Theo sách Sài Gòn xưa và nay, sau khi chiếm được thành Gia Định(thành Phụng do vua Minh Mạng xây), để tránh quân triều đình nhà Nguyễn đánh chiếm lại, ngày 8/3/1859 tướng De Genouilly cho đặt 32 ổ mìn đánh sập thành Phụng. Đồng thời, quân Pháp cũng cho tiêu hủy toàn bộ kho bên trong, kéo dài cả tuần do có nhiều lúa gạo.
Khi đã chiếm được toàn bộ Nam Kỳ, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu tập trung xây dựng thành phố Sài Gòn. Tuy nhiên, trong các bản đồ của đề án quy hoạch năm 1867 và 1870 không có công trình nào trên khu vực thành Gia Định cũ.
Mãi đến bản đồ của đề án quy hoạch năm 1873 mới xuất hiện một công trình xây dựng ngay trên nền của thành Gia Định, được xây trong 3 năm (1870-1873) bằng nhiều vật liệu sắt và gạch phá dỡ từ thành Gia Định cũ, theo bản thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Varaigne và A. Dupommier. Khi xây xong, thành được đặt tên là Martin des Pallières theo tên của vị tướng Pháp Charles Gabriel Félicité Martin des Pallières (1823-1876).
Thành Martin des Pallières có dạng hình chữ nhật với cạnh là 4 con đường (Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm) và có diện tích chỉ bằng gần một nửa thành Gia Định. Thành gồm ba khối kiến trúc chính: hai khối nhà dài một trệt, một lầu, hai bên cổng; khối còn lại một trệt, hai lầu xây cao hẳn trên nền đất. Kiểu thành và mẫu nhà với hệ thống lam quả trám phía trước, chống nóng sau này được áp dụng vào một số kiến trúc ở Sài Gòn như Bệnh viện Quân đội Pháp (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2).
Tuy nhiên, phía ngoài tòa thành mới này vẫn còn hệ thống lũy đất quanh thành nên trong các bản đồ trước năm 1900 đa số còn vẽ nguyên hình dáng thành Gia Định xưa (từ năm 1900, hệ thống lũy đất này mới bị san bằng nên các bản đồ sau đó không còn thấy hình dáng thành Gia Định xưa nữa.
Theo các nhà nghiên cứu, thành mới có thể là căn cứ đầu tiên của Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ (Régiment de marche de Cochinchine) thành lập năm 1869. Đến năm 1890, Trung đoàn được phát triển thành các trung đoàn số 8, 10 và 11. Riêng trung đoàn số 11 đóng tại thành Martin des Pallières.
Năm 1900, trung đoàn 11 đổi tên là Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 (11ème régiment d'infanterie coloniale – 11ème RIC) – binh đoàn chủ lực của Pháp ở Nam Kỳ. Người Sài Gòn thời đó gọi nơi này là trại Ông Dèm hay thành Ông Dèm (phiên âm từ chữ onzième có nghĩa là thứ mười một).
Theo sách Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945-1975), ngày 9/3/1945, sau cuộc đảo chính, người Nhật bắt tất cả người Pháp tại Sài Gòn giam giữ tại đây. Khi quân Anh vào Sài Gòn làm nhiệm vụ giải giới quân Nhật, tướng Douglas Gracey ra lệnh phóng thích và trang bị cho người Pháp tại Nam Bộ, đặc biệt là với các binh lính Pháp bị giam tại trại Ông Dèm. Chính lực lượng của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 (11ème RIC) đã cùng quân Anh nổ súng tái chiếm Sài Gòn ngày 23/9/1945.
Năm 1954, quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, cũng như tất cả cơ sở khác, thành Ông Dèm được trao lại cho chính quyền Quốc gia Việt Nam. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam lúc đó là Ngô Đình Diệm đã điều một số tiểu đoàn trung thành với chính phủ vào nội đô Sài Gòn, đóng tại thành Ông Dèm. Nhờ đó, khi quân Bình Xuyên tấn công thành, quân chính phủ đã nhanh chóng đánh bại, đẩy lùi lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn.
Sau khi nắm quyền Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Ngô Đình Diệm cho đổi tên thành thành Cộng Hòa và khu vực này là nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, sau đó được nâng lên thành Liên đoàn, rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Tuy quân số bằng một trung đoàn bộ binh, khả năng chiến đấu của Lữ đoàn Phòng vệ lúc đó được đánh giá tương đương với một sư đoàn nhờ binh sĩ thiện chiến và trang bị vũ khí tối tân (pháo binh, thiết giáp và súng phòng không…).
Bằng chứng là trong cuộc đảo chính ngày 11/11/1960, dù quân đảo chính đã kiểm soát được nhiều khu vực quan trọng như Tổng tham mưu, Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, Nha Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Nha Cảnh sát đô thành… nhưng nhờ sức kháng cự quyết liệt của lực lượng Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống thành Cộng Hòa và Phủ Tổng thống vẫn không bị thất thủ.
Đến lần hai vào ngày 1/11/1963, ngay từ đầu quân đảo chính đã bắt giam Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi – Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Nhờ đó đã làm giảm khả năng tổ chức chống đảo chính của lực lượng này. Tuy nhiên, quân đảo chính vẫn không thể chiếm được thành Cộng Hòa. Mãi đến rạng sáng ngày 2/11, lực lượng phòng vệ mới buông súng theo lệnh của tổng thống Diệm khi ông bị bắt.
Sau đảo chính, Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống bị giải thể. Ngày 14/12/1963, Chính quyền mới (Việt Nam Cộng Hòa) ra quyết định giao thành Cộng Hòa cho Bộ Giáo dục để thiết lập một khu Đại học (gồm Đại học Văn khoa, Dược khoa về sau có thêm Cao đẳng Nông Lâm Súc và Đài Truyền hình). Tòa nhà lính ở phía sau cổng thành bị phá, một đại lộ mới cũng được xây dựng xuyên qua chia thành Cộng Hòa làm hai, nối thông đường Đinh Tiên Hoàng với đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng).
Ngày nay, sau 143 năm, dấu tích của thành Ông Dèm vẫn còn ở khu vực trung tâm quận 1 là 2 khối nhà ở hai bên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay giao lộ Lê Duẩn. Hiện khối nhà thuộc ĐH Dược được cải tạo làm căn tin còn khối nhà thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trung tâm ngoại ngữ của trường.
Nhiều người cho rằng hai khối nhà có tuổi đời hơn trăm tuổi, đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử cần được đưa vào danh sách bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và Phát huy giá trị di tích (Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM) cho biết, hiện 2 ngôi nhà trên không thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia cũng như cấp thành phố.
Theo VnExpress
Bình luận (0)