Ra đời cách đây khoảng 200 năm, hệ thống công trình phòng thủ ven biển gồm đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn gắn liền với 2 trận thắng lớn của triều Nguyễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại mặt trận Đà Nẵng. Tháng năm làm mọi thứ đổi thay, nhưng nơi ghi dấu lịch sử một thời oanh liệt vẫn còn đó, nhắc nhớ bao thế hệ nối tiếp về trách nhiệm giữ gìn…
Trải qua 200 năm, kết cấu xây dựng di tích đồn Chơn Sảng vẫn còn khá nguyên vẹn
Dấu ấn công trình phòng thủ
Ngược về quá khứ, làng Chơn Sảng (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) có vị thế rất hiểm yếu. Làng tựa lưng vào núi Hải Vân, quay mặt ra vịnh Đà Nẵng. Lịch sử Việt Nam thời cận đại nói chung và lịch sử Quảng Nam – Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp ghi lại, nơi đây đã diễn ra hai trận đánh nổi tiếng, đến nay còn lưu trong sử sách và trong trí nhớ của các bậc cao niên dọc triền chân sóng.
Trong buổi đầu kháng Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã cử tướng Nguyễn Tri Phương vào chỉ huy mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng. Dưới sự chỉ huy và tinh thần chiến đấu kiên cường, năm 1958, tướng chỉ huy người Pháp đánh Đà Nẵng là Regault de Genouilly bị quân dân nhà Nguyễn cầm chân, đã tỏ ra chán nản và xin từ chức. Pháp cử Thiếu tướng Francois Page sang thay thế. Vì muốn thể hiện quyền uy, năng lực của mình, Regault de Genouilly đã quyết định mở một trận đánh lớn vào đồn Chơn Sảng vào ngày 18-11-1859. Cuộc chiến này gặp phải sự kháng cự rất quyết liệt của quân ta. Thiếu tá công binh Déroulède chỉ huy trận đánh đã tử trận. Tuy nhiên, quân Pháp vẫn chiếm được đồn Chơn Sảng.
Kể từ thời điểm đồn Chơn Sảng bị thất thủ, đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế qua đèo Hải Vân bị nghẽn do quân Pháp án ngữ. Vua Tự Đức liền cử Thống chế Nguyễn Trọng Thao làm Đề đốc quân vụ, đem quân vào Hải Vân cự đánh. Tháng 1-1860, quân Nguyễn Trọng Thao từ trên đèo tiến xuống, quân của Trần Đình Túc và Nguyễn Hiên từ đồn Nam Ổ (tên gọi khác là Nam Ô) và Câu Đê tấn công lên. Quân Pháp bị đánh bật khỏi Chơn Sảng.
Sơ đồ bố trí trạm Nam Chơn và đồn Chơn Sảng thời nhà Nguyễn
26 năm sau, đêm 28-2-1886, đoàn công binh của Pháp do Đại úy Besson chỉ huy dừng chân ở đồn Chơn Sảng. Được sự mật báo của một người thông dịch viên tên Trần Văn Quế, quân Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu đã kéo về ém dưới chân đèo Hải Vân từ trước. Nửa đêm, 300 quân Nghĩa hội xuất phát từ làng Nam Ô dùng thuyền và ghe tam bản bơi theo sông Thủy Tú ra vịnh Đà Nẵng sau đó vòng theo eo biển dưới chân Hải Vân rồi tiến lên bao vây nhà đồn Chơn Sảng. Toàn bộ đội lính công binh của Pháp bị tiêu diệt. Đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn ghi vào sử sách, nhắc nhớ về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, đánh bật giặc ngoại xâm khỏi vịnh Đà Nẵng.
Không để di tích bị lãng quên
Đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn ra đời cách ngày nay khoảng 200 năm, có tổng diện tích khoảng 1,5ha. Dù từng là nơi ghi dấu về những trận chiến lẫy lừng nhưng ít ai biết về di tích đặc biệt này. Theo tìm hiểu, hiện kết cấu xây dựng của hệ thống thành hào tại đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Tường thành được làm bằng đá, gắn kết bằng chất liệu đặc biệt nên đến tận bây giờ vẫn rất chắc chắn.
Gần đây, TP.Đà Nẵng thông qua đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây. Đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn nằm trong khu vực quy hoạch này. Khi lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng nhìn nhận vị trí hai nền móng công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn tại khu vực làng Vân ảnh hưởng trực tiếp đến bố cục và định hướng phát triển không gian cũng như tiến độ thực hiện của dự án. Do vậy, cần cân nhắc đưa ra các giải pháp ứng xử phù hợp đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững hài hòa với quy hoạch của khu sinh thái. Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đề nghị ngành văn hóa nêu quan điểm cụ thể: giữ hay xóa? Sở VH-TT cho rằng cần ưu tiên thực hiện dự án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây để đảm bảo tiến độ dự án nhằm làm động lực phát triển kinh tế của thành phố, vì thế lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D về hai công trình nói trên nhằm lưu giữ ký ức lịch sử về các công trình phòng thủ ven biển của triều Nguyễn tại Đà Nẵng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Trưởng bộ môn Việt Nam học (Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng) cho rằng, đồn Chơn Sảng gần với Hải Vân quan. Cung đường thiên lý Bắc – Nam vẫn ngang qua đèo Hải Vân. Nếu khai thác được giá trị của các cụm quần thể di tích, di sản, đặc biệt là hệ thống kiến trúc thành, hào phòng thủ gắn với lịch sử những ngày đầu kháng Pháp tồn tại trên dưới 200 năm thì đây là địa chỉ giàu giá trị để phát triển du lịch. |
UBND quận Liên Chiểu ngay sau đó đã có công văn khẳng định hai di tích trên dấu vết rất rõ ràng và còn nguyên giá trị lịch sử về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông. Chính quyền quận căn cứ theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, đề nghị các cơ quan chức năng cần giữ lại và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình quân sự của triều Nguyễn tại khu vực làng Vân.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh sau đó đã có kết luận về việc giữ lại nguyên trạng nền móng hai di tích kể trên, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đo đạc tổng thể diện tích của hai di tích này để đưa ra phương án bảo tồn, gìn giữ tốt nhất. Quyết định này nhận được sự đồng thuận lớn trong nhân dân Đà Nẵng nói chung và quận Liên Chiểu nói riêng về việc góp phần gìn giữ di tích lịch sử, như một minh chứng nhắc nhớ bao thế hệ về tinh thần quật cường, bảo vệ quê hương, mở ra hy vọng về một điểm đến cộng thêm trên cung đèo Hải Vân – nơi được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất hùng quan trên dải đất miền Trung.
Thiên Phúc – Thanh Trúc
Bình luận (0)