Cùng với hệ thống thủy điện thượng nguồn, chuyển nước Mekong sẽ là áp lực khổng lồ lên đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhất là khi vùng này vừa trải qua đợt hạn hán kỷ lục một thế kỷ.
Đồng bằng Sông Cửu Long khô hạn. Ảnh: Lê Hoàng Yến.
Đợt khảo sát mới đây của Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Thái Lan, Campuchia vẫn âm thầm thực hiện các kế hoạch chuyển nước Mekong. Các chuyên gia nhận định, cùng với hệ thống thủy điện thượng nguồn, chuyển nước Mekong sẽ là áp lực khổng lồ lên đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhất là khi vùng này vừa trải qua đợt hạn hán kỷ lục một thế kỷ.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, một chuyến khảo sát thực địa được thực hiện tại Campuchia và Đông bắc Thái Lan. Chuyến đi nhằm tìm hiểu thực trạng và kế hoạch sử dụng nước sông Mekong của hai quốc gia này trong mối liên hệ với tình trạng hạn hán và giảm lũ lụt ở ĐBSCL.
Nhiều dự án “khủng” đang triển khai
Theo Báo cáo “Chuyển nước trong hạ lưu vực sông Mekong và áp lực lên ĐBSCL” được thực hiện sau chuyến đi, nhu cầu sử dụng nước tưới trong nông nghiệp của các quốc gia lưu vực sông Mekong đang tăng mạnh. Tại Thái Lan, vùng đông bắc là trung tâm sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, nhiên liệu sinh học. Trong 4 nước hạ lưu Mekong, Thái Lan có số lượng công trình tưới tiêu nhiều hơn cả với 6388 công trình. Các công trình này chủ yếu nằm dọc hành lang các sông và cánh đồng ngập lũ vùng đông bắc, quanh các hồ chứa dung tích lớn và các đập dâng nhỏ.
Để phát triển nông nghiệp, Thái Lan dự kiến có thêm 990 dự án tới trong thời gian tới. Nước này đang triển khai hai dự án chuyển nước quy mô lớn nhằm lấy nước dòng nhánh Mekong về trữ tại các hồ. Dự án một là Mekong-Huai Luang-Nong Han- Lam Pao, dự kiến xây 30 hồ chứa gần hợp lưu của các sông nhánh với sông Mekong. Dự án được Ủy ban Nước quốc gia Thái Lan thông qua tháng 1/2016 và đang chờ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế đã hoàn tất giai đoạn 1 bằng việc xây hồ chứa Nong Han với diện tích khoảng 3.600 ha đồng thời tôn cao đê bao để trữ nước mùa mưa phục vụ tưới cho các diện tích canh tác quanh hồ thông qua 12 trạm bơm điện.
Riêng ở Huai Luang, Thái Lan cũng đã xây đập tạm đặt 4 máy bơm hút nước từ sông Huai Luang nhưng thực chất là hút từ Mekong vì điểm hút chỉ cách sông Mekong 70m. Với khoảng cách này, ngay cả trong mùa cạn, Thái Lan vẫn có thể bơm nước sông Mekong lên.
Ngoài ra, Dự án Kong-Loei-Chi-Mun cũng được Cục Tưới tiêu Hoàng gia Thái Lan triển khai nhằm chuyển nước từ sông Mekong về lưu vực các sông Chi, Mun thuộc vùng đông bắc. Dự án này được chia làm 9 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ tháng 10/2015-12/2016. Một động thái khác, trong đợt hạn đầu năm 2016, Thái Lan đã khởi động việc bơm nước sông Mekong cung cấp cho các tỉnh Nong Khai và Loei.
Cùng với Thái Lan, Campuchia cũng đang triển khai một dự án chuyển nước khổng lồ trị giá 200 triệu USD. Đất nước có 2,8 triệu ha đất trồng lúa này rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Diện tích tưới tiêu hiện nay của Campuchia là 504.245 ha và dự kiến tăng lên 772.499 ha vào năm 2030.
