Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy bằng tiếng Anh ở trường chuyên: Thầy, trò cùng kêu khó

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD&ĐT chủ trương năm học 2011-2012 sẽ triển khai dạy một số môn tự nhiên (Toán-Lý-Hóa-Sinh) học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và học sinh ở các trường chuyên cùng kêu khó.

Một buổi học bằng tiếng Anh của thầy trò trường THPT chuyên
Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN). Ảnh: Đ.H

Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường chuyên, 25 Sở GD&ĐT , các giáo viên và học sinh cùng đóng góp nhiều kinh nghiệm trong hội thảo “Dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường THPT chuyên” diễn ra vào sáng 26-3, tại Hà Nội.

Dạy theo mô hình song song
Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đã dạy thí điểm bằng tiếng Anh ở một số môn từ vài năm nay. Ông Nguyễn Vũ Lương – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, mỗi tuần, các em học các Môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh vào một buổi, còn buổi khác học như bình thường. Trong thời gian đầu học sinh học khá vất vả nhưng sau quen dần và đến nay rất thích.
Ông Lương chia sẻ, trường dạy theo mô hình song song, nghĩa là một buổi học như các trường học một buổi và một buổi học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, tiếng Anh tăng cường.
Ông Lương đề xuất, mô hình này trong giai đoạn một (trong bốn năm đầu) trường chuyên Khoa học tự nhiên, một buổi dạy bình thường, một buổi dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các lớp chất lượng cao ở phổ thông cơ sở (từ lớp 6) các môn tự nhiên cũng được dạy bằng tiếng Anh.
Trong giai đoạn 2 (2 năm tiếp theo), ông Lương cho rằng dạy 50% bằng tiếng Anh ở buổi dạy bình thường, giáo trình tiếng Anh, viết bằng tiếng Anh. Một số môn học khác điều khiển lớp bằng tiếng Anh và tập đọc một số tài liệu tiếng Anh về môn học. Vào buổi học thứ hai trong ngày thì 100% dạy bằng tiếng Anh các môn khoa học tự nhiên. Giai đoạn 3 (2 năm) thực hiện dạy 100% các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
“Để đạt được mục tiêu thì trường cần có đội ngũ giảng dạy có trình độ cao, phương pháp giảng dạy tiên tiến. Ngoài ra, cần có giáo trình tiên tiến vì để dạy bằng tiếng Anh thì cần xây dựng một giáo trình riêng bằng tiếng Anh”- ông Lương cho biết.
Theo Thạc sĩ Trần Đức Huyên- Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM thì nhà trường đã tổ chức giảng dạy các môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh trong ba năm qua với số lượng lớp dạy tăng cường tiếng Anh 8 lớp, tổng số có 250 học sinh, 4 tiết học/tuần và số giáo viên tham gia giảng dạy là 8.
Ông Huyên chia sẻ: “Số tiết giảng dạy vừa phải, ban đầu các em học tăng cường tiếng Anh với thời lượng 8 tiếng trong hai tuần. Số tiết và số buổi này cộng với chương trình học bình thường quá nặng đối với các em. Hiện nay, dạy 4 tiết/tuần gồm 2 tiết Toán, 1 tiết Lý và một tiết hóa”.
Cô Quách Thị Thùy Trang- Giáo viên dạy hóa học trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội thì kêu khó khi tiến hành dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh vì trình độ ngoại ngữ của học sinh, đặc biệt là học sinh tại trường có sự chênh lệch nhau rất lớn.
Cô Trang cho rằng, việc dạy các môn này phải song song bằng hai thứ tiếng chứ không thể dạy bằng tiếng Anh được: “Học sinh nếu có nguyện vọng học các môn khoa học cơ bản bằng ngoại ngữ thì sẽ đăng ký học lớp song ngữ. Trong các lớp này ngoài giáo trình phổ thông, học sinh còn học giáo trình bằng ngoại ngữ đăng ký và như vậy số tiết học các môn cơ bản sẽ gấp đôi so với các học sinh khác”- cô Trang chia sẻ.
