Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đấu thầu sản xuất phim truyền hình: Hay dở khó lường

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 14-5 lúc 18g, kênh HTV9 phát sóng bộ phim truyền hình Sáu mặt rubic. Đây là bộ phim đầu tiên được sản xuất theo phương thức đấu thầu của Đài truyền hình TP.HCM (HTV).

Cảnh trong phim Sáu mặt rubic. Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên của Hãng phim V-Art do đạo diễn Xuân Phước thực hiện. Phim dài 30 tập, thuộc thể loại hình sự hành động – Ảnh: V-Art

Sáu mặt rubic chỉ là một trong số sáu bộ phim sản xuất theo dạng đấu thầu được phát sóng trong năm 2011 trên tất cả các vệt giờ (11g, 18g, 20g45, 22g30…) của HTV. Thật ra hình thức đấu thầu này đã diễn ra từ năm 2010 (những bộ phim trúng thầu sẽ phát sóng trong năm 2011), song song với cách làm cũ của HTV là phân bổ số lượng tập phim cho các nhà sản xuất phim.

HTV: sân chơi bình đẳng của tiềm lực

Cũng giống như hình thức đấu thầu trong các lĩnh vực khác, trong một cuộc đấu thầu, HTV sẽ đưa ra mức cố định ít nhất về số lượng quảng cáo thu được trong một tập phim phát sóng. Hãng phim nào đưa ra số lượng quảng cáo cao nhất trong mỗi tập phim sẽ được trúng thầu.

Trên thực tế, nếu đạt đúng số lượng quảng cáo ấy khi phim phát sóng, hãng phim đó sẽ nhận được số tiền nhà đài cam kết trả cho mỗi tập phim. Nếu số lượng quảng cáo cao hơn sẽ được thưởng, và ngược lại, nếu số lượng quảng cáo không đủ cam kết như khi đấu thầu, số tiền nhà đài trả sẽ bị giảm xuống.

Lý giải cách làm mới này, ông Nguyễn Anh Xuân – trưởng phòng khai thác phim truyện – cho biết: “Hiện nay giờ phim của HTV đã cố định, trong khi đó các nhà sản xuất phim tăng lên khá nhiều. Đấu thầu các giờ phim của HTV là một sân chơi bình đẳng cho tất cả đối tác có tiềm lực nguồn vốn. Họ có trách nhiệm hơn với sản phẩm mà mình làm ra, bởi nếu phim kém chất lượng sẽ không có người xem và kết quả là quảng cáo sẽ không có”.

Trong giai đoạn thí điểm như hiện nay, các hãng phim đấu thầu chủ yếu là những hãng phim mới, đang có nhu cầu muốn hợp tác với HTV. Trong thời gian tới, hình thức đấu thầu sẽ được tổ chức đại trà, dành cho tất cả hãng phim không kể mới hay cũ.

Nhà sản xuất: nhiều rủi ro

Đặt vấn đề đấu thầu đến các hãng phim tư nhân có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất phim truyền hình, khá nhiều người tỏ ra lo lắng nhưng vì mối quan hệ tế nhị với nhà đài nên không muốn công khai danh tính.

Một giám đốc làm việc nhiều năm trong khâu sản xuất phim cho biết: “Sau khi đắn đo suy nghĩ, hãng phim chúng tôi quyết định không tham gia đấu thầu bởi rất nhiều rủi ro, khả năng lấy lại vốn rất thấp. Nhiều hãng phim mới không hiểu được việc làm phim là như thế nào nên đưa ra mức đấu thầu trên trời.

Đôi khi việc làm này mang tính gây rối bởi họ cho rằng làm phim là một cuộc chơi, chỉ cần có tiền là chơi được. Đấu thầu thật ra mang lại lợi ích cho nhà đài nhiều hơn bởi giúp nhà đài thu quảng cáo càng nhiều. Nếu quản lý không tốt, nhà đài thả lỏng cho nhà sản xuất thì chất lượng phim cũng chẳng nâng lên được là bao”.

Cùng quan điểm, giám đốc của một hãng phim có mặt từ những lúc phim truyền hình Việt còn sơ khai dẫn chứng: “Một bộ phim rất thành công trong năm 2010 thu về khoảng 1,4 tỉ đồng tiền quảng cáo cho mỗi tập phim. Hiếm hoi lắm mới có được bộ phim như vậy.

Thế mà có hãng phim mới toanh, chưa hề làm phim đưa mức đấu thầu còn cao hơn: 1,6 tỉ đồng/tập. Thật khủng khiếp. Không hiểu họ suy nghĩ như thế nào mà đưa ra mức như vậy. Dường như họ tìm mọi cách để làm sao ký kết được giờ phát sóng với nhà đài”.

Ông nhấn mạnh: “Theo tôi, việc đấu thầu phải hướng đến mục đích là làm ra những bộ phim đạt chất lượng. Nhưng nếu làm không đúng sẽ không mang tính lành mạnh. Một bộ phim có chất lượng cần những công ty có năng lực sản xuất thật sự, chứ không phải là những công ty đưa ra định mức quảng cáo trên trời”.

Những hãng phim mới trúng thầu vừa qua lại khá dè dặt khi đưa ra ý kiến của mình. Ông Phạm Việt Anh Khoa – giám đốc Hãng phim Saiga, đơn vị trúng thầu vệt giờ phim 20g45 với bộ phim Gia đình Tèo – từ chối trả lời câu hỏi với quan điểm: “Bây giờ chúng tôi không có ý kiến gì xung quanh vấn đề này. Khi phim phát sóng, khán giả sẽ đánh giá chất lượng”.

Quan trọng là khâu gác cửa

Nhiều nhà sản xuất còn băn khoăn liệu có khả năng một nhà sản xuất sau khi đấu thầu thành công sẽ bán lại gói thầu này cho một hãng phim khác, hoặc họ sẽ liên kết với một công ty quảng cáo để làm những bộ phim mang tính chất quảng cáo trá hình, như kiểu một bộ phim ngợi khen một loại “danh trà” gần đây?

Đem những thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Anh Xuân, ông nói: “Dĩ nhiên là hình thức nào cũng có mặt trái của nó. Vấn đề quan trọng là khâu gác cửa của nhà đài. Những đơn vị trúng thầu phải chứng minh được khả năng tài chính của mình và chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xem xét khả năng sản xuất của hãng đó như thế nào. Qua nhiều năm sản xuất phim truyền hình, chúng tôi đã quá hiểu vấn đề này. Những doanh nghiệp nào làm phim hay chúng tôi sẽ ưu tiên”.

HOÀNG LÊ (Theo TTO)

Bình luận (0)