Từ năm 2003, theo kế hoạch Trường Lê Hồng Phong là một trong ba trường của cả nước được nhận 2 triệu USD từ nguồn viện trợ của nước ngoài, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đồng nào (?!)
“Tôi quá nóng lòng, không thể để chậm hơn nữa, hãy thực hiện ngay” – bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó chủ tịch UBND TP.HCM bức xúc.
Ngày 2-8, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã đến thăm và làm việc tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (LHP). Cùng đi, có bà Trương Thị Minh Hương, Phó chánh văn phòng UBND thành phố; ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT; bà Phan Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó giám đốc Sở Nội vụ… Buổi họp kéo dài hơn 3 giờ, nội dung xoay quanh những vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và con người dành cho ngôi trường này.
Chờ đến bao giờ
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà bức xúc đặt vấn đề “Đã hơn hai năm, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng nâng cấp Trường LHP, nhưng vì lý do gì đến hôm nay vẫn chưa thực hiện? Sở GD-ĐT và nhà trường phải mạnh dạn báo cáo đề xuất để xem vướng chỗ nào mà nhanh chóng tháo gỡ thực hiện không thể kéo dài được”. Ông Lê Văn Nhung, Phó trưởng phòng Văn xã UBND TP.HCM nhấn mạnh: “UBND thành phố không chỉ có một mà là hai văn bản chỉ đạo việc này!”. Trường LHP là một trung tâm chất lượng cao của các tỉnh phía Nam, được giao nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo những học sinh giỏi xuất sắc chủ yếu của TP.HCM và một số ít của các tỉnh phía Nam nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả phía Nam. Đây còn là nơi bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về môn học để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi trong nước lẫn quốc tế hầu có thể trở thành những nhà nghiên cứu khoa học sau này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì việc đầu tư xây dựng mở rộng vẫn ì ạch. Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2003, Bộ GD-ĐT chọn 3 trường THPT chất lượng cao của cả nước là Chu Văn An (Hà Nội), Quốc học (Thừa Thiên – Huế) và LHP (TP.HCM) để đầu tư mỗi trường 2 triệu USD (nguồn viện trợ của nước ngoài cho 3 trường). Nhưng đến hôm nay, Trường LHP chưa nhận được đồng nào, trong khi hai đơn vị kia đã nhận từ rất lâu? Bà Phó chủ tịch nóng ruột hỏi: “5 năm chưa nhận, vì sao? Tại sao nhà trường không hỏi?”. Không có ai trả lời được, chỉ còn chờ câu trả lời của Bộ GD-ĐT!
Đất trường bị lấn chiếm, phòng học chắp vá
Bà Dương Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM giương tấm ảnh khuôn viên Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (tức Trường THPT chuyên LHP hiện nay) và nói: “Theo tư liệu và hình ảnh, diện tích khuôn viên Trường LHP được bao bọc vuông vức bởi các đường Trần Bình Trọng, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ và thẳng ranh với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Nhưng hiện nay, diện tích trường chỉ còn một lõm nằm ở giữa khuôn viên”. Thực tế, đất của trường đã được “chia tam xẻ tứ”, chỉ riêng khu vực đường Trần Phú, 12.094m2 đất đã rơi vào tay 72 hộ gia đình và có hộ đã được cấp sổ hồng sổ đỏ? Còn bên đường Trần Bình Trọng cũng bị hàng loạt quán nhậu lấn chiếm? Đó là một trong những cản ngại chính để thực hiện dự án. Bà Thanh cho biết thêm: “Khi dự án được UBND thành phố cho phép thực hiện, trường đã mời kiến trúc sư khá nổi tiếng Nguyễn Văn Tất (cũng là cựu học sinh của trường) thiết kế. Nhưng khi “chạm” thực tế, ông ngại đụng chạm và từ chối. Sau đó mời Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM thiết kế, trường cũng sợ đụng chạm và từ chối, bởi có nhà của quan chức!”. Phải thừa nhận, không riêng UBND TP.HCM mà tất cả các ngành có liên quan rất ủng hộ việc đầu tư sửa chữa mở rộng Trường LHP, nhưng khi nghe bà Dương Ngọc Thanh phát biểu, hầu hết mọi người đành chọn thực hiện dự án chia làm hai giai đoạn. Bà Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo: “Trước mắt, khẩn trương thực hiện giai đoạn 1 (ngay tức thì) là sửa chữa và cải tạo. Đi thăm trường, tôi nhận thấy phòng ốc còn thiếu thốn, chắp vá thiếu khoa học chưa xứng tầm của một trung tâm đào tạo chất lượng cao”.
