Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đầu ra cho doanh nghiệp là tiên quyết

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Lê Khánh.

Các năm trước, chiến lược đầu tư “từ dưới lên”; năm ngoái và năm nay đầu tư “từ trên xuống” – ông Trần Lê Khánh, Phó tổng giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư Prudential Vietnam, nói như vậy về chiến lược đầu tư của Prudential trong cuộc trả lời phỏng vấn của TBKTSG.

Cái gốc của sự thay đổi chiến lược đó bắt đầu từ một trong những vấn đề thời sự – kích cầu. Ông Khánh nói:

– Kích cầu có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc nó có tạo ra nhu cầu. Do vậy kích cầu bằng vốn đầu tư cần phải xem xét cẩn trọng vì vốn không phải là điều kiện tiên quyết, quan trọng là đầu ra cho doanh nghiệp. Ngân hàng đang dư tiền, thông qua cho vay bù lãi suất, tiền sẽ được chuyển đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp có đầu tư không và đầu tư vào đâu để vốn được hấp thụ tốt là câu hỏi mà cả nước đang tìm lời giải.

Nhưng thưa ông, ít nhất thì những giải pháp kích cầu đang thực hiện cũng đã bắt đầu có tác động tích cực về mặt tâm lý?

Ông TRẦN LÊ KHÁNH: Ảnh hưởng tâm lý là có. Các doanh nghiệp đang chịu sức ép tâm lý “đảo ngược đòn bẩy” (deleveraging). Khi họ có được chi phí vốn thấp hơn, sức ép tâm lý sẽ giảm xuống và từ đó có thể giúp kinh tế phục hồi. Việc bơm tiền qua lãi suất có tác dụng như một khoản bảo hiểm do độ trễ của việc thực thi chính sách (khả năng kinh tế phục hồi trước khi chính sách được thực hiện xong).

– Điều này hình như là sự khác biệt của lần kích cầu này so với lần kích cầu mười năm trước?

– Năm 1999 lạm phát cao, Chính phủ đã phát hành trái phiếu, lấy tiền đầu tư vào hạ tầng. Khi đó Nhà nước đầu tư, tiền giải ngân qua ngân sách, Nhà nước giám sát và chịu trách nhiệm. Lần này tiền được đưa ra qua kênh ngân hàng, địa chỉ đến là doanh nghiệp, hướng tới việc tạo ra nhu cầu. Theo tôi, nên kích cầu cả hai đối tượng: doanh nghiệp và dự án hạ tầng. Kích cầu vào chi phí vốn hiện nay là giải pháp ngắn hạn. Giải pháp dài hạn vẫn phải là đầu tư vào hạ tầng.

– Chúng ta không có nhiều tiền để dàn trải như thế, thưa ông?

– Tất nhiên tiền nhiều sẽ tạo điều kiện kích cầu tốt hơn. Song, vấn đề của Việt Nam không phải chỉ là tiền nhiều hay ít, mà chủ yếu là vấn đề “cổ chai”. “Cổ chai” ở đây theo chúng tôi là nút thắt nhạy cảm: hạ tầng không đồng bộ, nguồn cung thiếu chiều sâu, dễ gây lạm phát.

– Giả sử trong vòng sáu tháng tới 17.000 tỉ đồng bù lãi suất được sử dụng hết, điều gì sẽ xảy ra?

– Có ba kịch bản. Kịch bản đầu tiên không lạc quan trong ngắn hạn. Doanh nghiệp vay được nhiều vốn, bảng cân đối tài chính (balance sheet) của họ sẽ co giãn mạnh. Nếu vốn giá rẻ dư thừa ở doanh nghiệp, và không được sử dụng hiệu quả, nó có thể tạo nguy cơ cho nền kinh tế, trước tiên là lạm phát cục bộ. Thí dụ để quay vòng nhanh, tiền vay được đổ vào một mảng nào đó mang lại lợi nhuận tức thời như trái phiếu, cổ phiếu, hay những nguyên liệu có giá cả trồi sụt bất thường, có thể đầu cơ…

Kịch bản thứ hai là kinh tế thế giới phục hồi nhanh. Lúc đó giải ngân vốn càng nhiều, doanh nghiệp càng tận dụng được cơ hội phục hồi nhanh.

Kịch bản thứ ba giả thiết tình hình quốc tế tồi tệ hơn, kinh tế các nước xung quanh Việt Nam ngày càng xấu đi. Khi đó không loại trừ khả năng vốn rẻ là con dao hai lưỡi.

– Các quỹ của Prudential đầu tư vào không ít doanh nghiệp. Ở vai trò cổ đông, nếu doanh nghiệp vay được vốn bù lãi suất, ông sẽ tư vấn họ sử dụng như thế nào cho có lợi nhất?

