lợi ích như giúp ăn ngon, giảm cân, giảm huyết áp, xương chắc và giúp phát triển cơ. Ngoài protein, đậu nành còn cung cấp một lượng acid béo tốt cho sức khỏe và có hai acid béo thiết yếu khác là omega 3 và omega 6.
Hỏi: Ông có thể nói rõ hơn về tác dụng của đậu nành đối với sức khỏe tim mạch?
TS Mark Messina: Từ năm 1999, Cơ quan quản lý Thuốc & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận đậu nành như một chất có thể phòng ngừa các bệnh tim mạch và làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Năm 2002, nhận định này đã được Anh quốc và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, Philippin, Indonesia, Malaysia cũng công nhận tính chất tốt của đậu nành đối với sức khỏe tim mạch.
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng protein đậu nành làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, đặc biệt là lượng LDLC giảm từ 3-5%. Nghiên cứu này cũng cho thấy protein trong đậu nành làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành khoảng 10%.
Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản đối với 27.435 phụ nữ tuổi trung niên sinh trong khoảng 1930-1949 được theo dõi trong 12,5 năm thì có 140 ca đột quỵ và 66 ca đau tim. Những người phụ nữ này được chia làm 2 nhóm. Nhóm ăn nhiều đậu nành và nhóm ăn ít đậu nành.
Kết quả cho thấy những phụ nữ ăn nhiều đậu nành thì giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim tới 2/3. Ngoài ra ăn nhiều đậu nành cũng có thể giúp giảm huyết áp, giúp cải thiện tình trạng các tế bào nội mạc vì trong đậu nành có chứa hoạt chất Isoflavones (các tế bào nội mạc là một lớp mỏng các tế bào ở trong lòng các thành mạch).
Isoflavones và estrogen có cấu trúc giống nhau, Isoflavones được nhắc đến như là estrogen thực vật nhưng thực chất hoạt chất này khác với hocmon nội tiết tố nư. Vì vậy nhiều người đã hiểu lầm ăn nhiều Isoflavones sẽ bị nữ tính hóa.
Hỏi: Ngoài lợi ích là tốt cho tim mạch, đậu nành còn có tác dụng gì nữa, thưa ông?
TS Mark Messina: Ngoài lợi ích là tốt cho tim mạch, đậu nành còn giúp ngăn ngừa loãng xương. Một trong hai nghiên cứu khác được tiến hành tại Thượng Hải và Singapore cho thấy phụ nữ ăn nhiều sản phẩm đậu nành thì nguy cơ gẫy xương của họ cũng giảm đi 1/3.
Ngoài ra, đậu nành còn làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Một thống kê khác cho thấy ở những nước ăn nhiều sản phẩm sữa đậu nành thì nguy cơ bị ung thư vú rất thấp so với những nước ăn đậu nành ít.
Theo nghiên cứu thì nguy cơ ung thư vú ở Nhật Bản và Trung Quốc chỉ bằng ¼ so với Hoa Kỳ.
Để làm giảm nguy cơ bị ung thư vú thì chúng ta nên ăn sản phẩm đậu nành từ lúc còn nhỏ và nếu ăn trên 11g mỗi ngày ở tuổi trưởng thành sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú 50%.
Người ta cũng thấy rằng ở những phụ nữ bắt đầu ăn đậu nành sớm từ 5-11 tuổi thì nguy cơ ung thư vú giảm tới 60%. Còn những phụ nữ ăn đậu nành từ 12-19 hoặc trên 20 tuổi thì nguy cơ ung thư vú cũng giảm thấp hơn khoảng 20%.
Hiệp hội FDA của Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng đối với những người phụ nữ đang bị ung thư vú có thể ăn các sản phẩm từ đậu nành khoảng 3 lần/ngày. Nếu ăn nhiều sản phẩm đậu nành cũng không làm giảm tỷ lệ sinh sản ở các nước và các sản phẩm đậu nành cũng không ảnh hưởng gì đến tinh trùng và tinh dịch.
Nếu được các bạn nên ăn sản phẩm đậu nành từ 2-3 lần/ngày và người dân Việt Nam nên tăng cường ăn đậu nành nhiều hơn nữa.
Xin cảm ơn ông.
Từ năm 1980 tới 2007 đã có gần 10.000 bản báo cáo và nghiên cứu về sữa đậu nành. Riêng năm 2007 có 2.000 bài nghiên cứu về tác dụng của đậu nành tới sức khỏe con người.
Vì số lượng bài nghiên cứu quá nhiều nên cũng khiến nhiều người tiêu dùng bối rối và hiểu lầm về tác dụng của đậu nành. Một trong những hiểu lầm lớn nhất là đậu nành làm cho đàn ông trở nên nữ tính hơn.
|
Quân Hưng thực hiện (TPO)
Bình luận (0)