Chế độ cho học sinh = không
Trường LHP không chỉ có thương hiệu trong nước mà còn cả khu vực. Năm 2007, 225 học sinh của trường trúng tuyển vào Đại học Bách khoa TP.HCM; gần 40 em trúng tuyển vào Đại học Y dược … và luôn được xếp là trường có số học sinh trúng tuyển vào Đại học Y dược cao nhất. Nhưng thực tế khi nghe ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng báo cáo về sự đầu tư hay hỗ trợ cho các em, không ít người sửng sốt: “Học sinh học lớp chuyên chỉ được giảm học phí, nghĩa là phải đóng học phí 45.000đ/tháng. Ngoài ra, các em không được hưởng một khoản hỗ trợ nào. Trong khi, tại Đà Nẵng, học sinh học lớp chuyên không những không đóng học phí mà còn được hỗ trợ 520.000đ/tháng đối với học sinh nội trú và 260.000đ/tháng đối với học sinh ngoại trú. Mỗi em còn được cấp 500.000đ/năm để mua sách vở tài liệu và học bổng 100.000đ/tháng. Cũng tại Đà Nẵng, học sinh giỏi nếu trúng tuyển và học đại học trong nước được hỗ trợ 10 đến 20 triệu đồng/năm và học ở nước ngoài được hỗ trợ 7.000 đến 10.000USD/năm. Riêng, học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia được thưởng 15 triệu đồng/em và đạt giải quốc tế được thưởng 50 triệu đồng/em”.
Chất xám đang chảy máu
Phải chăng chính từ sự đầu tư chưa cao dẫn đến việc học sinh giỏi phải tìm kiếm học bổng của các trường trung học ở nước ngoài, một dạng chảy máu chất xám. Chỉ riêng quốc gia Singapore, rất nhiều trường trung học của nước này đã đến Việt Nam và họ chia nhau khu vực để tuyển học sinh giỏi của TP.HCM (từ lớp 9 đến lớp 12) đưa qua Singapore đào tạo. Một điều lạ là các trường này lại được cấp phép tổ chức thi tuyển hẳn hoi? Ngay cả các trường đại học của một số nước cũng tranh thủ “chiếm” những học sinh ưu tú của Trường LHP nói riêng và học sinh giỏi của các trường khác nói chung bằng cách cấp học bổng và cả cho vay 100% không thế chấp với điều kiện sau khi học xong phải phục vụ cho đất nước họ ít nhất 3 năm. Và chúng ta thử nghĩ: 10 năm, 15 năm sau, những học sinh này sẽ như thế nào? Có trở về quê hương hay tìm kiếm một đất nước nào đó để cống hiến và phục vụ! Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường LHP, mỗi năm nhà trường có khoảng 150 em đi du học chủ yếu bằng con đường nói ở trên. Còn chế độ dành cho đội ngũ giáo viên Trường LHP cũng chỉ dừng lại ở lương căn bản và thêm phụ cấp 70% lương. Ngay cả chuyện tuyển giáo viên dạy giỏi cũng không kém phần nhiêu khê. Một giáo viên có tên tuổi từ miền Trung vào muốn xin dạy ở LHP, nhà trường đồng ý ngay nhưng đụng cơ chế nên đành chờ. Biết được, Trường THPT Năng khiếu không ngại ngần nhận ngay. Ông Dũng chùng giọng: “Năm học 2007-2008, nhà trường đau xót nhìn hai giáo viên trẻ xin nghỉ để về dạy tại một trường Quốc tế có thu nhập cao hơn”.
Bà Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo: “Tôi quá nóng lòng, không thể để chậm hơn nữa hãy thực hiện ngay. Về phía nhà trường hãy mạnh dạn đề xuất những yêu cầu. Rồi, giáo viên Trường LHP, bao nhiêu người được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân? Tại sao không có? Tại sao không chọn giáo viên đi tu nghiệp ở nước ngoài? Năm 2007, việc chọn cán bộ, bác sĩ đi học ở nước ngoài thành phố đã chi cho riêng ngành y tế 5 triệu USD và năm nay số tiền có thể sẽ gấp đôi. Còn ngành GD-ĐT thì sao?”. Những lời của bà Nguyễn Thị Thu Hà ít nhiều làm ấm lòng thầy cô và học sinh Trường LHP nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung, đồng thời đã làm một vài người có trách nhiệm phải suy nghĩ!
Trần Thanh Quang
Bình luận (0)