Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Đâu rồi thương hiệu du lịch Mũi Né

Tạp Chí Giáo Dục

Mũi Né từng được mệnh danh là thủ đô resort và là một trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới. Một tạp chí của Thái Lan còn ví  Mũi Né là “Phuket của Việt Nam”. Nhưng giờ đây, Mũi Né bị  manh mún không chỉ bởi tình trạng bát nháo trong xây dựng, mà nó còn đứng trước nhiều nguy cơ khác do chính sự qui hoạch thiếu tầm nhìn.

Bê tông hoá Mũi Né
Nhiều nhà qui hoạch về du lịch lo ngại, với mức độ “bê tông hoá” chóng mặt hiện nay thì chỉ vài năm nữa, Mũi Né sẽ bị phá nát. Hiện trạng của Mũi Né không chỉ có quá nhiều resort vi phạm về mật độ xây dựng bê tông, mà còn vi phạm về chiều cao, lấn biển, lấn đường. Theo qui định, các resort không được xây dựng quá 30% diện tích; phải có 50 % diện tích cây xanh. Nhưng do quá “tham” nên mỗi năm các resort lại xây thêm nhiều phòng nhỏ chen vào các khu còn trống. Và qui hoạch được duyệt ban đầu bị phá vỡ. Anh Nguyễn Văn Huệ, một giám đốc điều hành resort ở khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Các ông chủ nghĩ đất vàng mà bỏ trống như thế là phí. Trong khi Mũi Né còn thiếu phòng cho khách. Giá phòng bình quân (resort 3 sao) là 100 USD/đêm. Nếu thêm 10 phòng sẽ tăng khoảng 3.000 USD/tháng và một năm tăng khoảng 36.000 USD, nên việc xây thêm phòng có sức hút các ông chủ ghê gớm”.
Mật độ bê tông hoá ở Mũi Né quá dày lấn át bờ biển
Mật độ bê tông hoá ở Mũi Né quá dày lấn át bờ biển
Nói resort là nói đến những bungalow (là một dạng nhà ở nhỏ riêng biệt) xinh xắn được xây dựng bởi các chất liệu thân thiện với môi trường. Nhưng đến Mũi Né hiện nay, du khách quá “ngợp” trước những ngôi nhà bê tông cao “chọc trời” được xây dựng ngay sát biển. Phòng là phòng khách sạn, nhưng du khách lại bị “chặt chém” bởi giá của phòng resort. Chị Nguyễn Minh Nguyệt, một du khách Việt kiều về từ Úc nói: “Mình thích Mũi Né là vì biển đẹp. Nhưng chất lượng các dịch vụ kém và giá phòng ở đây quá đắt. Ở phòng bê tông trên tầng 3 nhưng tính giá như ở bungalow   là quá đắt”.
Bát nháo xây dựng
Theo quyết  định 681 của UBND tỉnh Bình Thuận thì các công trình khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng (P. Hàm Tiến và Mũi Né) phải cách tim đường 21 mét. Riêng đoạn đường Đồi Cát Mũi Né phải cách tim đường đến 30 mét. Đối với các resort phải xây dựng công trình thụt vào sâu 5 mét so với ranh phía biển. Các công trình xây dựng cách ranh chính bờ biển 50 mét chỉ được xây dựng chiều cao không quá 10,5 mét. Bề ngang của công trình so với mặt đường chính chỉ được xây dựng không vượt quá 50%.
Đến Mũi Né hiện nay, du khách đi trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (P. Hàm Tiến) sẽ thấy vô số hàng quán “ăn theo” các resort. Thậm chí họ làm nhà vệ sinh ngay sát biển. Nhìn khu vực khu phố 1 Hàm Tiến không ai nghĩ đây là bãi biển Mũi Né lừng danh bởi những quán cóc ăn nhậu ì xèo và những nhà vệ sinh di động sát mép biển. Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình cảnh báo: “Nếu không mau dẹp đi thì chẳng bao lâu lượng khách đến Mũi Né không chỉ giảm, mà thương hiệu Mũi Né sẽ bị ảnh hưởng. Các hàng quán này đã được Hiệp hội du lịch Bình Thuận nhiều lần kiến nghị tháo dỡ để tạo cảnh quan, nhưng đâu vẫn đó”.
