Thí sinh thi tại Hội đồng Trường ĐH Sài Gòn đầu tư trang phục đẹp, phù hợp để tăng ấn tượng ở phần thi năng khiếu |
Xúng xính trong trang phục dân tộc các vùng miền, áo dài hay áo lính, thí sinh đã để lại ấn tượng đẹp khi thể hiện khả năng múa, hát, kể chuyện ở phần thi năng khiếu vào ngành giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, thí sinh còn thi vẽ vào những ngành kiến trúc, đồ họa, thiết kế nội thất…
Tại TP.HCM, các trường ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn, ĐH Kiến trúc, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa tổ chức thi năng khiếu vào ngày 10-7. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH dân lập Văn Lang thi ngày 12-7…
Thí sinh thành “Thanh niên xung phong, cô gái Mèo”…
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thí sinh Kiều Thị Huyền (học sinh Trường THPT Phù Cừ, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) gây chú ý với bộ trang phục của dân tộc Mèo và chiếc dù xoay tròn che nắng. Huyền cho biết, nếu trang phục em lựa chọn được Ban giám khảo đánh giá cao, phù hợp với các phần thi, có thể được khuyến khích cộng điểm. Do vậy, trước buổi thi, em đã tìm thuê bộ trang phục này với giá 160 ngàn đồng để thể hiện phần thi hát với bài Đi học. Lý do Huyền chọn bài hát này vì giai điệu gần gũi, quen thuộc suốt quãng thời gian đi học, đồng thời cũng là khoảnh khắc đáng nhớ đã trải qua. Phần hát múa, kể chuyện được em hoàn thành khá tốt, tự tin nhờ đã được chuẩn bị, tập luyện trước. Riêng phần đọc diễn cảm có đoạn chưa thật trôi chảy.
Thí sinh Phạm Thị Ngọc Bích (học sinh Trường THPT Bảo Lâm, Lâm Đồng) cũng thu hút được nhiều ánh nhìn khi vào vai nữ thanh niên xung phong thực hiện phần thi hát ca khúc Em đi qua cầu cây. Do dáng người nhỏ nhắn trong khi trang phục thuê cỡ dài nên thí sinh này phải… xắn cao ống quần cho vừa vặn. Tuy nhiên, Bích chia sẻ, hát khi mặc trang phục này em cảm thấy thêm xúc động và tự hào. Trước đó, em có xem qua ca khúc này trên mạng và tập hát theo.
Cả hai thí sinh trên đều cho biết, chọn ngành giáo dục mầm non vì yêu thích trẻ em, đồng thời kỳ vọng sẽ dễ kiếm việc trong tương lai. Cùng lý do này, nhiều thí sinh khác tại Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn cũng chọn thi vào ngành giáo dục mầm non. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Mai (Long An) bày tỏ tiếc nuối vì chưa thi tốt phần nhái âm. Phần này chiếm 4 điểm nên em khá lo lắng. Theo Ngọc Mai, do dồn nhiều thời gian ôn các môn thi THPT quốc gia khác nên môn năng khiếu em không có thời gian đầu tư nhiều, chủ yếu chỉ tập theo một số clip hướng dẫn trên mạng.
Theo ghi nhận, nhiều thí sinh khác cũng thiếu tự tin ở phần thi nhái âm do chưa có sự chuẩn bị kỹ. Đa số các em cũng hoàn thành tự tin phần kể chuyện, hát vì phần này được chủ động chuẩn bị trước tác phẩm.
Chạy xe từ Đắk Nông vào TP.HCM thi
Cách thức tổ chức cụm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay hạn chế việc thí sinh các tỉnh di chuyển quá xa. Riêng môn thi năng khiếu, nhiều thí sinh phía Bắc, Tây Nguyên… vẫn phải đến các trường ĐH tổ chức thi tại TP.HCM để ứng thí. Có mặt tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với chiếc xe máy phủ đầy đất đỏ, thí sinh Phan Thị Thúy (học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Đắk Nông) bẽn lẽn giải thích, em và mẹ đã trải qua một hành trình dài. Vì mẹ bị say xe nên hai mẹ con tự chở nhau bằng xe máy, vượt đoạn đường dài hàng trăm cây số để đến Sài Gòn. Đoạn nào em cảm thấy mệt, hai mẹ con dừng lại quán nước, nghỉ ngơi lấy lại tinh thần. Chưa quen cảnh đông đúc xe cộ ở Sài Gòn, hai mẹ con dùng bản đồ tìm đường, cũng trải qua vài lần đi lạc, run tay lái, dù vậy, hành trình đến trường thi đã trở nên suôn sẻ. “Em mong muốn trở thành giáo viên mầm non vì yêu thích công việc chăm sóc trẻ. Vào đây em thấy vui vì được gặp rất nhiều bạn có cùng sở thích giống mình. Tuy nhiên, có nhiều bạn đầu tư kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo cho phần thi từ trang phục đến kiến thức khiến em cũng thấy hơi lo lắng”, Thúy tâm sự.
