Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đậu sớm, vỡ trận sớm!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo kết qu thng kê, t l hc sinh đưc công nhn tt nghip THPT năm 2023 ca cc đt 98,88%. Đây li là mt năm “bi thu” ca ngành giáo dc.


Giám th kim tra thông tin thí sinh trưc khi vào phòng thi trong k thi tt nghip THPT năm 2023. Ảnh: Én Bông

Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có những thống kê điểm số, phổ điểm của từng môn. Thế nhưng điều đó cũng khiến nhiều người băn khoăn, liệu rằng tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nào cũng cao ngất ngưởng, gần như là tuyệt đối thì chất lượng giáo dục có thật sự là “thành tích vàng” đáng tự hào hay không? Rất cần một sự lý giải, nhận định khoa học từ các nhà chuyên môn!

Cũng theo kết quả được công bố, Vĩnh Phúc là tỉnh có điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cao nhất cả nước, với điểm bình quân các bài thi đạt 7,219 điểm. Trong khi đó, các tỉnh/thành có điểm thi thấp nhất bao gồm Đắk Lắk với 5,85 điểm; Cao Bằng 5,76 điểm và Hà Giang 5,24 điểm. Với điểm trung bình các môn chỉ “suýt soát” hơn 5,0 vậy mà tỷ lệ đậu tốt nghiệp của tỉnh Hà Giang đạt 94,15%; tỉnh Cao Bằng đạt 96,53%; tỉnh Đắk Lắk đạt 96,61%!

Từ năm 2017 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã “hợp nhất” với thi tuyển sinh ĐH. Bộ GD-ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh. Theo đó, học sinh phải dự thi 4 môn/bài thi, trong đó gồm 3 môn thi độc lập là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) hoặc khoa học xã hội (địa lý, lịch sử, giáo dục công dân).

Với cách tính như vậy, học sinh chỉ cần có điểm học bạ “đẹp như mơ” thì khả năng rớt tốt nghiệp THPT là rất thấp. Một học sinh có điểm trung bình cả năm trong học bạ đạt 7,0 thì điểm trung bình của bài thi tốt nghiệp cần chỉ đạt 4,15. Trong khi đó, phân tích phổ điểm các môn thì điểm trung bình đều từ 6,0 trở lên, chỉ trừ môn tiếng Anh là 5,45. Như thế, với điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Hà Giang là 5,24 điểm nhưng đạt tỷ lệ 94,15% phần lớn là do điểm học bạ “gánh” cũng như mức độ đề thi tốt nghiệp ở phổ điểm khoảng 6,0. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao nhưng điểm thi tốt nghiệp không cao thì điều này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng để đưa ra những chính sách giáo dục hợp lý hơn.

Bộ GD-ĐT cũng đã từng cảnh báo về mức độ chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Điều đó cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ ngoài việc chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp, còn là căn cứ để tuyển sinh ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng, phương thức xét tuyển ĐH dựa vào kết quả học bạ sẽ không có sự công bằng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giáo viên “nâng đỡ” cho học sinh của mình, thậm chí có thể xuất hiện tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ. Phương thức xét tuyển này đang bộc lộ nhiều bất cập, điểm chuẩn xét tuyển học bạ của nhiều trường ĐH tăng, thậm chí, có học sinh dù đạt đến 30 điểm/3 môn bằng phương thức xét tuyển này nhưng vẫn trượt ĐH.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập, chất lượng dạy và học của trường phổ thông để các nhà trường có cơ sở điều chỉnh phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh ĐH. Nhưng hiện nay các trường ĐH đang áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh mà không phụ thuộc nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp. Việc đậu ĐH sớm trước khi thi tốt nghiệp THPT làm cho học sinh lơ là việc học, buông lỏng hoặc thậm chí bỏ hẳn ngay từ đầu những môn “lót đường”, cứ chăm chăm “đánh lụi” để “chống liệt”. Khi học sinh chẳng còn tha thiết với kỳ thi tốt nghiệp THPT càng khiến cho chất lượng dạy và học THPT không bảo đảm. Thi tốt nghiệp “kẹp” với thi ĐH như kiểu bánh mì kẹp patê, học sinh thì học đối phó, chỉ chờ kết quả đậu tốt nghiệp “vớt vát” là đã có thể “vợt” trúng trường ĐH.

Vậy có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không? Nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ hẳn thi tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ buông lỏng việc học. Thi, kiểm tra vẫn là một hình thức đánh giá “ngưỡng chuẩn” của môn học, bậc học. Qua kết quả thi sẽ đánh giá được chất lượng của quá trình dạy và học. Với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên 98% thì mục đích kỳ thi tốt nghiệp không phải để đánh trượt 2% số học sinh ít ỏi, nhưng là để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Thi tốt nghiệp hãy cứ về lại đúng vị trí của mình. Việc các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh hay không hãy để các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh. Việc cần thiết và quan trọng của giáo dục phổ thông là hướng nghiệp và phân luồng giáo dục. Đây là việc luôn được đặt ra cho ngành giáo dục nhưng đến nay việc triển khai vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đổi mới giáo dục đi đôi với đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá. Thi hay không thi thì cũng cần một thước đo đánh giá phù hợp.

Chỉ sau 2 năm nữa, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng đại trà cho khối lớp 5, khối lớp 9 và khối lớp 12 vào năm học 2024-2025. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định mục tiêu chính là giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, theo phương thức dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành, để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế. Sách giáo khoa không còn là giáo trình mang tính hàn lâm mà là học liệu để giáo viên và học sinh khai thác trong quá trình dạy và học. Chương trình môn toán trong cả hai giai đoạn giáo dục (giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) có cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, đại số và một số yếu tố giải tích; hình học và đo lường; thống kê và xác suất. Nội dung chương trình môn toán ở chương trình phổ thông mới sẽ tinh giản nhiều, lược bớt các khái niệm, các chứng minh mang tính hàn lâm. Qua sự dẫn dắt trong tiến trình dạy học, các kết quả, kiến thức học sinh thu nhận có thể được công nhận chứ không yêu cầu học sinh chứng minh các định lý, tính chất.

Trước đây khi thay sách giáo khoa năm 2008, Bộ GD-ĐT cũng thiết kế 2 bộ giáo giáo khoa: Bộ sách giáo khoa cơ bản và bộ sách giáo khoa nâng cao với định hướng phân luồng giáo dục, cho phép học sinh lựa chọn. Mấy năm đầu đề thi có phần tự chọn cơ bản hoặc nâng cao, nhưng rồi sau đó bỏ hẳn luôn phần nâng cao để đề thi tốt nghiệp đã “quy về một mối” chỉ còn một đề chung. Giống như việc yêu cầu người dân phân loại rác ra 2 luồng rác hữu cơ và rác vô cơ. Tuy nhiên, phương tiện đi gom rác thải thì theo phương châm “không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu”, rác gì cũng đổ hết vô một chỗ. Giáo dục nước ta cứ mãi “khắc xuất, khắc nhập”, hết thi chung lại riêng, hết riêng rồi lại chung. Đâu sẽ là hướng ra cho giải pháp giáo dục mang tính chiến lược, lâu dài?

Lâm Vũ Công Chính

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)