Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đầu tư giáo dục “Bất Vụ Lợi” hình thức đầu tư mang đậm tính nhân văn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khoảng một tháng công bố rộng rãi về việc mời gọi các nhà đầu tư hợp tác xây dựng và phát triển Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM theo phương châm “bất vụ lợi” khi Trường chuyển sang mô hình trường đại học tư thục, một số nhà đầu tư là các doanh nghiệp đã nhiệt tình hưởng ứng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng một đội ngũ lao động có tri thức, được đào tạo bài bản và khoa học đủ để tiếp thu nhanh sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng đất nước. Nhận thức được điều đó, ngay từ buổi đầu thành lập, Nhà trường đã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo…, nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra cũng như góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa giáo dục, làm khởi sắc hơn nữa nền giáo dục nước nhà.

Tiếp nối những thành quả đạt được, vào lúc 14h30 ngày 12/6/2009, tại 342bis Nguyễn Trọng Tuyển, P.2, Q.Tân Bình sẽ diễn ra buổi Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các nhà đầu tư chiến lược và Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM theo phương châm “bất vụ lợi”. Tham gia buổi lễ có đại diện các nhà đầu tư chiến lược như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn (SGI), Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTEL), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Trường ĐH Hùng Vương, Ngân hàng TMCP Miền Tây (Westernbank); đại diện Nhà trường và đông đảo các đơn vị báo đài.

Theo đó, trong giai đoạn 1, các nhà đầu tư cam kết góp 50 tỉ đồng, trong đó 20 tỉ đồng dùng để xây dựng tòa nhà văn phòng trường tại Q.5, TP.HCM và 30 tỉ để đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng hơn 26 ha tại Bình Chánh để xây dựng trường. Ý tưởng góp vốn xây dựng trường theo phương châm “bất vụ lợi” ra đời ngay từ khi thành lập trường. Nguồn vốn đầu tư và tài trợ cho trường cả trước đây và hiện nay khi phát sinh lợi nhuận sẽ tái đầu tư trở lại trường. Nhà trường sẽ ghi nhận công lao đóng góp xây dựng trường trên bảng vàng danh dự và các hình thức vinh danh xứng đáng khác.

Sau gần 15 năm hình thành và phát triển, đến nay Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã đào tạo hơn 13.000 sinh viên đại học, cao đẳng chính quy. Hiện Nhà trường đang tiến hành đào tạo nhiều ngành học sát với nhu cầu thị trường lao động như: ngành Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Công nghệ Thông tin, Du lịch, Kế toán, Quản trị Bệnh viện, Công nghệ Sau thu hoạch, Ngoại ngữ… Với phương châm “lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng” nên đa số sinh viên tốt nghiệp tại trường đều được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Theo tỷ lệ thống kê của bộ phận tư vấn việc làm của trường thì có đến 80-100% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Một bộ phận sinh viên năm thứ tư đã ký được hợp đồng ngay trong thời gian thực tập. Một số sinh viên khác được các công ty, xí nghiệp lựa chọn cấp học bổng và đảm bảo việc làm…

Ngoài chương trình đào tạo chính của trường, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM còn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác đối ngoại. Đặc biệt, Trường đã hợp tác với các đơn vị trong nước, các trường đại học ở nước ngoài để cử giảng viên đi học tập, nâng cao nghiệp vụ và mời giảng viên nước ngoài về giảng dạy. Nhờ vậy phát huy được tính linh động và sát thực tế của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Trường cũng thường xuyên đổi mới giáo trình đào tạo, chú trọng đến tính thực tiễn của các môn học để mỗi sinh viên tốt nghiệp đều có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường lao động hiện đại.

Được biết, năm 2009 Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM tiếp tục tuyển sinh 2.100 sinh viên trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy dựa trên kết quả thi đại học năm 2009 của những thí sinh dự thi các khối A, B, C, D1, D2, D3, D4, D5, D6 theo đề thi chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo vào các trường đại học trong cả nước để xét tuyển. Hiện nay, ngoài đào tạo các bậc đại học, cao đẳng hệ chính quy, Trường còn đào tạo đại học vừa học vừa làm, đại học văn bằng 2, đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động nghề có trình độ đang gia tăng.

Ngọc An

Bình luận (0)