Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước đang gấp rút thực hiện bộ hồ sơ về công viên địa chất toàn cầu cho tỉnh Gia Lai, mà những giá trị khảo cổ học ở An Khê là một thành phần quan trọng.

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt
Những hố đào quan trọng ở di tích An Khê đang được khai quật và định hướng trở thành bảo tàng ngoài trời – Ảnh: THÁI LỘC

Cùng với hàng loạt di tích, di sản tự nhiên và lịch sử văn hóa được đánh giá có giá trị nổi bật không chỉ trong nước mà còn toàn cầu, một tương lai để biến thung lũng An Khê vốn cằn cỗi trở thành một điểm đến để nghiên cứu và hưởng thụ văn hóa tầm cỡ quốc tế không còn là câu chuyện viển vông…

Hướng đến di sản thế giới

Đầu tháng 4-2017, ông Phan Xuân Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai, cho biết đã có văn bản chỉ đạo Bảo tàng Gia Lai gấp rút lập hồ sơ di tích An Khê để trình UBND tỉnh đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh. Nếu các điều kiện thuận lợi, công việc trên sẽ làm cơ sở thực hiện bộ hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận An Khê là di tích quốc gia đặc biệt, dự kiến ngay trong năm 2018. Theo TS Nguyễn Gia Đối, sau hồ sơ về di tích quốc gia đặc biệt sẽ đề nghị tỉnh Gia Lai thực hiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận An Khê là di sản văn hóa thế giới.

Từ trước đó, các nhà khoa học Nga và Việt cũng đã thực hiện các bài báo khoa học về An Khê đăng trên tạp chí quốc tế chuyên ngành. Việc này đang được tiếp tục nhưng ở tầm cao hơn, các nhà chuyên môn đang nhắm đến các tạp chí về khảo cổ học uy tín và “có số má” của thế giới. Cùng với kết quả các hội thảo, thông báo khoa học, phát hiện di tích An Khê cơ bản gây được tiếng vang nhất định trong giới chuyên môn quốc tế. Song, theo TS Đối, công việc nghiên cứu An Khê không phải là việc ngày một ngày hai mà là rất lâu dài, có khi trải qua nhiều thế hệ.

Cũng trong những ngày này, các nhà khảo cổ học đã đề nghị và được chính quyền chấp thuận đầu tư phương án bảo tồn tại chỗ những hố đào ẩn chứa dấu vết đặc biệt độc đáo của người tiền sử. Trước mắt, phương án làm nhà mái che và hàng rào bảo vệ những hố đào nhằm chuẩn bị cho trưng bày trực quan sẽ thực hiện sau này. Kế hoạch sắp tới, đoàn sẽ lập bản đồ phân bố di tích, tiến hành quy hoạch, xác định vùng lõi để bảo vệ nghiêm ngặt và vùng đệm chuyển tiếp, cùng với đó là kế hoạch xây dựng con đường vào và các hạng mục hạ tầng.

Trong một trạng thái rất vui mừng, ông Phan Xuân Vũ khoe với chúng tôi một tin vui của tỉnh là một đoàn công tác chuyên môn gồm cả chuyên gia đến từ UNESCO sẽ đến Gia Lai thực hiện đợt khảo sát những điểm điển hình về địa chất địa mạo, những suối thác nguyên sơ được nhận định “đẹp có hạng của thế giới”.

Nó nằm trong kế hoạch xây dựng hồ sơ về công viên địa chất toàn cầu mà di tích An Khê là thành phần văn hóa rất quan trọng trong bộ hồ sơ này. Theo đánh giá bước đầu của ông Paul R. Dingwall – cố vấn khoa học kỹ thuật của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Gland – Thụy Sĩ; Trung tâm Di sản thế giới – UNESCO, tỉnh Gia Lai hội đủ các tiêu chí của một công viên địa chất toàn cầu.

Ông Vũ nhận xét: “Nếu được công nhận danh hiệu này thì Gia Lai sẽ là vùng đất đặc biệt, đậm đặc các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt nhất là sự hội tụ của các giá trị, về tự nhiên là nền lục địa cổ xưa nhất của vỏ trái đất, về văn hóa là cái nôi loài người xuất hiện sớm.

