Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đấu thầu khi tổ chức hoạt động giáo dục chương trình nhà trường là… vô lý

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, với đặc thù của ngành giáo dục mang tính ổn định, liên tục, kế thừa thì việc phải đấu thầu để tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình nhà trường là… vô lý.

 

Hiện nay, khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục, tại mỗi trường học ngoài Chương trình GDPT 2018 theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT thì còn có chương trình nhà trường với các hoạt động giáo dục bổ trợ, nhằm giúp nhà trường triển khai hiệu quả nhất mục tiêu Chương trình GDPT 2018, đáp ứng việc phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Đối với chương trình nhà trường, hiệu trưởng nhà trường được quyền chủ động tổ chức thực hiện, với sự thống nhất của hội đồng trường, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh; đảm bảo phù hợp với đặc thù đội ngũ, cơ sở vật chất và đối tượng học sinh của trường.

Về điều này, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23-3-2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập cũng đã quy định rất rõ: “Cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả”.

Nhiều nhà quản lý giáo dục đặt vấn đề về sự vô lý khi phải đấu thầu triển khai các hoạt động giáo dục bổ trợ trong nhà trường

Tại TP.HCM, chương trình nhà trường hiện nay đang được các cơ sở giáo dục thực hiện có thể kể đến như chương trình dạy học ngoại ngữ (tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với người nước ngoài, tiếng Anh đề án, tiếng Anh với phần mềm bổ trợ…); chương trình giáo dục tin học theo chuẩn quốc tế; giáo dục STEM; Kỹ năng sống; hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; kỹ năng công dân số…

Để triển khai các nội dung này, hiệu trưởng nhà trường sẽ căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, từ đó phối hợp với các đơn vị để thực hiện, trên cơ sở cân nhắc và đánh giá tính hiệu quả, nguồn lực khi phối hợp triển khai của đơn vị.

Phân tích như vậy để thấy rằng, chương trình nhà trường hiện nay không hề tách rời với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 mà gắn liền, bám sát, góp phần giúp nhà trường, ngành giáo dục thực hiện một cách hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Do đó, việc phải tổ chức đấu thầu để triển khai các hoạt động giáo dục bổ trợ trong chương trình nhà trường là điều hết sức vô lý, không phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại một quận trung tâm TP.HCM bức xúc: Đặc thù ngành giáo dục không hề giống với các ngành nghề khác. Nhà trường không có “nguồn vốn” để tổ chức các hoạt động giáo dục bổ trợ. Các chương trình nhà trường đều thực hiện theo hình thức thu hộ – chi hộ, với sự đồng thuận của phụ huynh, có sự đánh giá chất lượng nghiêm ngặt. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm khi triển khai các nội dung này. Nếu phải đấu thầu để triển khai các hoạt động này thì không khác gì coi giáo dục như một mặt hàng như cách ngành nghề khác, trong khi giáo dục không phải là một mặt hàng để thực hiện dạy học sinh cũng phải… đấu thầu.

“Nếu hoạt động nào trong nhà trường cũng phải thông qua đấu thầu thì có khi cuối năm học cũng chưa đấu thầu xong hết. Chẳng lẽ trong thời gian đó nhà trường dừng tổ chức dạy học sinh các hoạt động bổ trợ…” – hiệu trưởng này đặt vấn đề.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 12 lại thẳng thắn, nếu yêu cầu khi tổ chức các chương trình liên kết giáo dục trong năm học mới phải qua đấu thầu thì lãnh đạo quận cần có hướng dẫn cụ thể: đấu thầu như thế nào; đấu thầu ra sao; triển khai theo các bước nào.

“Điều quan trọng là khi đấu thầu để tổ chức các hoạt động giáo dục thì tính liên tục, ổn định, kế thừa của các chương trình giáo dục sẽ được tính đến như thế nào. Điều này cần phải được đặt ra khi hướng dẫn đấu thầu”.

Giáo dục mang tính liên tục, ổn định và kế thừa

 

“Nội dung và mức thu hoạt động giáo dục phải đảm bảo tính kế thừa, ổn định, liên tục”

Đứng ở góc độ chuyên môn và nhìn nhận từ đặc thù của ngành giáo dục, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, hiện nay theo quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục công lập được trực tiếp quyết định các hoạt động giáo dục trong chương trình nhà trường và phải thông qua hội đồng trường các hoạt động, khối lớp triển khai, khung nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, kế hoạch triển khai và các tổ chức, đơn vị phối hợp.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập chủ động phối hợp với tổ chức, đơn vị có hoạt động được lựa chọn để cùng triển khai, phân phối thời lượng, thời gian phù hợp giữa các môn học, các hoạt động giáo dục khác.

Kế hoạch thực hiện hoạt động giáo dục của chương trình nhà trường phải được thông tin, triển khai cho cha mẹ học sinh chọn lựa các hoạt động gắn với các tổ chức, đơn vị phù hợp và thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện.

Các tổ chức, đơn vị được lựa chọn triển khai phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc có nội dung giảng dạy được Sở GD-ĐT đánh giá và phải đảm bảo tính ổn định, tổ chức thực hiện xuyên suốt trong một cấp học.

“Tuy nhiên, các nội dung và mức thu khi triển khai hoạt động giáo dục thuộc chương trình nhà trường phải đảm bảo có tính kế thừa đã tổ chức hướng dẫn thực hiện theo quy định từ năm học 2023-2024” – ông Trần Khắc Huy nhấn mạnh.

Theo ông Trần Khắc Huy, Sở GD-ĐT yêu cầu ngay từ đầu năm học nhà trường cần căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để chủ động xây dựng dự toán thu – chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ và sử dụng các khoản thu đúng mục đích; thực hiện công khai kế hoạch thu – chi của từng khoản thu đến phụ huynh học sinh trước khi thực hiện. Mức thu đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Yến Hoa

Bình luận (0)