Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 đã diễn ra tại Trường THPT Tenlơman (Q.1). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cùng nhiều đơn vị khác.
Đại diện một trường ĐH trao đổi thông tin với học sinh Trường THPT Tenlơman
Nhằm giúp cho học sinh trong trường nắm được những thông tin mới, liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia cũng như cách thức làm hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ, ThS. Trà Thanh Trung (Ban ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: Đầu tháng 4, học sinh lớp 12 bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Theo đó, hồ sơ có 2 phần là điền thông tin dự thi và đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ. Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến diễn ra từ ngày 24 đến 27-6.
ThS. Trà Thanh Trung cho biết thêm, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thi và công bố kết quả vào khoảng giữa tháng 7 (tầm ngày 10 đến 15-7). Cũng trong thời gian này, học sinh tại TP.HCM được Sở GD-ĐT TP.HCM xét tốt nghiệp THPT (dự kiến tỉ lệ: 70% điểm thi THPT quốc gia và 30% kết quả lớp 12). “Ngay thời điểm công bố kết quả, các em suy nghĩ thêm một lần nữa xem bảng đăng ký nguyện vọng hồi tháng 4 còn phù hợp với mình hay không. Nếu không thì điều chỉnh lại một lần nữa và việc này phải hoàn thành vào cuối tháng 7. Đầu tháng 8, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì các trường ĐH-CĐ trên cả nước đồng loạt xét tuyển. Nếu em nào không trúng tuyển có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung để có cơ hội học tiếp”, ThS. Trà Thanh Trung thông tin.
“Năm 2019, các trường ĐH-CĐ sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, tùy trường sẽ sử dụng phương thức độc lập hoặc tích hợp. Khi chọn lựa trường, các em hãy xem thật kỹ thông tin để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển”, ThS. Trà Thanh Trung khuyên.
Trước lo lắng của em Dương Vũ Thanh Vân (lớp 12A2) về việc thích ngành thiết kế đồ họa nhưng lại không biết có phù hợp với bản thân không? Bà Trương Thị Cẩm Vân (đại diện Trường ĐH FPT) cho biết đây là ngành học được đào tạo theo hướng sáng tạo, học thiết kế hoàn toàn bằng máy tính nên trường đòi hỏi đầu vào của thí sinh phải đạt IELTS 6.0. Trong quá trình học, Trường ĐH FPT sẽ gửi sinh viên đi thực tập tại các công ty thiết kế, xưởng phim hoạt hình từ 4-6 tháng ở nước ngoài và được định hướng học chuyên môn hóa cao hơn. Chính vì thế sau khi ra trường, mức thu nhập của sinh viên khá cao. “Riêng đối với những em thích ngành thiết kế đồ họa nhưng lại phân vân không biết mình có hợp hay không thì cũng đừng lo lắng vì trường sẽ có một kỳ thi riêng để kiểm tra năng lực, kỹ năng… của thí sinh. Nếu vượt qua kỳ thi này thì các em có thể tiếp tục theo học”, bà Trương Thị Cẩm Vân cho biết.
Tại chương trình, em La Kim Phú (lớp 12A6) bày tỏ sự quan tâm đối với chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn. Bà Hoàng Trần Hạ An (đại diện Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) giải đáp: Đây là một ngành thuộc khoa khách sạn, được đào tạo bậc TC 1,5 năm, CĐ 2,5 năm. Theo đó, các em sẽ được học phong cách nấu ăn: bếp Việt Nam, bếp Âu – Á, bếp bánh, kỹ thuật tỉa rau quả, kỹ thuật xây dựng menu, các món tráng miệng…; học từ cơ bản đến nâng cao. Trường có phương thức xét tuyển riêng cũng như có bộ hồ sơ riêng dành cho thí sinh đăng ký học.
Kiều Khánh
Bình luận (0)