Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Dạy ATGT bằng sân khấu hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ học về sân khấu hóa ATGT tại trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM
Suốt từ hôm xem tiểu phẩm về ATGT đến nay, các học sinh khối 4-5 của Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TP.HCM) vẫn còn thuộc lời thoại, hành động của các nhân vật và bình phẩm rất sôi nổi, hứng thú. Theo đánh giá của giáo viên, sân khấu hóa ATGT là phương thức mới giúp học sinh cảm thụ và tiếp thu kiến thức về ATGT hiệu quả hơn.
Xây dựng ý thức ATGT
Trong một giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Minh Đạo, 7-8 học sinh lớp 4 tranh nhau thuật lại tiểu phẩm về ATGT mà các em đã được xem trong giờ chào cờ đầu tuần. Em Trần Gia Khang, em Vương Nhật Huy và nhiều học sinh khác thay nhau kể lưu loát từng tình tiết, từng nhân vật và bình phẩm các hành động đúng – sai. Gia Khang kể tình huống về một người mẹ được chồng tặng cho một chiếc xe máy mới trong ngày sinh nhật. Người phụ nữ này khi lưu thông không đội mũ bảo hiểm, do yếu tay lái đã tông phải một xe bán bánh mì khiến cả hai bị thương. Nhật Huy cùng các bạn liền tranh nhau kết luận: “Tại không có bằng lái nên mới gây tai nạn. Người mẹ không đội mũ bảo hiểm như vậy là vi phạm Luật Giao thông. Không có bằng lái thì không được phép lái xe máy…”. Các cậu bé này còn thích thú khoe: “Tụi con thích coi kịch này lắm, vì kịch này dạy tụi con về ATGT. Nếu được coi kịch này nhiều lần nữa thì thiệt là vui”.
Bà Vũ Ngọc Phượng – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) nhận định rằng kiến thức về ATGT nếu chỉ dạy theo hình thức lý thuyết sẽ khô cứng khiến học sinh khó tiếp thu. Do đó, phương thức sân khấu hóa thành những câu chuyện về ATGT gần gũi với đời thường và chương trình giao lưu thăm dò mức độ cảm nhận sau mỗi tiểu phẩm sẽ giúp học sinh dễ cảm nhận, hiểu lý thuyết, gây ấn tượng khiến học sinh nhớ lâu với sự thích thú. Điều đặc biệt quan trọng là từ những tình huống có thật của tiểu phẩm sẽ giúp các em nhận biết những hành vi đúng – sai và rút ra những bài học bổ ích cho chính bản thân mình.
Bà Phượng nói thêm rằng, nội dung phong phú của tiểu phẩm không chỉ góp phần tạo ý thức về ATGT cho học sinh mà còn chuyển tải thông điệp về sứ vụ bảo vệ môi trường cho trẻ em. Cụ thể như một tình huống nhắn nhủ trẻ khi đi chơi trong công viên thì không được giẫm đạp lên cỏ, không tham gia mua bán hàng rong ngoài đường, phụ huynh cần cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, khi lưu thông trên xe không chở quá số người quy định, chỉ điều khiển xe khi đã có bằng lái…
Không chỉ hữu ích cho học sinh, bà Phượng cho rằng những bài học về ATGT được thể hiện bằng các tiểu phẩm cũng sẽ phát huy tính hiệu quả và có sức lan truyền tốt hơn. Vì thực tế cho thấy học sinh sau khi xem tiểu phẩm về còn kể cho ba mẹ nghe những điều các em đã cảm nhận.
Tấm lòng người nghệ sĩ
Tính đến thời điểm này, chương trình Sân khấu kịch học đường do Sở VH-TT-DL, Sở GD-ĐT TP.HCM, Công ty Sân khấu – Điện ảnh Vân Tuấn cùng Sân khấu kịch Hồng Vân phối hợp thực hiện đã đến với 45 trường, đa phần là trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Người đã có sáng kiến tổ chức chương trình này chính là NSND Hồng Vân. Từ sự ưu tư và mong cầu góp phần xây dựng ý thức về ATGT cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, chị đã mạnh dạn kiến nghị sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, sự chung tay góp sức của các anh chị em nghệ sĩ (Minh Nhí, Ốc Thanh Vân, Hòa Hiệp…) thực hiện chương trình hữu ích này.
“ATGT học đường là vấn đề nhà trường, xã hội và phụ huynh quan tâm. Đồng thời việc nhận thức về ATGT đối với trẻ con rất cần thiết nên chúng tôi ưu tiên triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy biện pháp chế tài các vi phạm cũng chưa thể giải quyết tình trạng đối phó bấy lâu nay, nên việc xây dựng ý thức về ATGT cho lớp trẻ là điều cần thiết, vì ý thức về ATGT là biện pháp lâu dài giúp kéo giảm TNGT và chấn chỉnh vi phạm”, NSND Hồng Vân tâm sự.
NSND Hồng Vân cho biết, các đơn vị trường ban đầu có sự e ngại nhưng khi biết được hiệu ứng tích cực, nhiều trường kể cả ở ngoại thành đã tự nguyện đăng ký tham gia. Thậm chí một số trường đã gửi “phong bì bồi dưỡng” cho đoàn hoặc đề nghị nhận toàn bộ chi chí thực hiện, nhưng chương trình đã không nhận bất cứ “nhã ý” nào bởi họ quyết tâm thực hiện chương trình này với lòng nhiệt huyết và cả tấm chân tình.
Tuy nhiên, để chương trình trên được thực hiện một cách đồng bộ, thì bên cạnh tâm huyết của những người nghệ sĩ, họ rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành hữu quan.
Bài, ảnh: Bích Vân
Mô hình cần được nhân rộng
Bà  Vũ Ngọc Phượng – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học Minh Đạo nhận định: “Một chương trình sân khấu hóa ATGT hữu ích như vậy, chúng tôi rất hoan nghênh và rất mừng. Thiết nghĩ mô hình này cần được nhân rộng và nếu điều kiện cho phép thì có thể đưa vào kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Chương trình không chỉ đem đến những bài học hữu ích cho học sinh, chính học sinh sẽ là người tác động đến người lớn cũng như những người xung quanh và có sức lan tỏa về giáo dục ý thức ATGT rất lớn. Chúng tôi thật sự rất xúc động trước tấm lòng và sự nhiệt huyết của nhóm kịch Hồng Vân. Các anh chị đã không quản ngại vất vả cho sự chuẩn bị chương trình từ lúc 5 giờ sáng và phục vụ học sinh miễn phí. Chúng tôi muốn gửi lời cám ơn của các giáo viên và học sinh toàn trường đến nhóm qua chương trình giáo dục ATGT bằng phương thức sân khấu hóa hiệu quả này”.
 
 

Bình luận (0)