Đặc biệt là An Khê đã trở thành nơi hội tụ, gặp gỡ của các nhà khoa học, từ khảo cổ học, cổ sử, nhân học, cổ sinh học, địa chất học đến để nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề!”…

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt
Hội thảo quốc tế về thời đá cũ ở An Khê tháng 11-2016 gây được tiếng vang vì phát hiện quan trọng ở đây – Ảnh: THÁI LỘC

Nhiều công việc phải làm

Hiện nay, sau 3 năm khai quật và nghiên cứu, cho dù đã có kết quả niên đại tuyệt đối tương đối thuyết phục và xác định được vùng lõi di tích (khoảng 40ha) và vùng đệm (hơn 120ha)… nhưng tất cả chỉ mang tính khởi đầu.

Theo TS Đối, để khẳng định, thuyết phục được cả giới khảo cổ học quốc tế công nhận An Khê – cái nôi loài người là điều khá phức tạp, lâu dài, cần sự kiên trì, đầu tư không chỉ của các nhà khoa học mà còn của chính quyền địa phương và các cấp cao hơn. Trong đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng di tích, xác định rõ phạm vi phân bố di tích và xác định rõ đặc trưng đồ đá ở An Khê…

Theo GS.TS Phạm Văn Đức – phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, những kết quả khai quật ở An Khê còn có tính “gợi mở, hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.

Cụ thể hóa điều này, PGS Nguyễn Khắc Sử cho biết so với nhiều di tích thời tiền sử nổi tiếng trên thế giới mà ông biết, nhất là ở Nga và Trung Quốc, quy mô và tầm quan trọng của di tích An Khê hoàn toàn xứng đáng được đầu tư để trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về nguồn gốc loài người mang tầm quốc tế. Trung tâm này là nơi người ta có thể đến để tham quan, học tập, khai quật và nghiên cứu khoa học.

Nơi đây, ngoài khu bảo tàng quy mô trưng bày tại chỗ hoặc tái hiện mô hình trực quan sinh động về đời sống, sinh hoạt và lao động của con người thuở bình minh ngay tại các hố đào, còn gắn liền với hệ thống hạ tầng hiện đại và phức hợp các công trình liên quan như những phòng thí nghiệm hiện đại; chỗ ở và sinh hoạt cho các chuyên gia lẫn sinh viên đến học tập, nghiên cứu; có khu nghỉ dưỡng hay khách sạn cao cấp; có các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí và dịch vụ phụ trợ…

Các chuyên gia cho biết sẽ đề xuất phương án xây dựng đến các cấp quản lý địa phương và trung ương, thậm chí có cả phương án vận động tài trợ… Đó cũng chính là kỳ vọng của những nhà quản lý thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và của cả người Việt, của những ai trên thế giới quan tâm, yêu quý những trang sử cổ xưa nhất của loài người…

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Di sản đặc biệt
Các nhà khảo cổ học quốc tế đặc biệt quan tâm đến những hiện vật khai quật được ở di tích An Khê – Ảnh: THÁI LỘC

Khó khăn kinh phí

Hiện nay, hầu hết kinh phí dành cho khai quật và nghiên cứu hàng trăm triệu đồng mỗi năm chủ yếu do phía Nga chi trả, nằm trong chương trình hợp tác thực hiện giữa Viện Khảo cổ học VN và Viện Khảo cổ học – dân tộc học Novosibirsk Nga giai đoạn 2015-2019. Điều mà các nhà khoa học băn khoăn hiện nay chính là kế hoạch tiếp theo khi hoàn thành giai đoạn này.

“Khả năng sau giai đoạn này mình có tiếp tục giữ chân họ được hay không? Nếu không, cứ tiếp tục khai quật và nghiên cứu thì lấy kinh phí đâu ra? Lúc đó sẽ vừa khó khăn về kinh phí và đặc biệt là khó khăn về chuyên môn. Bởi vì chuyên gia Nga vừa có tri thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ quốc tế thuận lợi hơn VN nhiều!” – TS Đối tỏ vẻ lo lắng.

THÁI LỘC – 
THÁI BÁ DŨNG/ TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)