Theo UBND phường Hàm Tiến cho biết, nhiều quán xá được cơ quan chức năng cấp phép. Cán bộ quản lí đô thị phường Hàm Tiến còn nói: “Rất nhiều quán xá khi cán bộ phường đến kiểm tra thì họ trưng ra giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp”- (chẳng hạn các kiot trước Làng Thuỵ Sĩ Resort).
Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến cho biết, tình hình xây xựng không phép mỗi lúc một phức tạp hơn. Trong khi chức năng, con người và chuyên môn của phường có hạn. Chỉ hai ngày nghỉ (thứ Bảy và Chủ nhật) nhiều chủ nhà hoặc resort đã xây xong phần móng vài phòng khách. Thống kê của phường Hàm Tiến cho đến cuối tháng 9 đã có 28 trường hợp xây dựng không phép. Nhưng còn nhiều trường hợp khác phường làm không xuể. Không phép nhiều nhưng có phép (không theo qui hoạch) cũng không ít. Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến cho biết, resort M’Phan Thiết xây dựng gần 10 năm nay chưa xong dù thay qua mấy đời chủ (thực chất là bán-PV ). Tuy resort này thuộc diện dự án “treo” dài dài nhưng Sở Xây dựng Bình Thuận lại cấp phép cho xây ngay trước cổng hai quán bán đồ lưu niệm. Rồi chủ cho thuê lại; gây mất mĩ quan đô thị.
Quán sá, thậm chí nhà vệ sinh được xây đầy ngay ven biển khu phố 1 phường Hàm Tiến  gây mất mĩ quan Mũi Né
Quán sá, thậm chí nhà vệ sinh được xây đầy ngay ven biển khu phố 1 phường Hàm Tiến gây mất mĩ quan Mũi Né
Trong khi đó, chức năng của phường chỉ biết báo cáo thành phố xử lý, chứ không làm gì được họ. “Có khi vào kiểm tra bảo vệ resort còn không cho vào. Xây dựng không phép thì tràn lan nhưng từ đó tới giờ chưa thấy nhà xây không phép nào bị tháo dỡ” – Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến nói.
Bà Vũ Thị Thu Hà- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Bình Thuận cho rằng, với quân số chỉ có 5 người hiện nay công tác kiểm tra của Thanh tra Sở không làm nổi. Mặt khác, xử lí các chủ resort xây dựng trái phép không dễ vì thanh tra xây dựng phải kết hợp với Sở TNMT mới biết ranh giới của các chủ resort để kiểm tra. Và điều này không đơn giản chút nào.
“Mũi Né- Hàm Tiến là khu đô thị du lịch đặc thù của Bình Thuận. Về mặt qui hoạch kiến trúc thì đúng là hiện nay đang bộc lộ rất nhiều bất cập. UBND tỉnh Bình Thuận đã nhận ra điều này và giao cho TP. Phan Thiết chủ trì qui hoạch chi tiết nhằm siết chặt hơn trong quản lí xây dựng đô thị. Tuy nhiên do nhiều yếu tố có tính lịch sử nên triển khai khó khăn không phải ngày một ngày hai mà làm ngay được. Ở góc độ quản lí nhà nước, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh thực hiện bản qui hoạch chi tiết 1/500. Bên cạnh việc tuyên truyền cần cương quyết xử lí nạn xây dựng trái phép hiện nay để lập lại trật tự trong xây dựng khu đô thị đặc thù đúng với thương hiệu nổi tiếng của Mũi Né”.
KTS Nguyễn Công Văn- Phó giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bình Thuận
Theo Trường Lưu- Bảo Thanh
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)