Sự kiện giáo dụcTin tức

Đầu tư cho đại học chưa tương xứng

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham quan phòng thí nghiệm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM chiều 29-1

Ngày 30-1, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với đại diện lãnh đạo UBND và các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM liên quan đến vấn đề phát triển chất lượng giáo dục ĐH. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều trường chưa đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH.
Khó khăn trong xây dựng trường
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, quỹ đất để di dời các trường ĐH-CĐ-TCCN-TC nghề tại TP.HCM tính đến nay là hơn 1.922 ha, trong đó, hơn 762 ha đã có chủ trương bố trí và trên 1.160 ha chưa bố trí. Ông Lê Minh Hồng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) nhận định, hiện các trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở. Đơn cử, Trường ĐH Văn Hiến được UBND TP.HCM giao đất từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ sở mới phục vụ giảng dạy do chưa có được khu tái định cư. Đến nay, trường vẫn phải thuê 4 cơ sở để hoạt động. Cũng chung tình trạng đi thuê mướn toàn bộ cơ sở vật chất, TS. Lê Văn Lý (Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương) cho rằng, trong điều kiện trường chưa tự xây dựng được cơ sở đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu dạy và học thì việc đi thuê mướn vẫn là giải pháp thích hợp nhưng quan trọng là cơ sở được thuê đó phải ổn định và đảm bảo được điều kiện dạy và học. PGS.TS Ngô Hướng (Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng) nêu thực trạng: “Khi trường làm đơn xin cấp đất lại được yêu cầu ứng trước tiền để phục vụ đền bù giải tỏa. Điều này gây khó cho trường bởi trường không kiểm ra được nguồn kinh phí này trong điều kiện học phí thu vào thấp”. Theo ông Hướng, vấn đề này sẽ được giải quyết dễ dàng hơn thông qua việc Nhà nước phát hành một đợt trái phiếu chính phủ. Ông đề nghị Nhà nước có phương thức, tạo nguồn cho đền bù giải tỏa để tạo thuận lợi trong việc cấp đất cho các trường.
Liên quan đến vấn đề này, bà Tòng Thị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát) đề nghị đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đặc biệt đến việc quy hoạch và giao đất để phát triển các trường ĐH-CĐ vì theo bà đây là một trong những điều kiện đầu tiên để đảm bảo cho việc hình thành trường ĐH.
Tăng cường đầu tư mới mong cải thiện chất lượng
Đầu tư cho giáo dục ĐH tại một số trường công lập còn hạn chế, lại dàn trải, nhỏ giọt gây tốn kém, thiếu hiệu quả là nhận định của ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) sau quá trình tham gia kiểm tra các trường ĐH phía Nam. Tình trạng này phổ biến ở Trường ĐH Cần Thơ mặc dù đây là một trong những ĐH trọng điểm. Thậm chí có ý kiến cho rằng nếu cứ theo mức đầu tư thế này, đến 20 năm mới thực hiện được 1 dự án. Cũng theo ông Thi, Nhà nước dành 20% ngân sách cho giáo dục (được xem là cao) và nhân dân cũng rất chăm lo cho giáo dục nhưng do trình độ phát triển kinh tế, điều kiện sống của nhân dân còn thấp dẫn đến việc chưa đảm bảo chất lượng như mong đợi.
Theo nhận định chung, mức đầu tư bình quân cho SV/năm còn thấp. Chẳng hạn, con số này đối với SV đại trà tại ĐH Khoa học Tự nhiên khoảng 5 triệu đồng/SV/năm, trong đó, một nửa của Nhà nước, một nửa là học phí. Với mức đầu tư như vậy rất khó bàn để đảm bảo chất lượng. GS. Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa) so sánh: “Chi phí đào tạo bình quân cho SV Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước nên không thể đặt vấn đề cạnh tranh chất lượng giữa SV nước ta với các nước bạn được. Nếu giữ mức đầu tư đơn vị như hiện nay thì nền giáo dục Việt Nam khó mà đủ sức cạnh tranh được. Nhưng nếu tăng đầu tư thì lấy nguồn ở đâu khi kinh phí Nhà nước có hạn”.
Để cải thiện chất lượng giáo dục ĐH, theo ông Đào Trọng Thi rất cần sự đổi mới, nhất là ở pháp luật, chính sách của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ cũng như sự chung tay tham gia của các địa phương, cơ sở giáo dục ĐH…
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ SV/giảng viên các trường còn ở mức cao. ĐH Hùng Vương có đến 70 SV/giảng viên… Trong khi đó, trình độ của đội ngũ giảng viên hiện nay cũng đáng lo ngại, đa số “đại học dạy đại học”. Có đại biểu bày tỏ, không ai đảm bảo được một SV chỉ mới tốt nghiệp vài năm lại có thể dạy tốt được, chưa kể đến việc biên soạn giáo trình. Ở một số nước, lực lượng giảng viên đứng lớp phải đạt tiến sĩ.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)