Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đầu tư cho giáo dục chưa sòng phẳng, công bằng

Tạp Chí Giáo Dục

“Qua báo cáo của Sở GD-ĐT TP về vấn đề cấm dạy thêm học thêm (DTHT)… Tất cả mọi quyết định của chúng ta, phải hợp lòng dân và phải biết lắng nghe những ý kiến phản hồi của nhân dân! Đây là tinh thần xuyên suốt, trong lãnh đạo và chỉ đạo của TP”

Đó là khẳng định, của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp thường kỳ tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016, ngày 29-8.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng đầu tư cho GD chưa công bằng, chưa sòng phẳng

Không dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào

TS. Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, Ngành GD-ĐT TP sẽ thực hiện nghiêm, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy về việc dạy thêm- học thêm (DTHT) trong trường học trong năm học mới 2016-2017, kể cả giáo viên cũng không được dạy thêm tại nhà dưới bất kỳ hình thức nào!

TS. Sơn cho biết, qua phản ánh của PHHS có tình trạng một số em HS phải HT tại nhà thầy cô giáo, kể cả buổi tối cũng phải ở lại HT đến 9- 10 giờ đêm hoặc có một sồ ít thầy cô giáo dạy kèm, “mời gọi” HS về nhà để DT. Những PHHS này chưa an tâm về CSVC, đội ngũ GV của các Trung tâm nên mới HT tại nhà thầy cô giáo. Trên thực tế, việc phân bổ tiết dạy so với chương trình học không đáp ứng đủ thời gian để giải quyết các bài tập thực hành cho HS. Càng lên lớp cao áp lực càng nặng. Đặc biệt, sau khi HS tốt nghiệp THPT để chuẩn bị bước vào đại học thì Bộ GD-ĐT ra đề, mà cách ra đề của Bộ có sự phân hóa cao. Ví dụ như năm vừa rồi tỷ lệ phân hóa là 6/4, tức HS trung bình chỉ làm được 40% của đề thi. “Nêu ra vậy để thấy sự sốt ruột của PHHS về việc phải tăng cường các tiết học. Nếu như không tăng cường thì có sự bức xúc. Chuyện này có trong thực tế. Đó là việc HS phải HT để theo kịp chương trình”, TS. Sơn nói.

TS. Sơn khẳng định: “Sở luôn cầu thị, lắng nghe tất cả các ý kiến phản ánh của CBQL-GV và PHHS sao cho các em được thuận lợi nhất trong việc học, phụ huynh an tâm công tác… Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Sở GD-ĐT đang chỉ đạo và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, bắt đầu từ Hội nghị tổng kết của ngành đến hội nghị tổng kết của các bậc học, các phòng GD-ĐT quận- huyện về vấn đề DTHT. Với cương vị, trách nhiệm là giám đốc Sở, tôi đã chỉ đạo các trường: chấm dứt ngay, việc tổ chức các hoạt động giảng dạy, ngoài chuyện giảng dạy các tiết chính khóa trong nhà trường. Chỉ tổ chức phụ đạo cho các HS yếu và bồi dưỡng cho HSG theo kế hoạch của các trường. Về phía các ban ngành- đoàn thể khác, mà cụ thể như HĐND TP, mà Ban Văn hóa- xã hội đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại các quận- huyện trước thềm năm học mới. Ngay trong tuần này, Ban cũng có lịch làm việc trực tiếp với Sở GD-ĐT liên quan tới các vấn đề này, nhằm nắm bắt các thông tin dư luận, sau đó báo cáo với Thường trực Thành ủy. Tôi và đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cũng đã làm việc về vấn đề dạy thêm-học thêm, sau đó Ban cũng có kế hoạch để đi khảo sát các trường, quận- huyện về vấn đề này”.

TS. Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định cấm DTHT dưới mọi hình thức

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khen ngợi ngành GD-ĐT TP đã chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn, chuẩn bị chu đáo về CSVC, trang thiết bị và đội ngũ CBQL-GV cho năm học mới 2016-2017.

Chủ tịch Phong yêu cầu: “Qua báo cáo của Sở GD-ĐT TP về vấn đề cấm DTHT, Ban tuyên giáo Thành ủy đang lắng nghe các ý kiến phản hồi của CBQL-GV và nhân dân và sắp tới đích thân đồng chí Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm sẽ có cuộc gặp gỡ với các chuyên gia GD, CBQL GD… để lắng nghe những kiến nghị của thầy cô giáo liên quan tới việc này. Tất cả sẽ được tập hợp lại và UBND TP sẽ có đề xuất tới Thường trực Thành ủy”.

Chủ tịch Phong lưu ý: “Tất cả mọi quyết định của chúng ta, phải sao cho hợp lòng dân và phải biết lắng nghe những ý kiến phản hồi của nhân dân, đây là tinh thần xuyên suốt và chủ đạo của TP”.

