Ngày 4-10-2013 toàn dân tộc Việt Nam tiếc thương tiễn đưa vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp “về cõi vĩnh hằng”. Mỗi dịp Tết đến xuân về, hàng nghìn người từ khắp cả nước đều không hẹn mà gặp tại nơi bác yên nghỉ để dâng hương, thành kính gửi những lời chúc đến miền cực lạc, và cầu mong một năm mới đủ đầy an vui.
Dòng người hành hương xếp hàng dài tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Dòng người một tấm lòng thành kính
Sáng mồng 6 Tết, từ huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), chúng tôi vượt hơn 170km để đến với Vũng Chùa – Đảo Yến (nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi yên nghỉ, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trong tiết trời đầu xuân dòng người hành hương không ngừng nối nhau xếp thành những hàng dài, trật tự và nề nếp, ai ai cũng nâng niu những đóa hoa và một lòng thành kính dâng lên hương hồn bác Giáp.
Dù đã là lần thứ hai đến dâng hương tại khu mộ Đại tướng nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thủy (61 tuổi, ngụ xã Mỹ Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn một tâm trạng bồi hồi xúc động. Ông Thủy hồi ức, bản thân là cựu binh may mắn sống sót trở về từ chiến trường K (Campuchia) trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Năm 2013, thời điểm hay tin Đại tướng mất, ông lâm bệnh phải điều trị. Trên giường bệnh niềm mong mỏi được về dâng hương lên bác vẫn luôn dấy lên trong tâm khảm ông. Cuối năm 2015, mong mỏi của người cựu binh già mới được thực hiện khi đơn vị của ông tổ chức gặp mặt và hành hương đến nơi bác Giáp an nghỉ. Ông Thủy kể: “Lần đó, đơn vị của tôi có nhiều người hiện sống tận miền Nam và miền Bắc đều quy tụ về đầy đủ, trong đó có nhiều đồng đội phải mang thương tật vì chiến tranh. Lần đầu tiên dâng lên Đại tướng nén hương tôi và nhiều đồng đội đã không kìm nén được xúc động, ai ai cũng nghẹn ngào”.
Người cựu binh bồi hồi tiếp lời: “Năm nay bệnh tật tôi có phần thuyên giảm nên quyết định cùng con cháu trở lại hành hương, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu đến thăm bác. Năm sau tôi sẽ trở lại thăm mộ bác cho đến khi nào đôi chân không thể đi được nữa mới thôi”. Trong hàng nghìn người dâng hương, cũng giống như ông Thủy, nét xúc động hiện hữu rõ trên gương mặt của vợ chồng bà Lê Thị Đào (59 tuổi, ngụ Thừa Thiên – Huế). Bà Đào chia sẻ, cả hai vợ chồng bà đã ấp ủ mong mỏi được dâng hương lên Đại tướng từ lâu nhưng đến nay mới thực hiện được. Dịp này ngoài vợ chồng bà còn có cả đại gia đình gần 10 người cùng đi. Trong tà áo dài mới nghiêm trang bà chia sẻ: “Dù vượt đường sá xa xôi, khi lên hành hương phải xếp hàng chờ đợi vì lượng khách hành hương quá đông nhưng tất cả thành viên trong gia đình tôi đều không một chút than phiền. Ngược lại chúng tôi cảm thấy đó là trách nhiệm vì mọi người ai cũng tự giác và trật tự. Kể về mong ước đầu xuân, bà Đào cho hay: “Tôi vừa dâng nén hương vừa thành kính lên bác, chỉ mong cầu một năm mới sức khỏe đủ đầy, ai ai cũng an vui”.
Những câu chuyện cảm động bên mộ bác Giáp
Cũng là cựu binh trở về từ chiến trường, ông Lê Văn Thọ (73 tuổi, ngụ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cùng gia đình 7 người đến hành hương tại khu mộ Đại tướng giữa ngổn ngang đầy cảm xúc. Ông Thọ cho hay, dù tuổi đã cao sức đã yếu nhưng 3 năm nay đều đặn mỗi dịp mồng 6 Tết ông đều cùng gia đình vượt gần 200km để đến thăm nơi bác Giáp an nghỉ. Người cựu binh trần tình, ông có 3 người cháu trai thì mỗi người một tính, người cháu thứ 2 (26 tuổi) vốn hiền lành nhưng từ năm 20 tuổi đã đổi tính trở nên khó bảo, ham chơi. 3 năm nay ông cùng gia đình đều đặn thực hiện những chuyến thăm mộ bác, ngoài tấm lòng thành kính dâng lên vị Đại tướng kiệt xuất của dân tộc ông còn gửi gắm mong ước cả gia đình thêm gắn bó, đoàn kết, con cháu giữ gìn được đạo hiếu. Ông Thọ rơm rớm nước mắt: “Có lẽ anh linh của bác Giáp linh thiêng đã phù hộ cho mong ước của tôi, qua mỗi chuyến đi, nó đã dần dần ngộ tỉnh. Khoảng một tháng nữa đứa cháu thứ 3 của tôi cũng vào quân ngũ, tôi chỉ mong qua chuyến đi này nó biết phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.
Đại úy Lê Hồng Tư chia sẻ: Nắm bắt tình hình lượng khách hành hương sẽ đặc biệt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo ngoài lực lượng bảo vệ tại khu mộ Đại tướng theo biên chế, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tăng cường thêm 10 đến 15 đồng chí/ngày, để đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự cũng như hướng dẫn người dân trong quá trình hành hương. |
Giữa trưa, trong dòng người hành hương đổ về mộ bác Giáp ngày một đông, có lẽ cụ bà Trần Thị Lãm (81 tuổi) là lớn tuổi hơn cả. Suốt chặng đường bộ hành từ cổng đón tiếp đến vị trí dâng hương phải lên một con dốc thoai thoải thì hầu như bà phải đi trên đôi chân của người con trai. Anh Lê Tấn Phong (37 tuổi, con trai út cụ Lãm) cho hay, gia đình sinh sống ở TP.HCM. Cụ Lãm bị bệnh nên từ nhiều năm nay không ra khỏi nhà. “Mấy ngày Tết, mẹ cứ nhắc chúng tôi là cuối đời bà chỉ có một tâm nguyện duy nhất là đi viếng mộ Đại tướng nhưng vẫn chưa thực hiện được. Thương mẹ một lòng thành kính với bác nên chúng tôi thuê xe đưa bà về đây dâng hương” – anh Phong chia sẻ. Trên lưng của con, bà Lãm thở hắt khó nhọc nhưng đôi mắt như bừng sáng: “Được về trước bác một lần có “đi” tôi cũng mãn nguyện rồi”.
Đại úy Lê Hồng Tư, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Ròn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Những ngày bình thường trong năm, lượng khách viếng mộ Đại tướng trung bình mỗi ngày khoảng 1 nghìn người và tăng cao đối với những dịp lễ, Tết. Dịp 30-4-2017, lượng khách tăng cao lên đến 20 nghìn lượt/ngày. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (từ ngày 1 đến ngày 9-1 âm lịch) Đội bảo vệ khu mộ Đại tướng tiếp nhận đến gần 8 nghìn đoàn khách, với hơn 75 nghìn lượt khách hành hương”.
Bài, ảnh: Thương Thương
Bình luận (0)