Sau khi có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2022, nhiều học sinh rớt NV1 đậu NV2, 3; nhiều học sinh rớt cả 3 NV… Tuy nhiên, kết quả thế nào thì các em đã nỗ lực hết mình.
Thí sinh tham gia trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2022
Cô Lý Thị Hồng Thắm – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) chia sẻ, dù là NV1, 2, 3 hay thậm chí là rớt cả 3 NV thì các em cũng đã nỗ lực hết mình trong một năm học hết sức khó khăn.
Nếu đậu NV2, 3 thay vì NV1 – NV yêu thích thì các em cũng hãy vui. Trường THPT công lập nào cũng sẽ tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt nhất để các em phát triển phẩm chất, năng lực. Điều quan trọng là các em cần xác định được nhóm môn định hướng nghề nghiệp phù hợp, xác định tư tưởng sẽ gắn bó với mái trường THPT đã trúng tuyển. Phải xác định thật kỹ mình lựa chọn nhóm môn KHTN hay KHXH để không có những ảnh hưởng về sau.
Với những học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, cô Thắm bày tỏ đây chỉ là một trong nhiều tình huống “không mong muốn” mà các em có thể sẽ phải đối diện trong đường đời của mình. Các em hãy cứ buồn nếu như nỗ lực của mình chưa được đền đáp xứng đáng song chỉ nên buồn chút thôi để nhìn lại xem mình còn hạn chế ở điểm nào để chưa như ý trong kỳ thi vừa qua. Từ đó, hãy suy nghĩ thật kỹ để cân nhắc chọn hướng đi thuận lợi hơn cho mình.
Theo cô Lý Thị Hồng Thắm, có rất nhiều hướng đi nếu không đậu lớp 10 THPT công lập. Trong đó, phụ huynh học sinh có thể chọn học trường THPT ngoài công lập; chọn học trung tâm GDTX; học trường có chương trình quốc tế hoặc lựa chọn học nghề sao cho phù hợp với năng lực học sinh và điều kiện kinh tế gia đình cũng như định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này.
“Thời điểm này vô cùng nhạy cảm, rớt lớp 10 THPT công lập thì hơn ai hết các em là người buồn nhất. Phụ huynh đừng gây áp lực, la mắng các em vì kết quả chưa như ý. Đặc biệt, không vì kết quả chưa tốt ở kỳ thi tuyển sinh 10 mà vội vàng đánh giá con mình dở hơn con người ta vì đôi khi “học tài, thi phận” nữa.
Với điều chưa như ý này, phụ huynh hãy tập cho con đối mặt trước thất bại và cùng con tìm hướng học tập phù hợp với năng lực của con và tài chính gia đình. Đây là lúc kề vai, sát cánh cùng con trẻ giúp con lấy lại tinh thần, suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ để con trẻ có nơi học phù hợp nhất”, cô Thắm nhắn gửi.
Kể lại câu chuyện thường gặp tại trường trong mỗi mùa tuyển sinh 10, thầy Dương Văn Thư – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3) cho hay, nhiều học sinh khi đậu vào trường bằng NV2, 3 thường có tâm trạng buồn so với các bạn đậu vào trường bằng NV1. Thậm chí, nhiều em và gia đình còn có tâm lý “học một năm ở trường rồi xin chuyển về trường NV1 học.
Trong quá trình giảng dạy, trường thiết kế nhiều hoạt động rèn luyện, các câu lạc bộ học thuật, kỹ năng để học sinh phát triển thêm kỹ năng và kiến thức, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học… giúp các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
“Kết thúc năm học, các em và gia đình đã thay đổi quan điểm phải về trường NV1 để học vì các em được học ở ngôi trường phù hợp với năng lực bản thân. Bất cứ trường THPT công lập nào trên địa bàn thành phố cũng đều được đầu tư về cơ sở vật chất, có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, khi học tập các em đều được thầy cô hết mình truyền đạt kiến thức. Không quan trọng là các em học NV1, 2, 3 mà quan trọng là các em tìm thấy niềm vui trong học tập, luôn nỗ lực, phấn đấu, có mục tiêu học tập rõ ràng thì kết quả học tập đều sẽ tốt…”, thầy Thư nhấn mạnh.
Thời điểm này, phụ huynh cần bên cạnh động viên các em nếu kết quả thi tuyển sinh không được như ý
ThS. Lê Minh Huân (nguyên giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay, khi học sinh không đậu nguyện vọng như mong muốn hoặc trượt tất cả các nguyện vọng, phụ huynh cần bình tĩnh, không nên so sánh con mình với “con nhà người ta”, không chỉ trích và càng không nên tỏ ra nặng nề vì như thế vô tình sẽ càng làm tổn thương thêm các em.
“Thời điểm này, phụ huynh nên dạy các em hiểu rằng, không phải lúc nào mọi thứ cũng được như mong muốn, không phải nỗ lực lúc nào cũng có kết quả nhưng muốn có kết quả tốt thì nhất định phải nỗ lực. Vấn đề không nằm ở chỗ con học nguyện vọng nào, con học trường công lập hay tư thục, GDTX mà vấn đề là nghị lực của con, từ sức mạnh bên trong chứ không quyết định hoàn toàn bởi trường hay, thầy giỏi… Cả nhà có thể cùng đi ăn tối, cùng đi du lịch để kéo giãn tinh thần và có cơ hội tâm tình, nhìn nhận tích cực ngay cả kết quả không như ý, đó cũng là cách phụ huynh động viên tinh thần của các em”, ThS. Huân chia sẻ.
Chuyên gia này cũng khuyên rằng, ngay cả khi con đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua thì phụ huynh cũng cần quan tâm đến cảm xúc của con, tinh tế khi chọn giải pháp “khoe con” vì có thể sẽ làm tổn thương đến bạn bè của con – nếu các em không đạt được kết quả như mong muốn.
Yến Hoa
Bình luận (0)