Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Đầu tư nước ngoài chuộng mô hình liên kết đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

 Hiện tại, có một số trường quốc tế với 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động khá thành công tại Việt Nam. Có thể kể ra một số trường tiêu biểu, như Trường quốc tế Anh Quốc với tổng vốn đầu tư 15,481 triệu USD, Trường đại học RMIT (Australia) với vốn đầu tư 44,1 triệu USD..

Nhận định về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó tổng giám đốc Trường tư thục quốc tế Kinderworld Việt Nam cho rằng: “Nhu cầu giáo dục tại Việt Nam rất lớn, chính sách khuyến khích đầu tư về giáo dục của Việt Nam cũng cởi mở. Vì thế, gần đây, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Một trong những mô hình được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia khá mạnh hiện nay là liên kết đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến hết tháng 5/2011, có  142 chương trình liên kết đào tạo (không tính các chương trình liên kết đào tạo do Đại học Quốc gia và các đại học vùng cấp phép cho các trường thành viên) của 52 cơ sở đào tạo được phê duyệt, tăng thêm 15 chương trình so với lần công bố trước.

ThS. Nguyễn Song Bình (Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét: “Một xu thế đang gia tăng hiện nay là nhu cầu đăng ký ngày càng đông của sinh viên trong nước vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài”.

Ông Nguyễn Nam Sơn, chuyên gia tư vấn đầu tư, đồng sáng lập và điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners cho rằng: “Các trường liên kết quốc tế và trường đào tạo kỹ năng là mô hình tốt với thị trường lớn, chi phí vốn tương đối thấp, cạnh tranh không nhiều và giá học phí phù hợp”.

Ngoài mô hình liên kết truyền thống như sinh viên học một thời gian tại Việt Nam và một thời gian tại nước ngoài như một số trường đại học đang áp dụng, mới đây, Học viện Công nghệ thông tin Bách khoa (BKACAD) đã  đào tạo hệ cao đẳng nghề quốc tế theo hình thức liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài với 100% thời gian học trong nước. “Những sinh viên công nghệ thông tin được đào tạo ngay tại Học viện, muốn tốt nghiệp phải vượt qua cuộc thi sát hạch của Trung tâm khảo thí quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên  có thể đầu quân vào thị trường nguồn nhân lực quốc tế”, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BKACAD nói.

FPT cũng là một trong những trường đại học khá thành công trong việc đào tạo  sinh viên công nghệ thông tin khi liên kết với Trường đại học Greenwich (Anh). Hàng năm, có khoảng từ 650 đến 1.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp Trường FPT. Kết quả gần như 100% sinh viên ra trường có việc làm đang là minh chứng cho thấy, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành công nếu họ mang đến cho Việt Nam những dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

Theo Hải Hà
(baodautu.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)