Cái khó của những giáo viên như cô Trang là chưa hề có một chương trình cụ thể hay chính thức nào về việc dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, do đó gây khó khăn rất lớn cho giáo viên khi giảng dạy: “ngoài việc phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, học tập tự nâng cao trình độ tiếng Anh thì các giáo viên phải tự mò mẫm tự xây dựng các bài giảng bằng tiếng Anh”.
PGS- TS Tạ Thị Thảo, khoa Hóa, trường ĐH Khoa học tự nhiên đưa ra đề xuất: “Với bộ phận số đông học sinh chuyên, song song với chương trình tiếng Việt để nắm chắc kiến thức thì trước mắt, mỗi môn khoa học tự nhiên, học thêm hai tiết bằng tiếng Anh một tuần là phù hợp”.
Khó cả thầy lẫn trò
Khi đề cập đến vấn đề này, ở góc độ là người tham gia giảng dạy – thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh – Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên – cho biết, đối với riêng môn Toán, thời gian đầu các em được hướng dẫn làm quen với một số kĩ năng cơ bản bằng tiếng trong môn toán như đọc biểu thức, các câu dùng trong giải toán… sau đó mới được học Toán bằng tiếng Anh dựa trên chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT và tham khảo chương trình phổ thông của Mỹ.
Cô Linh cũng cho rằng, do chưa có giáo trình nào hướng dẫn việc dạy Toán bằng tiếng Anh nên thời gian đầu rất vất vả: tự tìm tài liệu, thử nghiệm phương pháp, thăm dò tâm lý học sinh hay thời lượng học 1 tiết/tuần nên việc nghe bài giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh đối với phần nhiều các em còn rất khó.
PGS- TS Tạ Thị Thảo, khoa Hóa, trường ĐH Khoa học tự nhiên cho rằng với tình hình học tập như hiện nay, khi học sinh luôn phải đảm bảo việc thi đỗ đại học trong cách học cũng như cách thi đại học chưa được cải tiến thì việc dạy-học chuyên môn bằng 100% tiếng Anh là phi thực tế.
Bà Thảo lí giải: “chương trình môn Hóa học ở phổ thông còn nặng về tính toán trong khi nhiều kiến thức lý thuyết các quá trình hóa học chưa được đề cập đến nên việc đảm bảo vừa nâng cao chương trình vừa đáp ứng nhu cầu thi đại học với số đông học sinh là không khả thi. Hơn nữa, các vấn đề chuyên môn khó thì nếu sử dụng tiếng Anh để giảng dạy học sinh sẽ không thể hiểu được khi ngoại ngữ vẫn còn là rào cản. Khi đó giảng dạy bằng chính tiếng mẹ đẻ mới có hiệu quả”.
PGS-TS Lưu Thị Lan Hương, trường THPT chuyên cho rằng, để việc dạy môn sinh học bằng tiếng Anh ở cấp THPT không phải là dễ: “cụ thể như đối với hai lớp chất lượng cao của trường tôi, mỗi lớp có khoảng 30 em, trong đó chỉ khoảng 5-6 em có trình độ tiếng Anh tốt, 10 em kha khá, một nửa lớp thuộc diện yếu, có vài em thậm chí rất chí rất yếu, chỉ đọc tiếng anh thông thường thôi phát âm cũng kém, không chính xác”.
“Với tiết học đầu tiên, khi vào lớp nói vài câu chào hỏi thông thường thì các em hiểu được, đến khi sang nội dung của bài, hầu hết các em không hiểu gì. Ban đầu các em cứ ngớ ra, sau bắt đầu ồn ào, nói chuyện. Lúc đó tôi buộc phải nói to bằng tiếng Việt. Từ đó tôi hiểu, hầu hết các em không thể nghe giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh được”- cô Lan Hương chia sẻ.
Em Trần Hương Ly, lớp 10A2 Toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cho rằng học bằng tiếng Anh các môn tự nhiên còn khó khăn do trang thiết bị chưa đầy đủ, kém chất lượng, nhiều bạn có khả năng tiếng Anh chưa đủ nghe giảng hoàn toàn khiến cho việc tương tác với thầy cô bị hạn chế hoặc phải chuyển sang sử dụng một phần tiếng Việt.
Đỗ Hợp / Tien phong

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)