Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh: Mô hình cần được nhân rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Trong đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 của Bộ GD-ĐT, việc giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh là một trong những mục tiêu trọng điểm, vấn đề này đã được nhiều trường THPT chuyên mổ xẻ tại hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 4-2011.
Tại TP.HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường thực hiện chương trình dạy các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh đầu tiên trong cả nước. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện đề án phát triển hệ thống trường chuyên THPT giai đoạn 2010-2020.
1. Ông Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết việc dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh được nhà trường duy trì thực hiện trong bốn năm nay và được rất nhiều phụ huynh, học sinh (HS) ủng hộ. Phần lớn HS trong trường đều có nhu cầu học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh để tìm tòi các tài liệu, đề thi từ internet hay du học tại các nước phát triển… Chương trình của trường được xây dựng nhằm giúp HS nắm vững các thuật ngữ tiếng Anh trong các bộ môn, trang bị cho các em những kỹ năng tự tham khảo tài liệu bằng ngôn ngữ toàn cầu. Ngoài ra, chương trình dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh còn bổ sung thêm các nội dung trong chương trình toán, lý, hóa của các nước nói tiếng Anh mà Việt Nam chưa có. Hiện trường có 10 giáo viên (GV) được bồi dưỡng để có thể đảm nhận giảng dạy các môn toán, lý, hóa, sinh bằng tiếng Anh. Có 6 lớp với 180 HS được dạy tăng cường tiếng Anh, số tiết học mỗi môn (toán, lý, hóa) là hai tiết/tuần. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường chủ động phát huy tính tự học hỏi và sáng tạo của HS, rèn luyện cho các em kỹ năng tự tham khảo tài liệu. Mỗi HS đều được phát tài liệu từ trước tự tìm hiểu và tra từ để chuẩn bị bài khi lên lớp. Trong quá trình dạy, nếu có những thuật ngữ hoặc thắc mắc, băn khoăn về từ ngữ mà HS không hiểu, GV bộ môn sẽ cắt nghĩa, phân tích thêm cho các em hiểu rõ.
2. Để có thể thực hiện được chương trình này, nhà trường đã lên kế hoạch bồi dưỡng và phát triển đội ngũ GV bộ môn có khả năng đảm nhiệm việc giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc tế. Những GV được lựa chọn phải thực sự có chuyên môn vững vàng và yêu thích việc dạy học bằng tiếng Anh. Ngoài ra, GV tham gia đề án còn phải có kỹ năng tiếng Anh tốt để đảm bảo truyền đạt kiến thức tốt nhất cho HS. Nhà trường luôn khuyến khích GV tự bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ thông qua các khóa học tiếng Anh chương trình quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC… Ngoài ra, các GV này còn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh trong trường, giúp đỡ nhau về chuyên môn, nghiệp vụ để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình truyền đạt kiến thức cho HS. Bên cạnh đó, nhà trường còn có một số cơ chế đặc thù để khuyến khích đối với những GV tham gia chương trình này. Trường đã mời GV nước ngoài đến bồi dưỡng và thu âm cách đọc giáo trình của họ để GV tự đối chiếu cách đọc của mình. Các GV tham gia chương trình thí điểm này sẽ được ưu tiên học các khóa đào tạo ở nước ngoài, tham gia các hội thảo về phương pháp giảng dạy trong nước và quốc tế; tham gia chương trình Teacher Ambassador Program của ĐH Queensland (Úc) để bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy bằng tiếng Anh cho GV.
3. Đối với giáo trình, do chưa có quy định cụ thể nên ban đầu nhà trường chủ động lấy chương trình của Bộ GD-ĐT từ sách giáo khoa rồi dịch ra tiếng Anh. Sau đó, do thấy không đạt được kết quả như mong muốn nên một số GV đã tìm các giáo trình bộ môn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, chương trình của nước ngoài khác với chương trình Việt Nam nên nhà trường đã chủ trương tìm những bài có nội dung tương tự với chương trình học trong sách giáo khoa và biên tập lại. Việc kiểm định chất lượng dạy và học do chương trình ICAS (một chương trình kiểm định mang tính quốc tế của ĐH New South Wales, Úc) thực hiện. Ngoài ra, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn liên kết với lớp chuyên toán của Trường ĐH KHTN Hà Nội trên nguyên tắc cả hai bên cùng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cho nhau. Hiện tại, trường có 4 GV môn toán, 2 GV môn lý, 2 GV môn hóa và 2 GV môn sinh đảm nhiệm việc giảng dạy chương trình này.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Do phải đảm nhận việc dạy học bằng ngoại ngữ nên mỗi GV đều “gánh” trách nhiệm rất lớn. Ngoài áp lực phải đảm bảo chất lượng việc học của HS, mỗi GV còn phải tự mình biên dịch, biên soạn tài liệu sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của các em và chương trình giáo dục chung của Bộ GD-ĐT.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)