Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đầu tư điện mặt trời mái nhà: Tiết kiệm cho mình và xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, việc tận dụng năng lượng mặt trời dồi dào ở các tỉnh phía Nam bằng những dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được quan tâm nhiều hơn. Theo các chuyên gia, đầu tư ĐMTMN vừa lợi mình, lợi chung cho cả xã hội nên cần được khuyến khích đầu tư.
Giảm chi phí tiền điện
Điện mặt trời (ĐMT) hiện đã chiếm đến hơn 20% tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước. Do lo ngại quá tải đường dây, từ nay đến năm 2030, ngành điện chưa có thêm các nguồn ĐMT tập trung được đưa vào vận hành thương mại. Nhưng loại hình ĐMTMN tự sản, tự tiêu được khuyến khích phát triển.
Ông Nguyễn Quốc Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Vận hành Nhà máy điện thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2, trụ sở tại TPHCM) chia sẻ, xuất phát từ yêu cầu tiết giảm chi phí của đơn vị, vào năm 2021, PECC2 đã đầu tư hệ thống pin mặt trời tại trụ sở làm việc của công ty, với công suất 420kWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 750kWp. Nguyên lý hoạt động của hệ thống là bám lưới điện quốc gia nhưng hệ thống tự động sẽ ưu tiên sử dụng ĐMT vào giờ cao điểm. Từ đó đến nay, mặc dù hệ thống ĐMT tự sản xuất chưa đủ đáp ứng nhu cầu của toàn tòa nhà, song ĐMT đã giúp đơn vị tiết kiệm được 50% chi phí tiền điện hàng tháng.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 tại TPHCM
Tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), để tiết kiệm chi phí điện và góp phần bảo vệ môi trường, Công ty CP Tập đoàn Kim Đức (chuyên sản xuất bao bì) đã quyết định lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà xưởng của mình. Hệ thống ĐMTMN này đi vào vận hành từ năm 2021, có tổng công suất 2,22MWp, sử dụng 4.937 tấm pin năng lượng mặt trời, 8 bộ inverter 110kW và 13 bộ inverter 75kW. Với công suất 2,22MWp, chỉ tính riêng năm 2022, hệ thống đã tạo ra sản lượng khoảng 2.600MWh điện, giúp giảm phát thải khoảng 1.900 tấn CO2, tương đương 31.000 cây xanh được trồng trong 10 năm. ĐMT tạo ra từ hệ thống nói trên cũng đóng góp khoảng 13% lượng điện tiêu thụ của nhà máy.
Ở khu vực Đông Nam bộ, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chọn tỉnh Bình Dương làm địa điểm thực hiện dự án nhà máy sản xuất đồ chơi, có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Điều đặc biệt, đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới của Lego dùng 100% năng lượng tái tạo vào vận hành. Cụ thể, doanh nghiệp xây dựng trên khuôn viên dự án một trang trại ĐMT công suất 50MW, cung cấp cho nhà máy. Dự án đang được xây dựng với tốc độ rất nhanh và dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024.
Cần có chính sách hỗ trợ ĐMT
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, cơ cấu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tăng rất mạnh, hiện đã đạt 29% trong tổng cung ứng điện năm 2022, dự kiến sẽ đạt 35% vào năm 2025. Thời gian qua, do các dự án ĐMT phát triển quá nóng để kịp hưởng cơ chế FIT (là cụm từ viết tắt của Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ; đây là một chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo), đã gây nghẽn mạch nhiều đường dây truyền tải, phải cắt giảm năng lượng. Nhiều dự án ĐMT đã được bổ sung trong Điều chỉnh quy hoạch và chưa triển khai xây dựng, Chính phủ đã dừng lại để rà soát. Do đó, từ nay đến năm 2030 chưa có thêm các nguồn ĐMT tập trung được đưa vào khai thác.
TS Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) nhận định rằng, ĐMT có giá rẻ nhất trong các loại nguồn phát điện nên cần được ưu tiên phát triển. Thời gian qua, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện này (cụ thể là Quyết định số 11/2017/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam), ĐMT đã có bước phát triển vượt bậc, các dự án ĐMT quy mô lớn được đưa vào vận hành từ cuối năm 2018 với công suất 84MW. Đến cuối năm 2021, tổng công suất nguồn ĐMT của Việt Nam là 16.500MW, trong đó có hơn 9.000MW ĐMTMN. Theo đánh giá trong Quy hoạch Điện VIII, nếu có chính sách khuyến khích tốt, ĐMTMN có khả năng tự cung, tự cấp, đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng điện cho các hộ gia đình, các tòa nhà công sở.
TS Nguyễn Anh Tuấn nói thêm, ĐMTMN tự sản, tự tiêu không liên kết với lưới điện quốc gia, được phát triển không giới hạn công suất, cho phép được bán điện cho tổ chức, cá nhân không thuộc EVN. Song, đầu tư ĐMTMN cũng đang gặp một số khó khăn: chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp như truyền tải, lưu trữ nguồn điện; sự không ổn định và phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, gây ra chi phí vận hành hệ thống cao… Vì vậy, để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng ĐMT thì cần có chính sách hỗ trợ ban đầu, bao gồm hỗ trợ giá, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận tín dụng lãi suất thấp và các cơ chế ưu đãi khác.
TPHCM tiên phong lắp đặt
“Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho hay, tiềm năng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại TPHCM ước tính khoảng 6.300MW. Theo lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, việc thành phố triển khai lắp đặt ĐMTMN tại các công sở còn có ý nghĩa tiên phong, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp cùng tham gia lắp đặt ĐMTMN.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) chia sẻ, từ cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, EVNHCMC sẽ phối hợp Sở Công thương và các sở ngành liên quan trong công tác xây dựng Đề án triển khai chương trình của thành phố. Trước mắt, EVNHCMC sẽ hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN theo các quy định hiện hành, đồng thời quản lý, giám sát tình hình phát triển ĐMTMN đảm bảo hệ thống điện thành phố được vận hành an toàn và ổn định.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, hiện TPHCM không có nguồn phát điện tại chỗ nên việc triển khai lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung nguồn điện tại chỗ, góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện và giảm nhu cầu truyền tải điện từ bên ngoài cấp điện vào cho TPHCM. Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại trụ sở của các cơ quan, đơn vị là cần thiết và phù hợp với chủ trương tiết kiệm điện và cam kết của Chính phủ về mục tiêu Net-Zero, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tính đến hết năm 2022, toàn TPHCM có 14.142 hệ thống ĐMT với tổng công suất lắp đặt là 355MWp, chỉ chiếm tỷ lệ 3,7% so với tổng công suất lắp đặt ĐMTMN của cả nước. Trong khi đó, tiềm năng của thành phố để khai thác nguồn ĐMTMN là rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng ĐMTMN tại các công sở trên địa bàn TPHCM có tổng công suất khoảng 166MWp. Nếu lắp đặt hoàn tất, phần công suất này góp phần bổ sung một phần vào nguồn điện tại chỗ cho thành phố.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, cho biết, hệ thống lưới điện của TPHCM có thể giải tỏa hết công suất ĐMTMN, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải. Thành phố đã đề xuất Trung ương sớm hướng dẫn quy trình thực hiện, cơ chế hỗ trợ vốn phát triển ĐMTMN và cơ chế thu mua lượng điện thừa, để các nhà đầu tư sẵn sàng xây dựng dự án.
 
ĐỨC TRUNG (theo SGGP)

Bình luận (0)