Thí sinh cầm ghế ra về sau buổi thi. Ảnh: N.h |
Tại hai trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn, lượng thí sinh dự thi vào ngành giáo dục mầm non những năm gần đây đông áp đảo. Riêng năm nay, có khoảng 1.800 thí sinh dự thi năng khiếu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trong đó, 1.500 em thi vào hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục đặc biệt. 300 thí sinh còn lại thi ngành giáo dục thể chất. Còn ở Trường ĐH Sài Gòn, trên 1.000 thí sinh cũng dự thi năng khiếu vào 3 ngành giáo dục mầm non, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có khoảng 2.800 thí sinh dự thi môn vẽ mỹ thuật vào 7 ngành: Kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch vùng và đô thị, thiết kế nội thất, thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang… Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng tổ chức thi môn vẽ trang trí màu nước cho khoảng 100 thí sinh xét tuyển vào ngành thiết kế thời trang. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có 230 thí sinh dự thi vẽ.
ThS. Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết 150 thí sinh đã thi môn vẽ tĩnh vật vào các ngành kiến trúc, đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất. Trường có chuẩn bị sẵn ghế, bảng vẽ, giấy… phục vụ cho các em.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Mang ghế nhựa đi thi năng khiếu Bà Ngô Thị Kim Dung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết năm nay trường có 1.192 thí sinh dự thi môn năng khiếu trong tổng số 1.275 hồ sơ đăng ký (93,5%). Tỷ lệ này cao hơn năm 2014 rất nhiều. Thí sinh thi môn năng khiếu trải qua 2 bài thi: Mỹ thuật 1 và mỹ thuật 2. Trong đó, mỹ thuật 1 vẽ đầu tượng thạch cao và mỹ thuật 2 là sáng tác theo chủ đề. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ở buổi thi năng khiếu, mỗi thí sinh phải mang theo một cái ghế cùng với “đồ nghề” của mình. Thí sinh Nguyễn Quế Ngân (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết ghế nhựa dùng để ngồi vẽ. Nhiều thí sinh từ tỉnh đến Hà Nội dự thi năng khiếu phải thuê ghế nhựa ở một cửa hàng gần trường với giá 10 ngàn đồng/ghế/ngày. Thí sinh phải đặt cọc 70 ngàn đồng đề phòng trong trường hợp làm mất ghế. Thi xong, mang ghế trả lại cho cửa hàng mới được lấy lại tiền cọc. Tuy giá thuê một cái ghế nhựa không đáng là bao nhưng nó mang đến một hình ảnh không đẹp khi thí sinh xếp hàng “vác ghế” vào phòng thi hoặc lễ mễ cầm ghế khi ra về. Về vấn đề này, bà Ngô Thị Kim Dung giải thích: Trước khi thí sinh dự thi, trong thông báo tuyển sinh trường đã ghi rõ những vật dụng được mang vào như bút, thước, tẩy, compa, kẹp, ghim, màu… Riêng giấy và giá vẽ thí sinh được trường cung cấp. Về việc trang bị ghế cho thí sinh, theo bà Dung, trong môn thi vẽ tượng thường thí sinh sẽ chọn cách đứng vẽ, ngồi bệt, ngồi trên ghế để có góc nhìn khác nhau, phù hợp nhất khi thể hiện tác phẩm. Trường có trang bị ghế băng dài để thí sinh ngồi và đảm bảo đủ chỗ cho các em. Mấy năm trước thí sinh không mang ghế đến phòng thi mà có thể lựa chọn ngồi lên bàn, đứng hay ngồi dưới đất để thể hiện tác phẩm. Những năm gần đây mới có việc thí sinh chủ động mang ghế ngồi vào phòng thi. Nghiêm Huê |
Bình luận (0)