Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy bao nhiêu giờ để không thành “thợ giảng”?

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải "ôm đồm" nhiều việc vì có trợ giảng giúp đỡ, giảng viên ĐH ở nhiều nước vẫn chỉ phải dành khoảng 25%, nhiều nhất là 50% quỹ thời gian dành cho giảng dạy. Một GS ở Đức đứng lớp 9 giờ mỗi tuần đã than phiền là "phải dạy quá nhiều". Các trường toàn quyền chủ động quy định chế độ làm việc của giảng viên phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.

1 giờ đứng lớp kèm 3 giờ chuẩn bị


GS ở nhiều nước chỉ giảng dạy chưa tới 10 giờ/tuần. Ảnh: armcham.org.hk

“Dạy ở ĐH không thể như dạy tiểu học được. Ở Bắc Mỹ, thời gian làm việc chính thức của GS là 35 giờ/tuần nhưng thông thường. Một GS nghiên cứu thường làm việc tới 60, 70 giờ một tuần nhưng họ làm bởi niềm đam mê và trách nhiệm học thuật chứ không đơn thuần là vì trách nhiệm hành chính.” – GS Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, nguyên GS ĐH Laval (Canada) chia sẻ.

Cũng theo GS. Tuệ, để dạy 3, 4 giờ/tuần, GS được tính là làm việc từ 12 đến 16 giờ vì để chuẩn bị cho 1 giờ giảng trên lớp thường mất 3 giờ chuẩn bị. Vì thế, thời lượng giảng dạy trung bình của một GS bình thường ở các trường ĐH Bắc Mỹ vào khoảng 6 đến 8 tiếng một tuần.

Ở châu Âu, thời gian dành cho giảng dạy của mỗi GS cũng rất thấp.

Ông Beate Konze-Thomas, Trưởng phòng Hợp tác chương trình và Cơ sở Hạ tầng Nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Đức than phiền rằng các GS ở Đức lên tới 9 giờ mỗi tuần nên không có nhiều thời gian nghiên cứu do phải dạy quá nhiều so với đồng nghiệp ở các nước châu Âu khác.

Trong khi đó ở Pháp, thời lượng giảng dạy của một GS chính thức chỉ khoảng 3, 4 giờ/tuần.

Rất nhiều GS ở các trường ĐH phương Tây còn được phép tham gia tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài nhà trường với thời lượng lên tới 20% thời gian làm việc nếu các dự án đó mang lại lợi ích cho cả GS và nhà trường.

Ở khu vực châu Á, các GS có xu hướng phải dạy nhiều hơn so với những đồng nghiệp ở Bắc Mỹ và châu Âu.

GS. Sung Lim Ko, Trưởng khoa Cơ khí và Kỹ thuật Hàng không, ĐH Konkuk, ở trường ông, mỗi GS phải dạy ít nhất 15 tín chỉ mỗi năm, tương đương từ 6 đến 9 tiết mỗi tuần. Dạy trên 15 tín chỉ, GS sẽ được trả thêm khoản tiền phụ cấp.

Cũng giống như ở nhiều nước có hệ thống giáo dục phát triển khác, một GS ở Hàn Quốc lên lớp không phải “ôm đồm” nhiều việc như ở Việt Nam. Các GS đều có trợ giảng là các nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ giúp đỡ một số công việc như chấm bài tập, tư vấn SV, hướng dẫn SV thực hành…

Theo quy chế về chế độ làm việc của giảng viên ĐH do Bộ GD-ĐT Việt Nam vừa ban hành, mỗi tuần, mỗi giảng viên làm việc 40 giờ.

Tổng thời gian làm việc bình quân của một người trong năm là 1760 giờ trong đó có 900 giờ giảng dạy được quy đổi.

Dù vậy, hầu như không GS nào nhận dạy thêm giờ vì họ muốn dành thời gian nhiều cho các dự án nghiên cứu để “tăng điểm” trong bảng đánh giá hàng năm nhờ xuất bản các bài báo trên những tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Ở Singapore, theo GS. Paul Teng, Chủ nhiệm Khoa Sau ĐH và Nghiên cứu, Học viện Giáo dục Singapore, thời lượng giảng dạy phụ thuộc phần lớn vào vị trí của giảng viên, đặc biệt là sự phân chia thời gian giữa giảng dạy và nghiên cứu.

Ở một số trường ĐH của Singapore, tỉ lệ nghiên cứu/giảng dạy là 50:50, đồng nghĩa với việc giảng viên phải dành 10 đến 15 giờ mỗi tuần cho giảng dạy. Ở những trường khác, tỉ lệ này là 75/25 thì giảng viên chỉ phải đứng lớp 5 đến 10 giờ/tuần.

Còn ở Thái Lan, giảng viên ĐH thường được yêu cầu giảng từ 15 tới 18 giờ mỗi tuần nhưng sẽ được trả thêm thù lao cho giờ dạy thứ 13 trở đi.

Không "đánh đồng" giữa các giảng viên

Ở nhiều nước trên thế giới, chế độ về thời gian làm việc của giảng viên ĐH  không phải do Bộ Giáo dục quy định mà do chính các trường tự tính toán và cân đối linh hoạt tùy theo nhu cầu và điều kiện của mình.

