Mặc dù TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực, sự nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi số (CĐS), tuy nhiên trên thực tế cũng còn những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Theo đó đòi hỏi TP cần có những giải pháp khắc phục để việc triển khai công tác này trong quản lý Nhà nước tốt hơn nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số trong ngành y tế giúp công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn
Còn nhiều hạn chế
HĐND TP.HCM vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP, Đài Truyền hình TP thực hiện Chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời với chủ đề “Đầu tư CĐS trong quản lý Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Tại chương trình, ông Lâm Dụ Cường – nhân viên Công ty CP hàng không Vietjet – cho rằng, cần có đánh giá về những thuận lợi, khó khăn từ khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc giải quyết thủ tục hồ sơ. Hiện nay đường truyền mạng, đường truyền dữ liệu thỉnh thoảng không truy cập được và xảy ra lỗi trong quá trình thao tác buộc phải thao tác lại từ đầu.
Chỉ ra một số bất cập trong đăng ký khai sinh, ông Bùi Hữu Huy Hoàng – Chủ tịch UBND phường 13, quận 3 – cho biết, bước 1 người dân đã khai tất cả các thông tin cơ bản. Nhưng đến bước 2 người dân lại phải tải mẫu về và khai theo mẫu đính kèm. Biểu mẫu đều có các thông tin giống bước 1.
“Tôi đề nghị không nên vừa sử dụng trực tuyến vừa thực hiện thủ công trong đăng ký thủ tục hành chính. Như vậy sẽ gây khó khăn và mất thời gian hơn so với nộp hồ sơ trực tiếp”, ông Hoàng nói.
Chia sẻ khó khăn trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị, bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Chủ tịch UBND phường 13 quận Gò Vấp – cho hay, UBND phường, xã muốn đầu tư về CNTT, các giải pháp ứng dụng về công nghệ, CĐS nhưng lại không có căn cứ để lập dự toán vì Điều 3 Thông tư 26/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính không quy định nội dung chi cho công tác CĐS.
Không chỉ phản ánh, chia sẻ những tồn đọng trong công tác CĐS hiện nay, nhiều cử tri còn đặt vấn đề TP có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn như thế nào để đáp ứng nhu cầu CĐS. TP có biện pháp gì trong quá trình chỉ đạo để mang tính thống nhất đối với các cơ quan trong việc ứng dụng CĐS. Đặc biệt, tình trạng số điện thoại, tên, địa chỉ, CCCD của người dân bị các đối tượng sử dụng thông tin để làm phiền và lừa gạt chiếm đoạt tài sản thì TP đề ra biện pháp gì để đảm bảo an toàn thông tin của người dân.
Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung
Từ năm 2017, UBND TP đã triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025. Với quyết tâm cao, với nhiều kế hoạch, chương trình được ban hành, đến nay CĐS tại TP.HCM đã đạt được những kết quả bước đầu về phát triển hạ tầng số; triển khai kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; hợp tác với Ngân hàng Thế giới xây dựng chiến lược quản trị dữ liệu; triển khai bộ tiêu chí đánh giá CĐS của TP; phát triển ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch, gồm đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ con với khoảng 12 triệu hồ sơ và tất cả đã đồng bộ với cơ sở hộ tịch của Bộ Tư pháp.
TP cũng đã tổ chức triển khai tập trung các ứng dụng của sở ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức trên 1.034 máy chủ tại Trung tâm dữ liệu TP; 1.542 dịch vụ công trực tuyến đã triển khai trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP; 391 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2020, TP ra mắt Trung tâm an toàn thông tin. Trong đó Sở Thông tin và Truyền thông đóng vai trò cung cấp hạ tầng CNTT đảm bảo an toàn thông tin của các hệ thống tại Trung tâm dữ liệu TP.
Chia sẻ khó khăn trong thực hiện CĐS, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – cho biết, đây là hệ thống có quy mô lớn, phức tạp và phải xây dựng trong thời gian rất ngắn để đáp ứng yêu cầu chung. Để chuyển mọi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số phải có đội ngũ cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật, kể cả công dân số. Như vậy toàn bộ quá trình này cần có thời gian tương đối để vừa chuyển đổi, vừa huấn luyện đội ngũ thích ứng với quy trình.
Đối với vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, ông Thắng cho biết, Nhà nước đã triển khai 2 nhóm giải pháp lớn, đó là chính sách quản lý và giải pháp kỹ thuật. Nhà nước đã ban hành Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sắp tới sẽ có thêm một số quy định khác. Riêng TP.HCM đã có một trung tâm dữ liệu tập trung và có một đội giám sát an toàn thông tin 24/7 đủ khả năng ứng phó các sự cố tấn công mạng xảy ra. TP đã nghiên cứu ứng dụng những công nghệ tiên tiến như Blockchain, AI… trong quá trình quản lý khai thác dữ liệu.
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP – cho biết, CĐS là một trong những công tác trọng tâm quan trọng nhất vì từ lâu TP đặt mục tiêu phát triển trên nền tảng công nghệ. TP cũng là địa phương đầu tiên ban hành chương trình CĐS quốc gia sau khi Nhà nước ban hành chính sách này. Năm 2021, chi cho CĐS chiếm 0,78% tổng chi ngân sách; 2022 là 0,97%, dự kiến năm nay hơn 1%. Đây là nỗ lực rất lớn của TP. Trong kế hoạch hướng đến năm 2025, tỷ lệ chi cho CĐS còn tăng hơn nữa…
Trao đổi thêm một số nội dung, trong đó có việc đầu tư đồng bộ trong CĐS, ông Đức cho biết, TP đang tập trung chỉ đạo có những bước đầu tư đồng bộ, trong đó giao Sở Thông tin – Truyền thông tham mưu triển khai các dịch vụ, ứng dụng cốt lõi và triển khai đồng bộ trên toàn TP. Để làm được điều này, việc xây dựng khai thác hệ thống nền tảng dữ liệu là quan trọng, do đó cơ sở dữ liệu dùng chung của TP là một trong những trọng tâm mà TP phải tập trung xây dựng và phát triển.
Để tiếp tục thực hiện các nội dung theo chương trình CĐS TP đã đặt ra, ông Lê Trương Hải Hiếu – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND – nhấn mạnh, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP sớm hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu TP, liên thông dữ liệu TP giữa các ngành và dữ liệu dân cư dưới dạng trục dữ liệu; đảm bảo an toàn dữ liệu của nhân dân TP. Đề nghị UBND TP đầu tư các giải pháp phần mềm ứng dụng tiện ích thiết bị đồng bộ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Các chi phí phát sinh khi sử dụng dịch vụ CĐS cần tính toán sao cho người dân được sử dụng dịch vụ tiện ích, giảm thời gian đi lại với chi phí phù hợp…
Minh Phương
Bình luận (0)