Các đội thi đấu đang dốc sức về đích |
Được tổ chức 2 năm 1 lần vào mùng 5-6 Tết Nguyên đán, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) luôn thu hút người dân địa phương. Lễ hội thực sự là một sân chơi để nhiều người tham gia và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Nét đẹp văn hóa
Giữa trưa nắng, hàng ngàn khán giả nhiệt tình, reo hò, cổ vũ cho đội nhà. Lễ hội đua thuyền đầu xuân ở xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi từ bao đời nay vẫn đem lại niềm hứng khởi cho người xem lẫn người tham gia.Lễ hội còn là một địa chỉ du xuân thú vị cho khách thập phương đến xem, tận hưởng và có dịp ôn lại nét văn hóa truyền thống của cha ông. Được biết, vào dịp Tết Nguyên đán, một số địa phương tại Quảng Ngãi đã khôi phục lễ hội đua thuyền. Có thể kể đến lễ hội đua thuyền trên sông Vệ, sông Cổ Lũy, sông Trà Bồng… Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội đua thuyền trên biển của huyện đảo Lý Sơn và lễ hội đua thuyền ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) là hai lễ hội đua thuyền mang nhiều nét độc đáo, mang đậm tính truyền thống.
Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long vẫn còn giữ được những nghi thức như lễ cúng tạ và rước thuyền biểu trưng cho các vật thiêng là long, lân, quy, phụng. Sau hai phần nghi thức quan trọng này, bốn đội đua đại diện cho bốn thôn trong xã là An Lộc, Tăng Long, An Đạo, Gia Hòa hăng hái về điểm xuất phát để chờ bắt đầu cuộc đua.
Khúc sông Trà vốn yên bình bỗng trở nên náo nhiệt bởi tiếng reo hò của khán giả ngay từ trước khi khai cuộc. Người Tịnh Long hiền hòa, dễ mến, chất phác không thể giấu nổi sự vui mừng, hân hoan khi tham gia lễ hội. Với chất giọng người dân miền Trung đặc trưng, ông Huỳnh Khâm, xã Tăng Long hồ hởi: “Vui lắm! Tết đến mà không có lễ hội đua thuyền là mất đi một niềm vui lớn bởi lễ hội đua thuyền đầu năm là dịp để mọi người cầu mong mưa thuận, gió hòa, ai nấy cũng có nhiều sức khỏe để làm ăn”. Có lẽ vì thế mà nhiều cụ già dù tuổi cao nhưng vẫn cố gắng đến xem lễ hội đua thuyền. Ông Huỳnh Khâm cho biết thêm, thời trai trẻ, ông đã 3 lần tham gia thi lễ hội đua thuyền vào những dịp đầu xuân. Ngày nay, lễ hội đua thuyền đã có nhiều đổi mới, mang tính chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản và mang nhiều ý nghĩa. Có lẽ vì tầm quan trọng của lễ hội nên mỗi thôn đều ra sức chuẩn bị. Một tháng trước đó, những tay đua kỳ cựu và mạnh khỏe nhất đã được tập trung để tham gia tập luyện nghiêm túc để đem đến cho khán giả những màn đua sôi nổi, hào hứng suốt bốn hiệp đua. Kết quả dù có đội thắng, đội thua, nhưng ai nấy cũng đều vui mừng, sôi nổi bàn tán từ đầu xã đến cuối xã suốt mấy ngày sau khi lễ hội kết thúc.
Cần được giữ gìn
Nhiều năm trở lại đây, việc tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân đã được chính quyền ở nhiều địa phương quan tâm. Ông Trần Văn Sáu – Phó chủ tịch HĐND xã Tịnh Long cho biết: “Lễ hội đua thuyền Tịnh Long là một lễ hội truyền thống có từ rất lâu đời. Người dân Tịnh Long tổ chức lễ hội này vào mùng 5-6 Tết cũng là nhằm biểu dương lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết của người Việt. Đua thuyền không chỉ là môn thể thao để người dân rèn sức mà còn khơi dậy tình đoàn kết, sự đồng tâm hợp lực. Lễ hội đua thuyền còn được xem như một nghi lễ thiêng liêng, có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân”.
Được biết, những năm gần đây, vì điều kiện khó khăn nên lễ hội đua thuyền được tổ chức 2 năm 1 lần thay vì định kỳ hàng năm như trước đây. Tết là dịp để những người lao động ở địa phương nghỉ ngơi, thư giãn chuẩn bị cho mùa làm ăn mới. Vì vậy, lễ hội đua thuyền càng có ý nghĩa hơn. Dưới cái nắng chói chang, những khuôn mặt rám nắng bởi quanh năm tần tảo làm ăn bỗng trở nên rạng ngời khi đến với lễ hội. Đặc biệt, giới trẻ cũng rất hào hứng. Việc giúp giới trẻ hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của lễ hội truyền thống tốt đẹp này là nguyện vọng chung của nhiều người dân địa phương. Bởi, lễ hội đua thuyền không chỉ là sân chơi đầu xuân mà còn chứa đựng trách nhiệm nhắc nhở cho mọi thành viên của cộng đồng những bài học về lịch sử, đạo lý, lao động sản xuất, tinh thần thượng võ…
Xã hội phát triển, nhiều hình thức vui chơi giải trí hiện đại dần thu hút nhiều người. Do đó, việc duy trì những lễ hội truyền thống vẫn là điều hết sức cần thiết. Lễ hội đua thuyền ở Tịnh Long đã góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân vùng ven sông Trà Khúc, xứng đáng là một trong những lễ hội đua thuyền tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Việc phát huy và giữ gìn bản sắc của lễ hội cũng chính là giữ vững vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư đúng mức để góp phần bảo tồn, giữ gìn gắn với tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)