Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đầu vào tuyển sinh sư phạm: “Tuột dốc” không phanh

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa năm nào điểm chuẩn ngành sư phạm thấp như năm nay. Điểm chuẩn nhiều ngành, nhiều trường đã rơi xuống tận đáy khi chỉ bằng điểm sàn chung nhưng vẫn chưa thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Thí sinh tìm hiểu thông tin trước ngày thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ tuyển sinh năm 2011 – Ảnh: Như Hùng
Mức điểm thấp nhất thuộc về các trường ĐH địa phương, ĐH vùng. Các ngành sư phạm vật lý, ngữ văn tại Trường ĐH Quảng Nam chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn phải xét tuyển hàng chục chỉ tiêu bằng nguyện vọng (NV) 2.
Tương tự, hầu như toàn bộ ngành sư phạm bậc ĐH của các trường ĐH An Giang, Thủ Dầu Một, Hồng Đức, Quảng Bình, Tây Bắc, Thái Nguyên chỉ bằng điểm sàn, kể cả các ngành sư phạm toán, hóa, sinh, ngữ văn và phải xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu bằng NV2.
Không chỉ thế, tại Trường ĐH An Giang, ngành sư phạm tin học còn không có thí sinh nào trúng tuyển. Ngành nhiều nhất là sư phạm toán với 20 thí sinh, các ngành sư phạm còn lại chỉ có 5-10 thí sinh trúng tuyển NV1.
Thi sử 0,25 điểm, đậu ĐH Sư phạm lịch sử!
Ông Hoàng Xuân Quảng – phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang – than vãn: chưa năm nào điểm chuẩn ngành sư phạm tuột dốc đến tận đáy như năm nay. Điểm chuẩn chỉ bằng sàn mà cũng chỉ lèo tèo vài thí sinh trúng tuyển. Có thể nhiều ngành sẽ phải đóng cửa do quá ít thí sinh bởi xét NV2 cũng không hi vọng nhiều vì nguồn tuyển đã hết.
Ở những trường tốp giữa, ĐH vùng như Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… tình hình điểm chuẩn ngành sư phạm khả quan hơn nhưng cũng có rất nhiều ngành sư phạm cơ bản có điểm chuẩn chỉ bằng sàn hoặc chỉ cao hơn từ 0,5-1 điểm.
Không chỉ thế, điểm chuẩn các trường chuyên đào tạo sư phạm như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng rớt thê thảm. Đây là năm đầu tiên trong chục năm trở lại đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lấy điểm chuẩn hai ngành sư phạm lịch sử và địa lý bằng điểm sàn.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải lấy điểm chuẩn bằng sàn cho các ngành sư phạm hóa, sinh trong khi ngành sư phạm vật lý cũng chỉ là 13,5.
Điểm đáng chú ý là ngành sư phạm lịch sử. Không chỉ điểm chuẩn bằng sàn, rất nhiều thí sinh trúng tuyển bậc ĐH ngành này nhưng điểm thi môn lịch sử chỉ từ 0,5-2 điểm. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tuy đã nhân hệ số môn lịch sử nhưng điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức 14,5 điểm! Trong số 42 thí sinh trúng tuyển ngành lịch sử, chỉ có ba thí sinh đạt điểm thi môn sử từ 5 trở lên, đa số thí sinh có điểm ở mức 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn sử.
Tương tự, tại Trường ĐH Cần Thơ có ít nhất bốn thí sinh đậu ngành sư phạm lịch sử khi điểm thi môn này chỉ là 1 điểm, nhiều thí sinh 1,25-2 điểm. Đáng chú ý hơn là tại Trường ĐH Đà Lạt, một thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử với điểm thi sử 0,5. Cá biệt hơn, một thí sinh tại trường này trúng tuyển với tổng điểm 13 nhưng môn sử chỉ 0,25 điểm, tức chỉ vừa thoát khỏi ngưỡng điểm liệt (0 điểm)!
Báo động!
Nguyên nhân của sự sụt giảm đáng báo động này được nhiều cán bộ quản lý của các trường ĐH, sở GD-ĐT đưa ra là do chính sách tiền lương, chế độ cho giáo viên quá thấp. Điều quan trọng nữa là đầu ra ngành sư phạm cực kỳ khó khăn.
Theo ghi nhận tại nhiều sở GD-ĐT, bốn năm trở lại đây, nhu cầu giáo viên đã bão hòa, mỗi năm số sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa được phân công nhiệm sở lên đến hàng trăm người mỗi tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình – giám đốc Sở GD-ĐT An Giang – cũng cho biết năm nay sở nhận được khoảng 1.400 hồ sơ tuyển dụng giáo viên các cấp nhưng chỉ có thể giải quyết được 1.100 hồ sơ. Năm 2011, chỉ tính riêng bậc THPT, tỉnh Đồng Tháp nhận 890 hồ sơ tuyển dụng nhưng chỉ giải quyết được 90 hồ sơ. Khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm chưa biết đi đâu về đâu.
Ở khía cạnh đơn vị đào tạo, ông Hoàng Xuân Quảng chia sẻ: sinh viên sư phạm hiện nay ra trường khó tìm việc làm, tìm được thì thu nhập thấp. Hơn nữa, việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng khó khăn hơn so với các ngành nghề khác. Chính sách miễn học phí hiện nay không còn đủ sức hút với người học bởi cái họ cần là nghề nghiệp để kiếm sống chứ học phí giờ đã quá thấp rồi.
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương – hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) – lo ngại: “Việc chất lượng đầu vào giảm là điều đáng báo động bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục và sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục là nền tảng của các ngành khoa học, xã hội, nếu chỉ tuyển được những giáo viên có chất lượng không thật sự tốt, rõ ràng sẽ không có nền tảng tốt”.
Thiếu giáo viên dai dẳng
Tại TP.HCM, theo ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD-ĐT TP, những năm gần đây TP luôn thiếu giáo viên do các trường sư phạm trên địa bàn TP đào tạo theo xu hướng đa ngành, chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm nên nguồn tuyển giáo viên các trường cũng giảm.
Trong khi đó, ông Huỳnh Công Minh – nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết khi làm đề án nâng cấp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM lên ĐH, sở tham mưu nâng cấp thành Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cho biết chỉ cho phép thành lập trường ĐH đa ngành chứ không thành lập trường chuyên ngành sư phạm. Nếu có trường chuyên đào tạo sư phạm thì nguồn cung cấp giáo viên cho TP sẽ dồi dào hơn, tình trạng thiếu giáo viên sẽ không dai dẳng như hiện nay.
Theo MINH GIẢNG
(TTO)

Bình luận (0)