Chủ tịch Phong đề nghị: “Riêng về đề án phát triển GD-ĐT trong thời kỳ hội nhập, qua Lễ 02-9 lãnh đạo UBND TP sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Sở GD-ĐT để lắng nghe các công tác chuẩn bị cho đề án này ra sao? UBND TP giao cho Sở GD-ĐT chuẩn bị việc này nên Sở cần chủ động mời các đơn vị tư vấn để hoàn thiện hơn- không sợ tốn kém và quá trình làm, việc gì triển khai được thì triển khai ngay. Giống như đề án công nghệ hỗ trợ, vì chúng ta đã có sự thỏa thuận với Bộ GD-ĐT. Do đó, việc XHH trong GD như thế nào? Đến giáo trình ra sao… Sở phải mời các chuyên gia, tư vấn để làm. Chứ sở không có điều kiện, thời gian, ngồi đó “viết ra”.

Chủ tịch Phong nhấn mạnh: “Đặc biệt, GD-ĐT không “được ngại” việc tốn tiến, TP.HCM hàng năm dám chi hàng nghìn tỷ đồng cho các công trình hạ tầng, nhưng chi cho công trình cho con người, mà cụ thể là GD-ĐT, chúng ta lại phải tính tới- tính lui mất rất nhiều thời gian! Trong khi phát triển con người là một yếu tố để phát triển bền vững thì chúng ta “lưỡng lự”. Rõ ràng như vậy là không sòng phẳng- không công bằng!”.

4 quận- huyện phải chịu trách nhiệm về việc tuyển trễ giáo viên

Sau buổi họp thường kỳ, 12 giờ 20 trưa 29/8, ông Võ Văn Hoan- Chánh văn phòng UBND TP tiếp tục chủ trì buổi họp báo. Tại đây nhiều vấn đề “nóng tiếp tục được đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của TP và Trung ương nêu ra như: vấn đề thuyên chuyển giáo viên có nhiều bất cập, khúc mắc trong QĐ 03/UBND ban hành ngày 04/2/2016… như kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”; hiện vẫn còn một số quận- huyện của TP chưa được lãnh đạo UBND quận- huyện này phê chuẩn kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2016…

Ông Võ Văn Hoan- Chánh văn phòng UBND TP cho rằng việc chưa tuyển được GV- trách nhiệm thuộc về lãnh đạo 4 quận, huyện nêu tên

Trả lời về những câu hỏi trên, ông Đỗ Minh Hoàng- Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho biết, việc thuyên chuyển viên chức từ đơn vị này tới đơn vị khác có hai hướng: một là luân chuyển cán bộ để nâng chất lượng nhà trườngthì làm như trước đây; trường hợp thứ hai nếu GV muốn chuyển về nơi đăng kí hộ khẩu thường trú, thì thầy cô đó phải chấm đứt hợp đồng tại nơi đang công tác. Sau đó, tiến hành thi tuyển tại đơn vị mới khi trúng tuyển, thầy cô sẽ tiếp tục công tác tại đơn vị mới và được hưởng mức lương mà thầy cô đó đang hưởng, chứ không phải trở về mức lương bậc 1 như phản ánh. Còn nếu thầy cô đó không trúng tuyển, thì coi như năm 2016 sẽ không được tính lương và sẽ phải đợi thi tuyển lại vào năm 2017. Việc này, nhằm giúp các quận- huyện tuyển được những thầy cô phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp và các tiêu chuẩn của từng quận- huyện đề ra.

Về kế hoạch tuyển dụng viên chức, Sở GD-ĐT TP đã ban hành từ đầu tháng 7, trong đó có việc phân cấp về cho các quận- huyện. Sở tuyển GV từ bậc THPT trở nên, còn các quận- huyện tuyển từ bậc MN-TH và THCS. Hiện đã có 20/24 quận- huyện đã hoàn thành công tác phỏng vấn, tuyển dụng viên chức mới, chỉ còn quận 3; 11; huyện Hóc Môn và Củ Chi chưa được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức 2016.

Ông Đỗ Minh Hoàng- Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP trả lời báo chí

Không đồng ý với việc chẩm trễ của 4 quận- huyện trên, ông Võ Văn Hoan đề nghị Sở GD-ĐT tuy đã phân cấp nhưng cũng phải nắm bắt tình trạng này, nếu có khó khăn phát sinh phải báo cáo UBND TP tháo gỡ. Còn gần 1 tuần nữa là HS bắt đầu chính thức bước vào năm học mới mà 4 quận- huyện này chưa tuyển GV là không thể chấp nhận được.

Ông Hoan đề nghị: “Văn phòng UBND TP sẽ nắm thông tin lý do vì sao mà 4 quận- huyện này lại có cách làm việc “kỳ khôi” như vậy? không có GV thì những ngôi trường mới, thầy cô giao ở đâu để dạy học sinh. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo của 4 quận- huyện này! Riêng việc thuyên chuyển GV, yêu cầu Sở GD-ĐT phải xem xét lại vì chắc chắn QĐ 03 của TP không có chuyện “vắt chanh bỏ vỏ” khi mà TP luôn khuyến khích, động viên về tinh thần lẫn vật chất, cũng như tạo mọi thuận lợi nhất cho những thầy cô giáo về công tác tại các vùng xa- vùng sâu của TP. Sau thời gian công tác, thầy cô có nhu cầu chuyển về nơi gia đình đang sinh sống thì TP và ngành GD-ĐT đều phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, chứ không “làm khó” những thầy cô giáo này”.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)