Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đầu tư vào y tế chưa xứng tầm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhiều năm qua, y tế VN đã có nhiều đổi mới; đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển mạng lưới, dự phòng bệnh tật và khám chữa bệnh (KCB) cho người dân. Tuy nhiên so với mức phát triển của xã hội hiện tại thì đầu tư vào y tế vẫn chưa thật sự xứng tầm. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo chuyên đề “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Theo số liệu của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe với GDP ngày càng tăng. Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách Nhà nước cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung, đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách. VN cũng đang đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển y tế. Cụ thể, trong 9 năm qua, Chính phủ đã ưu tiên ngân sách, vốn ODA, trái phiếu chính phủ để có bước đầu tư đột phá cho hệ thống KCB. Theo đó đã có hơn 60.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp BV. Cơ sở KCB tư nhân phát triển nhanh, từ không có BV tư nhân (năm 1993) tới nay đã có 206 BV tư nhân với 15.475 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân.

Phát biểu tại đây, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng – cho biết, trong thời gian qua, Sở Y tế TP đã chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở KCB, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ y BS. Đặc biệt là sự hợp tác giữa các BV công và BV tư. Điển hình như sự kết hợp giữa BV Ung bướu và BV Hồng Đức, BV Nhân dân 115 và BV Gia An 115… Những sự phối hợp này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định khi người dân được KCB bởi đội ngũ BS công lập có trình độ cao và được hưởng chất lượng dịch vụ tốt của BV tư. Điều này vừa góp phần nâng cao chất lượng KCB và giảm tải cho các BV tuyến cuối vừa kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các BV tư nhân.

Theo BS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, hiện nay hành lang pháp lý của Nhà nước đối với việc đầu tư vào ngành y tế vẫn chưa thật sự rõ ràng, cụ thể để có thể chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư khiến họ e dè khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Ví như, mỗi một lần BV công lập muốn phối hợp với các đơn vị tư nhân, các chủ đầu tư đều phải xin phép chủ trương của Bộ Y tế, UBND TP, phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục phức tạp…

Đồng tình với quan điểm này, BS Dilshaad Ali – Cố vấn chuyên môn của Công ty TNHH DG Medical – cho rằng, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cũng như cơ chế cạnh tranh công bằng để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế.

BS Phan Thanh Hải – Chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM – cũng kiến nghị, ngoài hành lang pháp lý, để thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào y tế hoặc sự phối hợp công – tư, Nhà nước cần mở rộng thêm mức chi trả BHYT, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế tư nhân. Chính sách BHYT cũng cần mở rộng đến các đối tượng là phòng khám tư nhân, bởi đây là mạng lưới y tế giải quyết rất hiệu quả nhu cầu KCB cho người dân.

H.Thương

 

Bình luận (0)