Học sinh lớp chuyên Trường THPT Gia Định học nhóm ngoài giờ học chính quy |
TP.HCM là địa phương có trường chuyên và trường có lớp chuyên nhiều nhất nước. Tuy nhiên, 20 năm qua, từ ngày trường chuyên ra đời và vài năm gần đây một số trường có lớp chuyên xuất hiện thì sự quan tâm đầu tư cho những ngôi trường này vẫn chưa tương xứng so với công sức mà thầy trò đã bỏ ra.
Tự thân vận động là chính
Năm 1989, Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM) chính thức trở thành trường chuyên. Đến 6 năm sau, trường là một trong ba trung tâm chất lượng cao của cả nước (Chu Văn An – Hà Nội và Quốc học – Huế). Thuận lợi lớn nhất của ngôi trường này là cơ ngơi khá tốt, dù đất đai của trường bị chiếm dụng khá nhiều đến thời điểm này vẫn chưa thu hồi một chút nào? Bên cạnh đó, nhà trường còn có được đội ngũ thầy cô giáo năng lực tốt, nhiệt tình và trình độ chuyên môn cao. Dẫu có những thuận lợi vừa nêu, nhưng khó khăn cũng không ít. Cụ thể, trình độ đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt giáo viên dạy chuyên thiếu trầm trọng và rất khó tìm người bổ sung vì nhà trường không được quyền tuyển đội ngũ này. Cơ sở vật chất như phòng học rất thiếu và nhiều phòng đã xuống cấp trầm trọng. Trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng và một số cục trưởng lẫn vụ trưởng của Bộ GD-ĐT, thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong nói: “Đội ngũ giáo viên dạy chuyên thiếu, học sinh và phụ huynh thiếu quyết tâm trong việc theo đuổi chương trình chuyên. Chương trình dành cho lớp chuyên vẫn còn chờ…”. Về chương trình dành cho lớp chuyên đến bây giờ chưa thấy gì? Hơn 14 năm nay, từ ngày thành lập 3 trung tâm chất lượng cao chương trình vẫn còn nằm ở khâu dự thảo. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) nhận nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho khu vực phía Nam. Vậy mà các thầy cô giáo dạy lớp chuyên của trường này và cả giáo viên dạy lớp chuyên các trường khác cũng phải tự “bơi” bằng cách mày mò kiếm tìm tư liệu liên quan đến bộ môn từ nhiều nguồn để có giáo trình đứng lớp.
Cùng quan điểm, thầy Trần Minh Triết, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu – một trường có tổ chức lớp chuyên cho biết: “Trường chọn những thầy cô có nhiều kinh nghiệm để đảm nhiệm các lớp này. Giáo trình, giáo viên tự tìm rồi tham khảo và nghiên cứu hay mượn từ những trường có tổ chức lớp chuyên lâu năm”.
Sợ học lớp chuyên
Được biết, việc tuyển sinh vào lớp 10 chuyên là do Sở GD-ĐT tổ chức. Đối tượng được tham gia là học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS loại giỏi. Hàng năm, khoảng hơn 1.000 thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 chuyên trên số lượng hơn 13.000 thí sinh đăng ký dự thi. Thực tế số học sinh trúng tuyển vào các lớp chuyên lại đăng ký học các lớp không chuyên khá lớn? Bà Nguyễn Thị Minh Tr, có con là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Con tôi khi còn học lớp 8 ở trường THCS được chọn vào “lớp chuyên”, suốt tuần cháu phải học môn chuyên trái buổi 5 hay 6 tiết. Tôi thấy cháu vất vả quá, tập trung cho môn chuyên thì các môn còn lại kết quả không cao. Tôi đã năn nỉ cô giáo cho cháu ra khỏi “lớp chuyên”. Lên lớp 10, cháu trúng tuyển vào lớp chuyên (cháu đăng ký thi chỉ để kiểm tra trình độ môn cháu yêu thích), gia đình quyết định không để cháu học lớp chuyên vì sợ tập trung cho môn chuyên nhiều thì lơ là các môn học khác. Trong khi thi tuyển đại học lại thi đến ba môn”. Đó là một nghịch lý? Thầy Võ Anh Dũng tiết lộ: “Chỉ có 60% học sinh trúng tuyển các lớp chuyên đăng ký theo học. Việc tuyển sinh vào các lớp chuyên chưa đúng đối tượng vì qua một bài thi tự luận chưa đánh giá hết năng khiếu học sinh”.
Đầu tư chưa đủ
20 năm nay từ khi tổ chức trường chuyên – lớp chuyên, Bộ GD-ĐT hay sở GD-ĐT nào đã có thống kê bao nhiêu thầy cô giáo dạy các lớp chuyên được đưa đi đào tạo nước ngoài hay được đi tham quan học tập nước ngoài? Vài năm trở về trước, thỉnh thoảng, Bộ GD-ĐT dành cho mỗi sở GD-ĐT vài suất đi nước ngoài, nhưng thực tế các tỉnh phía Nam có được mấy người may mắn được đi. Trong lần họp giao ban giám đốc sở GD-ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Kiên Giang năm 2007, ông Huỳnh Hổ, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh (nay là Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Bộ GD-ĐT) đã cầm tờ giấy thông báo của Bộ GD-ĐT và nói: “Các anh xem đây, giấy báo của bộ đề nghị sở GD-ĐT gửi danh sách hai giáo viên đi học tập nước ngoài cho bộ trước ngày… Nhưng thời điểm chúng tôi nhận giấy báo lại trễ cả tuần so với yêu cầu”?
Hai năm trở lại, quyền lợi giáo viên dạy lớp chuyên và học sinh được quan tâm qua Thông tư 28 của Bộ GD-ĐT (1 tiết dạy lớp chuyên được tính bằng 3 tiết dạy lớp thường; học sinh học lớp chuyên không đóng học phí). Đối với dạy và học lớp chuyên đòi hỏi tài liệu phải phong phú, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cũng thế. Nhưng nhìn lại, hầu hết các trường phải tận dụng những cái có được hay nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh của trường mình. Đồng thời cũng phải tìm nguồn học bổng để động viên thầy và trò. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận và khen ngợi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tại buổi làm việc chiều 12-12: “Trường tạo nguồn học bổng lên đến 500 triệu bằng cách vận động mạnh thường quân, các doanh nghiệp và cựu học sinh là rất hay”. Những trường THPT chuyên hay trường THPT có lớp chuyên khác như chuyên Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Hữu Huân, Trung Phú, Nguyễn Hữu Cầu, Củ Chi, Nguyễn Thị Minh Khai… cũng có cách tìm nguồn học bổng tương tự. Thầy Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú cho biết: “Học bổng tặng cho các em không chỉ là sự chia sẻ mà còn là nguồn động viên”. Tuy nhiên, không riêng đội ngũ thầy cô giáo dạy lớp chuyên mà hầu hết đội ngũ giáo viên đều “bận rộn” với cơm áo gạo tiền do đồng lương còn quá khiêm tốn. Thầy Võ Anh Dũng không giấu giếm: “Rất nhiều thầy cô giáo còn dành một số thời gian để làm thêm việc khác hay dạy thêm nhằm cải thiện đời sống bản thân và gia đình, nên ít nhiều hạn chế sự đầu tư cho công tác giảng dạy”. Chúng ta đòi hỏi quá nhiều ở họ nhưng chúng ta đã lo cho họ được những gì?
Trần Thanh Quang
Bình luận (0)