Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy bơi cho học sinh: Còn lắm nhiêu khê

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học bơi của HS Trường TH Lê Quý Đôn (Q.7) tại hồ bơi Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7)

Thiếu giáo viên (GV) chuyên trách đủ chuẩn về bơi lội là một phần nguyên nhân gây khó khăn trong công tác dạy và học bơi lội tại trường phổ thông. Nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn cho người học.
GV chưa phát huy hết vai trò
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn trách nhiệm dạy bơi và công tác giám hộ cứu đuối học sinh (HS) hiện nay tại các trường đều thuộc về huấn luyện viên (HLV) trực tiếp giảng dạy. Đội ngũ HLV này phần lớn do các trường hợp đồng từ trung tâm TDTT quận/huyện, cũng có thể là HLV của hồ bơi mà trường hợp đồng dạy bơi. Còn GV thể dục của nhà trường không tham gia hoặc nếu có thì chỉ kiêm nhiệm công tác hỗ trợ HLV quan sát HS, nhắc nhở các em mặc quần áo bơi, áo phao, giữ trật tự khi bơi…
Tại Trường TH Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM), do không có hồ bơi nên nhiều năm nay trường hợp đồng với CLB Hồ bơi Kỳ Đồng. Mỗi lần học bơi có trên dưới 20 em tham gia, có một bảo mẫu đi cùng để hỗ trợ HLV của hồ bơi giám sát, nhắc nhở các em. Thầy Lê Thanh Long, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “HLV của hồ bơi không chỉ có kinh nghiệm, kỹ năng dạy bơi mà còn có kỹ năng giám hộ, cứu đuối chuyên nghiệp. Điều này được chúng tôi kiểm duyệt trước khi hợp đồng”.
Dù có hồ bơi riêng nhưng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cũng hợp đồng với HLV của Trung tâm TDTT Q.4 về dạy. GV thể dục trong trường chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát HS. Theo thầy Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng nhà trường, công tác dạy bơi không chỉ đảm bảo chuyên môn mà còn đề cao yếu tố an toàn. HLV chuyên về bơi lội của Trung tâm TDTT là những người dày dặn kinh nghiệm này.
Trong công tác phổ cập bơi lội, điều kiện tiên quyết là phải có hồ bơi và GV đủ kinh nghiệm dạy, giám hộ, cứu đuối. Nhưng đây lại là khó khăn lớn mà các trường gặp phải hiện nay. Vì thế có thể hiểu lí do tại sao các trường đều tin tưởng, giao trách nhiệm cho các HLV ngoài nhà trường. Điều này thật đáng tiếc bởi đội ngũ GV thể dục ở các trường chưa phát huy được hết khả năng chuyên môn của mình.
Đề cao trách nhiệm người dạy
Trong văn bản “Về chấn chỉnh công tác tổ chức các hoạt động dạy – học môn bơi lội tại các trường trên địa bàn thành phố”, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu đối với mỗi HS chưa biết bơi, khi tiếp nước buộc phải có một GV hướng dẫn trực tiếp, tránh tình trạng GV chỉ hướng dẫn kỹ thuật sau đó cho hàng loạt HS tiếp nước nhưng không kiểm soát hết. Điều này một lần nữa thể hiện tính nghiêm ngặt trong yếu tố đảm bảo an toàn cho người học. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường vẫn lo lắng. Cô Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho biết: “Yêu cầu mà Sở GD-ĐT đề ra một phần nhắc nhở các trường phải đề cao tính an toàn cho HS. Nhưng trên thực tế, HS đông, người dạy ít khiến chúng tôi lo lắng. Khi cho HS xuống nước, ngoài việc kèm cặp HS chưa biết bơi thì GV còn phải để ý tích cực đến nhóm HS đã biết bơi. Vì các em này rất thích đùa nghịch. Nếu GV lơ là, sơ ý là khó tránh tai nạn xảy ra. Do đó, vai trò của GV thể dục nặng nề hơn”. Cô Hồng Loan cho biết thêm: “Theo yêu cầu, sau một học kỳ (12 tiết học), HS phải nắm được những kỹ năng tiếp nước và biết bơi ít nhất một kiểu cơ bản. Tại hồ bơi Trường THCS Trần Văn Ơn, thông thường sẽ có một lớp học, nếu đông thì tăng lên hai lớp với khoảng 90 HS/tiết. Và một buổi sáng sẽ có 3 lượt học. Tất cả dưới sự hướng dẫn kèm cặp của 7 HLV, GV. Tính ra, trung bình hai người lớn kèm 15-20 em. Như vậy, để đảm bảo yêu cầu dạy bơi an toàn, hiệu quả phải có thêm nhiều HLV, GV, thậm chí là thời gian”.
Thầy Trần Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (Q.2), cho biết: “Không thể phủ nhận hiện nay đội ngũ GV dạy bơi còn thiếu nhiều. Chưa kể, hiện công việc của đội ngũ này rất nhiều và khá vất vả. Không chỉ hoàn thành số tiết trên lớp mà còn tham gia tổ chức các hoạt động của trường”.
Để giải quyết những khó khăn trên, cũng như giúp công tác dạy – học bơi được hiệu quả, an toàn, cô Hồng Loan đề nghị: Đội ngũ giảng dạy phải có sự phối hợp, đề cao trách nhiệm dạy, giám hộ. Các trường cần tạo điều kiện cho GV thể dục tham gia học thêm các kỹ năng chuyên sâu trong công tác dạy bơi để có thể phát huy chuyên môn…”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)