Campuchia đang hợp tác với Trung Quốc xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, chủ yếu dọc sông Mekong. Đặc biệt, quốc gia này đang triển khai dự án Vaicoi nhằm chuyển nước lũ sông Mekong chảy tràn qua bờ tả và qua sông Samdei (một nhánh của sông Mekong) vào trữ tại hồ Krapik sau đó dẫn nước cho vùng trồng lúa ở phía hạ lưu 3 tỉnh. Diện tích tưới là 108.300 ha trong mùa mưa và 27.100ha trong mùa khô. Năm 2014, đã đưa vào vận hành hệ thống đập đầu mối, các kênh, các cửa van điều tiết cùng các cống.
Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, việc chuyển nước Mekong chắc chắn sẽ xảy ra. Vùng đồng bắc Thái Lan có diện tích 16 triệu ha (ĐBSCL chưa bằng 1/4). Đây là vùng khô hạn chưa phát triển hệ thống tưới trong khi Campuchia và Lào cùng đều đang phát triển mạnh về nông nghiệp.
ĐBSCL sẽ ít lũ lớn
Trong đợt hạn kỷ lục một thế kỷ đầu năm 2016, khi Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước ở đập thủy điện Cảnh Hồng (nấc thang cuối trên hệ thống thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc), các chuyên gia lo ngại, lượng nước sẽ hao hụt lớn trên đường đi do các quốc gia hạ lưu Mekong khác cũng đang thiếu nước trầm trọng. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ thủy điện mà chuyển nước Mekong cũng sẽ là vấn đề nghiêm trọng của ĐBSCL trong tương lai.
Báo cáo “Chuyển nước trong hạ lưu vực sông Mekong và áp lực lên ĐBSCL” nhận định, Thái Lan và Campuchia thường lấy/chuyển nước sông Mekong qua các dòng nhánh vào các hồ, đập có cửa van khống chế để trữ nước. Vì vậy, khi mực nước lũ xuống thấp, hầu như không còn dòng chảy ngược lại sông Mekong như trước đây. Vì thế, nếu tất cả các dòng nhánh bên bờ hữu sông Mekong thuộc Thái Lan (khoảng trên 20 sông nhánh lớn nhỏ) đều có các cống/trạm bơm lấy/chuyển nước vào trữ trong các hồ, cùng với các dự án tương tự ở Campuchia, lượng nước lũ về ĐBSCL sẽ giảm. Khi lượng nước lũ giảm cộng với tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ do việc tích nước và vận hành các đập thủy điện, hiện tượng lũ lớn hay còn gọi lũ đẹp vốn đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân sẽ ít xuất hiện. Ngoài lưu lượng nước, lượng phù sa cũng sẽ suy giảm. Tác dụng thau chua, rửa phèn, bồi bổ chất dinh dưỡng cho các diện tích đất canh tác ở ĐBSCL chắc chắn bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm nhiều đến vấn đề chuyển nước Mekong. Bà Đỗ Hồng Phấn, cố vấn trưởng Mạng lưới Vì nước cho rằng, bấy lâu nay bàn nhiều về vấn đề phát triển thủy điện mà lơ là vấn đề chuyển nước vốn được nói đến từ vài chục năm trước.
Cũng theo bà Phấn, vừa rồi Trung Quốc xả nước, Thái Lan có bơm nước. Cần khẳng định Thái Lan không phải đến vừa rồi mới bơm mà họ đã bơm nhiều năm nay nhưng giai đoạn đầu họ chỉ bơm vào mùa lũ và trữ lại để sử dụng quanh ven sông, nếu giai đoạn sau họ chuyển nước liên khu vực thì rất đáng lưu ý.
Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia của Ủy ban Mekong Việt Nam, việc phát triển thủy điện đã là một thách thức, thủy điện kết hợp với chuyển nước càng nguy hiểm. Vì vậy, bài toán về tài nguyên nước là bài toán tổng hợp cần tính đến cả hai yếu tố này. Ông Toàn cho biết thêm, trong báo cáo nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tính phương án kết hợp thủy điện và chuyển nước. Kịch bản thiệt hại nặng nhất là Việt Nam có thể mất 120-140 m3/s. Nước về Châu Đốc sẽ giảm từ 100-300m3/s. Như vậy rủi ro rất lớn.
Nguyễn Hoài (TPO)
Bình luận (0)