Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đầu tư, xuất khẩu vào Myanmar – Tính chuyện đường dài

Tạp Chí Giáo Dục

Đến Myanmar vào thời điểm này, dễ dàng nhận thấy tại một số cửa hàng trên đường phố chính của TP Yangon đã xuất hiện những sản phẩm có treo bảng hiệu dòng chữ màu đỏ rất lớn “Made in Vietnam” nhằm tạo sự chú ý cho người mua. Hiện Myanmar đang trong giai đoạn thiết lập nền dân chủ, do vậy gần 80% lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng chủ yếu phải nhập khẩu. Đây là cơ hội lớn cho các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Myanmar.

Người dân Myanmar đang chọn mua các sản phẩm nhựa của Công ty Đại Đồng Tiến tại hội chợ.

Khích lệ bước đầu

Chiều 28-6, trên các đường phố gần chợ đá quý nổi tiếng Bogyoke Aung San có khá nhiều cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán điện tử và điện máy. Theo khảo sát của chúng tôi, hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam tại đây không nhiều, chỉ có một vài sản phẩm như đồ nhựa gia dụng, hóa mỹ phẩm và nước hoa Miss Saigon.

Riêng bóng đèn, ổ điện, phích cắm của Điện Quang lại chiếm tỷ lệ khá. Cùng với đó là các loại ăng ten ti vi, có tấm bảng treo bên cạnh ghi “Made in Vietnam”. Thực tế, hàng hóa của Việt Nam xuất hiện tại Myanmar còn rất khiêm tốn so với hàng Thái Lan và Trung Quốc.

Trở lại với Hội chợ Triển lãm Thương mại – Dịch vụ TP Hồ Chí Minh 2014 – Ho Chi Minh City Expo 2014, diễn ra từ ngày 26-6 đến 30-6 tại Trung tâm Tatmadaw Hall, TP Yangon, Myanmar, sau vài giờ khai mạc, nhiều DN đã hết hàng.

Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre cho hay, đây là lần tham gia hội chợ đầu tiên nên việc chuẩn bị hàng hóa còn hạn chế, trong khi đó người tiêu dùng Myanmar đã chen chân nhau để mua những sản phẩm như chả giò các loại, nem nướng,… cuối cùng công ty đành phải cất số sản phẩm còn lại, đồng thời niêm phong thành hàng mẫu mới có thể giữ được số hàng còn lại để giới thiệu đến các đối tác.

Theo nhận định của Công ty Cầu Tre, mặc dù công ty chưa ký được hợp đồng, song đã có rất nhiều đối tác đến thương lượng và bàn cách đưa hàng vào Myanmar. Vấn đề duy nhất còn trở ngại, đó là còn thiếu kho lạnh để trữ hàng hóa. Trong thời gian tới, Cầu Tre sẽ bàn bạc với Văn phòng Satra tại Yangon để nhờ hỗ trợ việc tìm kiếm địa điểm đặt kho lạnh tại đây.

Tại các gian hàng của dệt may Gia Định, Điện Quang, Mỹ phẩm Sài Gòn, kẹo dừa Bến Tre,… người dân Myanmar hào hứng, chen nhau mua sản phẩm, tạo hình ảnh thật ấn tượng tại hội chợ. Chị Men Yung Luk, một nhà phân phối lớn của Myanmar cho biết, sản phẩm Việt Nam đã và đang chiếm được tình cảm của người tiêu dùng tại đây. Hiện công ty cũng đang tìm kiếm thêm các mặt hàng tiêu dùng và dược phẩm từ Việt Nam để đưa vào các chợ, cửa hàng tại các TP lớn của Myanmar, tạo nhiều sự lựa chọn cho người dân.

Cần có chiến lược tiếp cận

Là một trong những DN lần đầu tiên tham gia đoàn DN của TPHCM tìm hiểu thị trường Myanmar, theo ông Trần Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì Sài Gòn, trước đây, trong suy nghĩ của ông, Myanmar là thị trường gần Trung Quốc nên sẽ không có phần cho DN các nước khác. Nhưng khi sang Myanmar và có những thông tin chính thức, ông thấy cơ hội hợp tác để phát triển đối với một số mặt hàng có thế mạnh như màng phủ nông nghiệp là rất lớn. Ngay trong chuyến đi này, công ty đã tìm được một số đối tác để tính chuyện hợp tác trong kinh doanh.

Điện Quang là một trong những DN đầu tiên khai mở thị trường Myanmar kể từ năm 1999. Theo ông Nguyễn Hồng Phú, Giám đốc Xuất nhập khẩu của Công ty Điện Quang, thời gian đầu, công ty đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ thủ tục đến cách thức thanh toán. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, việc xuất khẩu vào thị trường này gặp khá nhiều thuận lợi, đặc biệt Điện Quang đã lọt vào tốp 3 những DN trong ngành điện được người tiêu dùng đánh giá vì chất lượng cao. Doanh thu đạt hơn 2 triệu USD trong năm 2013, với tốc độ tăng trưởng từ 15% – 20%. Hiện công ty cũng đang thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng doanh số, đồng thời phối hợp với nhà phân phối ở đây để đưa hàng đến nhiều tỉnh, thành của Myanmar.

Nhận định về khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại Myanmar, ông Kyaw Soe, Phó Thị trưởng TP Yangon cho rằng, dù hàng tiêu dùng Việt Nam thâm nhập Myanmar muộn hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, song hàng hóa Việt Nam đã có sức hút lớn đối với người dân Myanmar nhờ chất lượng tốt. Nếu Việt Nam hình thành được khu công nghiệp, cũng như các trung tâm phân phối sỉ, tổ chức tốt công tác marketing, chắc chắn sản phẩm Việt Nam sẽ có vị thế vững chắc tại đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, bên cạnh việc tổ chức định kỳ hội chợ, TPHCM đã đặt vấn đề với Thủ hiến vùng Yangon, Bộ trưởng Bộ Thương mại và nhiều bộ, ngành khác của Myanmar hỗ trợ TPHCM tìm một khu đất để hình thành khu công nghiệp TPHCM tại Myanmar nhằm tính chuyện đường dài cho hàng Việt. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Myanmar là một thị trường rộng lớn, cả về diện tích lẫn dân số, đây sẽ là thị trường màu mỡ cho hàng Việt nếu chúng ta có chiến lược tiếp cận tốt.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2014 với 134 triệu USD, gần bằng với kim ngạch cả năm 2013. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hàng dệt may. Từ tháng 3-2014, cơ cấu mặt hàng được bổ sung thêm nhóm kim loại, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, chất dẻo.

THÚY HẢI (SGGP)

Bình luận (0)