Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đầu xuân đọc – ngẫm bài “Nguyên tiêu” của Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Phiên âm chữ Hán bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Dịch nghĩa:    Rằm tháng giêng

Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,

Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân.

Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,

Nửa đêm trở về, thuyền đầy ánh trăng.

Đồng chí Xuân Thủy dịch thơ: “Rằm tháng giêng”

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Theo tập “Thơ Hồ Chí Minh”, NXB Giáo dục, Hà Nội – 1977, trang 242)

Đây là bài thơ chữ Hán của Bác Hồ viết vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) năm Mậu Tý – 1948. Mặc dù Bác không tự nhận mình là nhà thơ, nhưng đọc và suy ngẫm bài thơ này, mới thấy được sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng của vị lãnh tụ Cộng sản lỗi lạc Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa thế giới với tâm hồn thi nhân Hồ Chí Minh thật là nhuần nhuyễn, diệu kỳ.

Trước hết, hãy nói về xuất xứ của bài thơ. Hai tháng trước khi Bác viết bài thơ này, ngày 15-10-1947, Trung ương Đảng ra chỉ thị nêu rõ: “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”! Thực hiện chỉ thị đó, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong Chiến dịch thu đông 1947, bẻ gãy cuộc tiến công lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não cuộc kháng chiến của ta, đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới. Tháng 1-1948, Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, nhận định những biến chuyển mới của tình hình từ sau chiến thắng Việt Bắc và nêu lên nhiệm vụ về mọi mặt của quân dân ta trong giai đoạn chiến lược mới. Như vậy, sau hơn một năm kháng chiến chống thực dân Pháp (kể từ 19-12-1946), tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ta đã có những thắng lợi bước đầu và hứa hẹn những chiến thắng về sau to lớn hơn.

Tình hình nêu trên tạo cảm hứng cho Bác viết “Nguyên tiêu”. Hai câu đầu: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên” là cảnh thiên nhiên đêm nguyên tiêu nơi núi rừng Việt Bắc thật là đẹp và thơ mộng: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”. Rằm xuân trăng sáng như gương. Sông xuân, nước cũng xuân, bát ngát nối tiếp với bầu trời xuân. Đêm nguyên tiêu, tưởng như thi nhân Hồ Chí Minh đang hoàn toàn thư thái ngắm trăng, như Lý Bạch (nhà thơ lớn đời Đường của Trung Quốc) giao hòa với trăng. Nhưng đọc đến câu tiếp theo, thì lại không phải như vậy: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” (Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân). Thì ra, trong đêm nguyên tiêu ấy, Bác Hồ vẫn đang cùng các đồng chí của mình bàn việc quân, việc nước, làm sao đánh đuổi được giặc Pháp, đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Điều ấy, thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân vô hạn của Bác Hồ. Đúng như Bác từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (Trả lời các nhà báo, 21-1-1946; trích: “Hồ Chí Minh – Toàn tập”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2000; tập 4, tr. 161). Và đến câu cuối: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Nửa đêm trở về, thuyền đầy ánh trăng). Bàn việc quân, việc nước xong rồi, nhưng trong đêm nguyên tiêu, thi nhân Hồ Chí Minh vẫn chan hòa cùng thiên nhiên, không thờ ơ với ánh trăng vằng vặc! Câu thơ còn mang ý nghĩa tượng trưng: Lòng vững tin vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc, niềm lạc quan cách mạng của Bác Hồ thật là sáng tỏ, như trăng rằm tháng giêng.

“Nguyên tiêu” của Bác Hồ mang phong cách Đường thi. Bài thơ của Bác gợi cho ta nhớ tới bài: “Phong kiều dạ bạc” (Nửa đêm ở bến Phong Kiều) của Trương Kế – thi nhân nổi tiếng đời Đường: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (cụ Trần Trọng Kim, nhà Hán học nổi tiếng nửa đầu thế kỷ XX dịch thơ: “Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi/ Lửa chài cây bãi đối người nằm co/ Con thuyền đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”). Câu cuối của Bác: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” phảng phất câu cuối bài thơ của Trương Kế: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Nhưng, “Nguyên tiêu” của Bác Hồ khác nhiều và khác hẳn về chất so với “Phong Kiều dạ bạc”. Bài thơ của Bác không có tiếng quạ kêu rợn người giữa đêm khuya, không có người thuyền chài (hay người khách, hoặc thi nhân) đang ngủ trong sầu muộn, không có tiếng chuông chùa. Cái khác biệt cơ bản, là trong “Nguyên tiêu”, Bác Hồ thức giữa đêm trăng để lo việc cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than; còn trong “Phong Kiều dạ bạc” chỉ là tâm trạng u buồn của nhà thơ Trương Kế giữa bến sông trăng.

Bác Hồ mượn thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường thi để biểu hiện tình cảm của Người đối với đất nước và dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa chất “thép” và chất “tình”, giữa tính cổ điển và tính hiện đại, giữa tấm lòng vị lãnh tụ Cộng sản đau đáu lo việc nước và tâm hồn thi nhân dạt dào cảm xúc trong “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh thật là tài tình! Bài thơ của Bác là một kiệt tác của văn học cách mạng hiện đại Việt Nam.

ĐÀO NGỌC ĐỆ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)