Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đầu tư chứng khoán: Không thể theo cảm xúc và đám đông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chỉ trong khoảng 2 năm, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục. Từ khoảng 2,3 triệu tài khoản (năm 2019) đã tăng lên 4,3 triệu tài khoản (năm 2021), số lượng tài khoản tăng thêm bằng cả 20 năm qua. Đây là thông tin được đưa ra trong tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững” diễn ra tại TP.HCM vừa qua.

Sở dĩ có sự tăng trưởng chóng mặt này, một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều người có tiền nhưng không thể kinh doanh – buôn bán, gửi ngân hàng thì lãi suất quá thấp, mua bất động sản thì không đủ tiền nên đã đầu tư chứng khoán.

GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – cho rằng, những số liệu trên phản ánh tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2 năm qua là “tăng trưởng nóng”, không bình thường. Đáng nói, trong khoảng 2 triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0), hầu hết là những nhà đầu tư cá nhân, nhiều người chưa đủ thông tin.

“Có nhà đầu tư chỉ tham gia với “3 chữ cái (mã chứng khoán)” mà không rành doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực gì, ra sao…? Họ đầu tư theo cảm xúc và theo đám đông, không dựa trên cơ sở có phân tích, có đánh giá. Khi thị trường “nóng” thì họ đổ xô vào mua, đến lúc thị trường “rung lắc” lại bán mạnh, tạo sự chao đảo, thể hiện tính chất không chuyên nghiệp. Hệ thống thể chế, khung khổ pháp luật cũng bộc lộ những điểm yếu, lỗ hổng dẫn tới việc lũng đoạn thị trường của một số nhà đầu tư lớn…”, ông Cường nêu thực tế.

Muốn tham gia thị trường chứng khoán mà không nuốt phải trái đắng thì nhà đầu tư cần hội đủ những điều kiện gì?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Lê Quang Minh – Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset –  nêu quan điểm: “Để tham gia thị trường, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn. Tại Việt Nam, chứng khoán giảm sốc một phần do các chính sách lành mạnh hóa thị trường. Cách đây 2 năm, tôi đã dự báo chứng khoán nhờ dịch Covid-19 đi lên thế nào thì sau dịch sẽ đi xuống như thế đó. Nhà đầu tư cần có tầm nhìn 12 tháng để tham gia, còn ngắn quá khi thị trường sập sẽ hoảng loạn…”.

Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank – cho rằng, với dòng tiền yếu như hiện nay, việc đầu tư không dễ dàng như năm ngoái. Nhà đầu tư nên có tỷ trọng tiền mặt cao và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong bối cảnh này, quản trị rủi ro là yếu tố rất quan trọng nên nhà đầu tư cần trau dồi kiến thức quản trị rủi ro và danh mục đầu tư. Khi đó, bất kể thị trường xấu hay tốt, nhà đầu tư vẫn có thể tồn tại và “sống” được với kênh đầu tư chứng khoán.

TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế – phân tích, không chỉ nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức mới bị thua lỗ mà tới 80% nhà đầu tư có chuyên môn hay quỹ đầu tư với đội ngũ chuyên gia phân tích bài bản vẫn bị thua trong giai đoạn này. Để thị trường phát triển ổn định, không chỉ chờ các giải pháp mới mà cần thực thi và giữ vững các luật lệ, quy định của thị trường. Tổ chức, cá nhân nào lợi dụng phải bị xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Thị trường sẽ phục hồi như nó cần phải có tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt.

Hòa Triu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)