– Năm ngoái chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp giảm đầu tư và kiểm soát vốn lưu động ở mức an toàn. Năm nay, với những công ty đang vay ngân hàng quá nhiều, đảo nợ những hợp đồng lãi suất cao để hạ áp lực chi phí tài chính là một trong những việc nên làm. Với những doanh nghiệp làm ăn tốt, ở vị trí hàng đầu trong ngành nghề, thì nên tăng vốn lưu động, nhân cơ hội này củng cố và mở rộng thị phần. Những công ty tầm trung bình thì nên sử dụng vốn đúng trong vòng 12 tháng, đặt mục tiêu bình ổn để vượt qua khó khăn.

Ở đây, điều đáng lưu tâm là sự tin tưởng vào khả năng trả nợ lẫn nhau của doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp có một đồng, họ sẵn sàng vay thêm ba đồng để đầu tư. Từ đầu năm ngoái đến nay, có một đồng, họ xài một đồng, cố gắng không vay mượn. Rồi tình trạng nhà sản xuất cho đại lý phân phối hay người tiêu thụ gối đầu, trả chậm cũng giảm hẳn. Ai cũng thủ cả. Bù lãi suất sẽ giúp giải tỏa tâm lý này, nhưng giải tỏa đến đâu, ở mức độ nào thì chưa biết.

– Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ vì hàng tồn kho, chứ không phải chỉ do chi phí tài chính. Trong trường hợp ấy chỉ đảo nợ thôi là chưa đủ…?

– Nhưng đảo nợ sẽ tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm giá bán và đẩy hàng ra tiêu thụ. Song song đó, lãi vay thấp, chi phí tài chính thấp sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm về chiến lược kinh doanh. Nói ví dụ, tháng trước sản phẩm bán ra phải 30.000 đồng/cái mới có lời, nay nhờ bù lãi suất, chỉ cần bán 25.000 đồng là có lời rồi. Như vậy ít ra họ cũng yên tâm hơn để lo sản xuất.

Mặt khác, khi có vốn rẻ, doanh nghiệp có thể cho đối tác tiêu thụ gối đầu lượng hàng lớn hơn, nghĩa là họ chào cho thị trường lượng hàng lớn với giá cạnh tranh hơn. Điều này sẽ kích thích người tiêu dùng mua hàng.

– Thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế sáu tháng. Nhìn từ kích cầu, ông có nghĩ rằng ba tháng nữa chứng khoán sẽ bắt đầu đi trước nền kinh tế?

– Hiện đồ thị chứng khoán đang đi xuống. Khi có kích cầu, thị trường có thể đi lên một vài tháng. Người ta gọi đó là sự phục hồi của thị trường con gấu (bear market rally). Sau đó có thể thị trường lại đi xuống 2-3 tháng và sau cùng sẽ đi lên trong trung, dài hạn.

– Những giải thích nào phù hợp cho sự chuyển động phức tạp đó?

– Khi thị trường phục hồi được vài tháng, là lúc nhà đầu tư đánh giá lại động thái kinh tế vĩ mô, triển vọng của nó, cũng như khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp. Sự đi xuống tiếp theo dài hay ngắn phụ thuộc vào hai yếu tố nói trên.

Hiện tại nhà đầu tư đang bi quan nên sự phục hồi sẽ không đến dễ dàng. Nhưng một khi đã “bùng” lên, nó sẽ lan nhanh và mạnh.

– Trong dòng chuyển động ấy, chiến lược đầu tư của những tổ chức như Prudential sẽ như thế nào?

– Trước năm 2007 chúng tôi thực hiện chiến lược “từ dưới lên”, giải ngân vào những cổ phiếu tốt nhất, rẻ nhất, an toàn nhất, không giới hạn tỷ lệ. Nay chiến lược mà chúng tôi áp dụng là “từ trên xuống”, tập trung vào ngành và qua đó xây dựng danh mục đầu tư. Mùa hè 2008 Prudential cơ cấu lại danh mục, mua vào 200 triệu đô la Mỹ trái phiếu với lợi tức từ 16-20%/năm. Nhờ thay đổi chiến lược phân bổ tài sản mà giá trị tài sản ròng của quỹ được cải thiện, từ mức giảm 30%, hiện chỉ còn giảm 15%.

Bây giờ trong đầu tư, việc điều chỉnh danh mục sẽ phải luôn theo sát thị trường, tỷ trọng cổ phiếu/trái phiếu luôn biến động. Với cổ phiếu, chúng tôi chọn ngành, rồi chọn cổ phiếu tốt nhất trong ngành đó. Khi thị trường biến động và có khả năng không ổn định, đây là chiến lược phải tính tới.

– Ông có lạc quan với thị trường năm 2009?

– Năm nay chi phí vốn giảm nhiều do rủi ro lãi suất cao giảm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư vì thế cũng thấp hơn. Vài năm qua, lợi nhuận bình quân phải 20% người ta mới đầu tư, nay có khi chỉ 5-10% họ cũng bỏ vốn vào.

HẢI LÝ (TBKTSG)

Bình luận (0)