Báo cáo rà soát đầu tư 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay tổng số vốn đầu tư cắt giảm trong năm 2011 dự kiến bằng khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011…
…và “phần lớn dự án đình hoãn là đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm trang thiết bị đắt tiền, không trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, khởi công trong năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư…”.
Những con số gây nghi hoặc
Nếu quả đúng như báo cáo trên thì việc rà soát đầu tư không nên chỉ là biện pháp đối phó với lạm phát mà nên là một công việc thường xuyên. Bởi, việc loại bỏ những khoản đầu tư theo như công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực chất là một hình thức phân bổ lại nguồn lực đầu tư một cách hợp lý hơn, qua đó giúp cải thiện nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn về quá khứ, công việc này có vẻ như vẫn mang nặng tính phong trào.
Thử lấy ví dụ qua vài con số sau đây của Tổng cục Thống kê. Năm 2008, có lẽ nhờ cắt giảm nên vốn đầu tư của khu vực nhà nước chỉ đạt 184.400 tỉ đồng (giảm 11,4% so với 2007). Thế nhưng, sang các năm tiếp theo thì con số này lại tăng cao trở lại. Năm 2009: 245.000 tỉ đồng (tăng 40,5% so với năm 2008 và là mức tăng cao nhất trong các khu vực kinh tế); năm 2010: 316.300 tỉ đồng (tăng 10% so với năm 2009). Hoặc ngay như bốn tháng đầu năm 2011, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đặc biệt, một số địa phương như Khánh Hòa tăng tới 69%, Ninh Thuận: 64%, Đà Nẵng, Thanh Hóa 61%…
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, lo ngại nếu vẫn tiếp tục cách làm hình thức, phong trào như vừa qua thì việc rà soát cũng sẽ rất khó mang lại kết quả mong muốn.
Các con số được đưa ra trong bản báo cáo rà soát 2011 là lý do khiến ông Du băn khoăn: “Tôi không hiểu vì sao mới một tháng trước kế hoạch cắt giảm được đưa ra là 1%, nay bỗng chốc tăng vọt lên 10%? Những con số này có thực chất không và làm sao có thể được thay đổi nhanh như vậy?”.
Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tỏ vẻ băn khoăn về con số trên 39.000 tỉ đồng vốn đầu tư của các dự án dự kiến đình hoãn, giãn tiến độ, bằng 11% trong 350.000 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2011, của 22 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Năm 2010, như đã nêu, là năm khu vực nhà nước đạt vốn đầu tư cao nhất cũng chỉ có 316.300 tỉ đồng. Trong số đó không chỉ có vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước mà còn bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương (c hiếm 44,5%). Như vậy, con số 350.000 tỉ đồng do 22 tập đoàn, tổng công ty báo cáo có chính xác hay được khai vống lên?
Lợi ích cục bộ
Theo một số chuyên gia, kế hoạch cắt giảm đầu tư công thành công hay thất bại liên quan đến một vấn đề sâu xa hơn nhiều, đó là chuyện lợi ích cục bộ.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã ví nền kinh tế Việt Nam giống như một cái bàn cờ bị chia cắt bởi nhiều mảnh nhỏ. Chia theo cột dọc là 22 bộ và cơ quan ngang bộ; chia theo hàng ngang là 63 tỉnh thành; chia theo đường chéo là 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (vì các tập đoàn hoạt động đa ngành ở các địa phương).
Mỗi mảnh nhỏ này là một “nền kinh tế” bị chi phối bởi các nhóm độc quyền, đặc lợi và những người có quyền lợi sẽ cố hết sức bảo vệ nó như bảo vệ thành trì của mình.
Điều này giải thích vì sao trong những năm qua dù đã có nhiều kiến nghị về thắt chặt chi tiêu, đầu tư công nhưng kết quả thực hiện chẳng được bao nhiêu.
Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là một số doanh nghiệp lớn vẫn ồ ạt đầu tư mà không cần chú ý đến hiệu quả vì họ biết rằng nếu có thua lỗ thì sẽ được Nhà nước cứu. Các địa phương cũng thi nhau đầu tư, mở sân bay, cảng biển, sân golf, khu công nghiệp…
Tình trạng trên, theo báo cáo của Trung tâm Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng tương tự đối với các bộ ngành.
Ví dụ, chỉ riêng ngành công nghiệp đã có tới 13 bộ quản lý. Bộ ngành nào cũng muốn có quyền mình trong đó, đến nỗi viện trưởng một viện nghiên cứu chính sách công nghiệp phải kêu lên: “Cả ngành công nghiệp bị xé nát!”.
Theo ông Huỳnh Thế Du, chuyện cắt giảm nói dễ nhưng làm thật không đơn giản vì động chạm đến lợi ích của rất nhiều đối tượng. “Cắt đi thì bao nhiêu người mất miếng ăn”. Tuy nhiên, nếu “lãnh đạo ở trên” có quyết tâm thật cao thì vẫn có thể thực hiện được.
Ông Du đề nghị một cách làm khác. Tức là thay vì xem xét dựa trên một số tiêu chí thì nên mạnh dạn cắt giảm đồng đều theo một tỷ lệ, chẳng hạn 10% cho tất cả các đối tượng. “Trước mắt cứ cắt giảm đã, sau này nếu có ai kêu thì xem xét ở đợt cắt giảm tiếp theo. Còn nếu dựa vào tiêu chí để cắt giảm dẫn đến nơi xin cắt ít, cắt nhiều tôi e là sẽ khó”.
Nguyễn Tấn (theo TBKTSG)
Bình luận (0)