Pháp là một trong những cường quốc kinh tế đứng đầu của EU và được xem là “cửa ngõ” quan trọng để hàng hoá các nước xâm nhập vào thị trường châu Âu.
Hiện nay, các nước trong khối ASEAN là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia v.v… đều đã có dự án đầu tư được triển khai tại Pháp nhưng Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào làm được điều này.
Đại diện từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), ông Guillaume Crouzet, Tổng Giám đốc CCIFV khẳng định Chính phủ Pháp luôn luôn tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư vào Pháp. Điều cốt lõi là phụ thuộc vào phía DN Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức, Giám đốc khu vực ASEAN – Tổ chức Invest in France cho hay cái khó lớn nhất của DN Việt khi xâm nhập vào thị trường Pháp là nắm vững được các quy trình, thủ tục đăng kí đầu tư và đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường này.
Các chuyên gia cùng tham dự tại Hội thảo Thị trường Pháp; Cơ hội và Thực tiễn được tổ chức sáng 26/05 tại TP.HCM.
Do đó, ông Olivier Monange, đại diện của Văn phòng luật DS AVOCATS tại Việt Nam cho biết DN Việt cần phải trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về khía cạnh pháp lý khi bắt tay đầu tư dự án tại thị trường Pháp.
Ông Olivier nhấn mạnh DN Việt Nam cần biết về thuế và thủ tục hải quan, các vấn đề về hợp đồng thương mại, thanh toán, thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh v.v… Cụ thể:
Về thuế và thủ tục hải quan: Theo ông Olivier, nước Pháp là thành viên của Liên minh EU nên cùng áp dụng quy định chung của EU. Hiện nay, hệ thống hải quan của EU đang ngày càng hoạt động hiệu quả và tiến tới đến năm 2013, Chính phủ Pháp sẽ thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hải quan bằng khai quan điện tử nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an ninh cho sản phẩm một cách rộng rãi.
Tuy nhiên, ông Olivier cho biết một lợi thế rất lớn cho các DN khi xuất khẩu hàng vào thị trường Pháp là sẽ không phải đóng thuế hàng hóa lưu kho hoặc lưu cảng. Thuế hải quan chỉ phải đóng khi hàng hóa được bán. Do vậy, ông Olivier khuyên các DN Việt Nam khi ký kết đơn hàng với các đối tác DN tại Pháp nên đặt hàng tại các kho tạm, DN được lợi rất nhiều.
Ngoài ra, ông Olivier còn khuyên rằng các DN Việt Nam nếu có thuê giao nhận vận tải thì nên tìm thuê những DN vận tải được hải quan EU cấp giấy chứng nhận, sẽ giảm được rất nhiều thời gian làm thủ tục thông quan và chi phí rẻ hơn đến 30-50% so với các hãng vận tải không được chứng nhận.
Về hợp đồng thương mại: Bất kỳ bán một sản phẩm nào vào thị trường Pháp, các DN phải kí kết hợp đồng thương mại nếu không sẽ bị phạt. DN có thể kí kết hợp đồng thương mại (HĐTM) với nhà phân phối hoặc môi giới. Và trong HĐTM, DN nên thận trọng các điều khoản về độc quyền mua hoặc bán, điều khoản không cạnh tranh v.v… Cần phải quy định cụ thể thời gian và địa bàn đối tác được độc quyền mua bán sản phẩm. Ví dụ như nhà phân phối 5 năm, môi giới 2 năm v.v…
Cũng trong HĐTM, các DN Việt Nam cần biết cách để xử lý khi có tranh chấp xảy ra. DN cần phải xác định trước khi kí kết HĐTM tòa án hoặc cơ quan trọng tài, điều luật nào sẽ được sử dụng khi xảy ra tranh chấp. Thông thường, ở Pháp khi xảy ra tranh chấp trong hoạt động mua bán, nếu người bán ở Việt Nam sẽ sử dụng tòa án Việt Nam nhưng nếu người bán ở Pháp sẽ sử dụng tòa án Pháp. Và các điều luật sử dụng có phần sẽ nghiêng về Pháp bởi luật thương mại Pháp quy định sẽ sử dụng luật của nước gần với sản phẩm được bán ra v.v…
Về cách thức thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh: Các DN Việt Nam có thể đăng kí thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc công ty tại Pháp. Tuy nhiên, nếu là văn phòng đại diện thì phải cam kết không được kí kết các hợp đồng mua bán, không được ra hóa đơn. Nhiệm vụ chính của văn phòng đại diện là nghiên cứu thị trường và có thể tiếp xúc với khách hàng.
Ngược lại với văn phòng đại diện, chi nhánh của DN tại Pháp có quyền mua bán, có quyền được in xuất hóa đơn tuy nhiên chi nhánh lại không có tư cách pháp nhân ở Pháp. Khi có tranh chấp xảy ra thì công ty mẹ ở Việt Nam phải đứng ra chịu trách nhiệm. Và một hạn chế nữa cho chi nhánh là phải nộp thuế thu nhập DN theo quy định của Pháp là áp dụng toàn bộ cho doanh thu của công ty mẹ đã kí chứ không được theo doanh thu của chi nhánh.
Bởi vậy, ông Olivier khuyên các DN Việt Nam nếu có cơ hội, DN nên đăng kí thành lập công ty con của DN tại Pháp bởi thủ tục đăng kí không quá khó và lúc này, dưới dạng là một công ty độc lập, DN sẽ có điều kiện khai thác thị trường Pháp hiệu quả hơn rất nhiều…
Mặc dù hiện tại, chưa có DN Việt Nam nào có những dự án đầu tư đáng kể vào Pháp nhưng Pháp lại là bạn hàng thứ 3 của Việt Nam sau Đức và Anh. Tổng Giám đốc CCIFV nói Chính phủ Pháp chưa thấy hài lòng khi xếp ở vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Ông nói rằng Pháp và Việt Nam có nhiều cơ hội hơn thế để thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả và bền vững hơn nữa. Do vậy, ông mong muốn Chính phủ 2 nước sẽ cùng cố gắng để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này. Ông hy vọng DN Việt Nam sẽ sớm có mặt ở Pháp ngày càng nhiều cũng giống như các nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam.
Nguồn Tamnhin.net
Bình luận (0)