Sau khi soạn thảo chính sách về chế độ làm việc cho giảng viên, các trường gửi bản dự thảo để lấy ý kiến toàn bộ nhân viên, sau đó điều chỉnh cho phù hợp rồi mới đưa vào thực hiện chính thức.

TS. Mark Aswill, GĐ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam cho biết tùy mỗi loại trường, tùy thuộc vào vị trí, trách nhiệm và ưu tiên trong công việc của giảng viên mà thời gian làm việc được phân bổ khác nhau.

Theo GS Huỳnh Hữu Tuệ thì ở Bắc Mỹ, nếu GS là một nhà nghiên cứu có tiếng thì nhiệm vụ giảng dạy được giảm đi nhiều, chỉ khoảng 0 đến 4 giờ dạy mỗi tuần. Nhưng nếu GS không tiến hành các công trình nghiên cứu thì có thể sẽ phải dạy 2 đến 3 khóa mỗi kỳ, tương đương 12 giờ mỗi tuần.

Ở các trường ĐH hoặc CĐ mà nhiệm vụ chính của GS là giảng dạy thì thời lượng giảng dạy có thể lên tới 12 đến 18 giờ mỗi tuần.

TS. Trương Đăng Khoa, sắp giảng dạy tại ĐH Clemson (Mỹ) cho biết: “Phân bổ tương đối phổ biến về mặt thời gian trong năm học (9 tháng) cho một Phó GS là 45:45:10, có nghĩa là 45% thời gian giảng dạy, 45% thời gian nghiên cứu, và 10% cho các hoạt động khác phục vụ công việc của trường như ngồi trong các hội đồng, tư vấn cho ban lãnh đạo…”


Sĩ số lớp, tính chất môn học… là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới phân bổ thời gian giảng dạy của giảng viên ĐH. Ảnh: một giờ học với sĩ số lớp rất ít ở Singapore.

Tuy nhiên, cũng là 45% dành cho giảng dạy nhưng số tiết dạy của mỗi GS hoặc mỗi môn có thể khác. Nếu phát triển 1 môn học mới thì thời gian dạy ít đi vì được phép dành thời gian để thiết kế và soạn bài. Ngược lại nếu dạy các lớp học cơ bản đã qua nhiều năm thì sẽ dạy nhiều hơn.

Nếu trong năm học phải dạy 3 hoặc 4 môn học khác nhau thì cũng khác với việc dạy cùng 1 môn học cho các lớp khác nhau.

Thậm chí những GS phối hợp tiến hành các dự án nghiên cứu với một số công ty, tổ chức còn phải cam kết dành phần lớn thời gian cho nghiên cứu, cắt giảm thời gian giảng dạy. Chẳng hạn như Viện Y tế Quốc gia Mỹ yêu cầu GS phải dành 75% thời gian làm việc cho nghiên cứu.

ĐH John Hopkins đã từng phải nộp phạt tới 2,6 triệu USD vì các nhà khoa học của trường đã “thổi phồng” sự thật về thời gian dành cho dự án nghiên cứu y khoa của chính phủ.

Ngay ở nước láng giềng của Việt Nam là Malaysia, Trường ĐH Putra Malaysia, quỹ thời gian 35 giờ làm việc/tuần của giảng viên cũng được chia cho 3 hoạt động chính là giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động khác với tỉ lệ khoảng 40:40:20.

Trong đó, thời lượng giảng dạy không chỉ tính bằng thời gian lên lớp mà bao gồm cả các hoạt động liên quan như soạn bài. Các hoạt động này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng SV, cấp độ khóa học, hình thức học và hình thức dạy theo nhóm giảng viên hay cá nhân.

Còn ở Singapore, thời lượng giảng dạy của giảng viên ĐH cũng được tính dựa trên nhiều yếu tố tương tự như cỡ lớp học, số lượng lớp, chuyên ngành của GS và số lượng GS cùng chuyên ngành.

Ở trường ĐH Kỹ thuật Nanyang, một trong 2 trường ĐH nghiên cứu hàng đầu ở đảo quốc sư tử, các GS chỉ phải dành khoảng 130 giờ mỗi năm cho việc giảng dạy. Quỹ thời gian còn lại chủ yếu dành cho nghiên cứu, hướng dẫn SV và nghiên cứu sinh, tham gia phát triển học thuật và quản lý.

Theo một khảo sát năm 2008 ở 71 trường ĐH, CĐ ở Trung Quốc của GS Zhu Longjie (Trường ĐH Tài chính và Kinh tế Nam Ninh) thì có tới 25% GS và PGS không lên lớp giảng dạy cho SV bậc ĐH.

Sắp tới, Bộ GD Trung Quốc sẽ xếp hạng giảng viên dựa theo 13 cấp độ bổ sung ngoài 4 chức danh đang được sử dụng hiện nay bao gồm GS, PGS, giảng viên và trợ giảng.

Dựa vào các mức này, các trường có thể phân chia giảng viên theo hai hướng giảng dạy và nghiên cứu khi xét thưởng để biết được sự đóng góp khác nhau của họ, kế cả khi họ có cùng tước hiệu.

Lan Hương (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)