Học văn là học làm người, là bồi bổ tâm hồn chứ đâu phải hàng đầu là kiến thức. Văn là môn mang đầy cảm hứng chủ quan, sáng tạo cá nhân còn thế, huống chi các môn khác, tình trạng học để thi, học đối phó còn đến đâu. Lắm em mang tấm bằng thạc sĩ mà bề dày văn hóa nói chung, kiến thức chuyên môn nói riêng không hơn một học sinh phổ thông là vậy.
Như thường lệ, sau Ngày Quốc khánh là ngày chính thức khai giảng năm học mới, ngày hội đưa con em đến trường. Bao lo toan, bao náo nức, bao dự định tương lai trong những ngày này và đó sẽ là kỷ niệm khó quên trong một đời người.
Về giáo dục, đã có nhiều lời bàn. Tôi chỉ muốn nói đến một kỷ niệm của cuộc đời mình, đó là buổi đầu tiên đặt chân đến giảng đường đại học, một thầy giáo khả kính của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi đó đã nói với chúng tôi về ngôi trường mà chúng tôi vừa bước vào. Thầy nói: “Trong một đời người, kiến thức do nhà trường truyền thụ chỉ 1/4, còn lại các em phải tự tìm trong cuộc sống. Các thầy, cô giáo chúng tôi không phải là những nhà thông thái, càng không phải là phù thủy, cái gì cũng biết. Chúng tôi cũng chỉ như các em. Có điều sinh ra trước nên biết trước một chút. Vì vậy, điều chúng tôi truyền thụ, các em đừng chú ý nhiều đến kiến thức, những kiến thức ấy, trước sau các em cũng có. Điều các em cần được học ở trường này, đó là cách nghĩ, cách sống. Điều chúng tôi cần ở các em, chính là sự ham học".
Bài "diễn văn" chào mừng của thầy ở hành lang giảng đường ngắn gọn chỉ có thế (khác với bài diễn văn của thầy hiệu trưởng đang đọc trên bục cao), nhưng sau 40 năm chúng tôi còn nhớ. Không chỉ nhớ, mà càng ngày chúng tôi càng thấy đúng. Không chỉ đúng, càng ngày nó càng chứng tỏ là triết lý giáo dục căn bản nhất, không chỉ của riêng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà cho tất cả mọi nhà trường, không chỉ xưa mà cho cả ngày nay.
Nhân ngày khai giảng năm học mới năm nay, với tư cách là một người cũng đã từng học tiểu học, tôi chỉ muốn chia sẻ về câu nói của thầy giáo chúng tôi thôi, đó là sự ham học.
Ham học, đời nào cũng có. Những tấm gương đốt lá đa, cho đom đóm vào vỏ trứng làm đèn để học, còn sáng mãi đến ngày nay. Hằng năm, đều có những hội nghị biểu dương tiên tiến, những cuộc trao học bổng, trao phần thưởng về gương học tập. Nhưng nói thật lòng, trẻ em ngày nay không ham học bằng ngày xưa, không hướng tới sự thực học bằng ngày xưa.
Ngày xưa, tôi chỉ nói ngày xưa cách đây vài chục năm và cũng không phải là thứ "ngày xưa" trong mắt người cao tuổi luôn hướng về quá khứ. Ngày xưa mà tôi nói là khi nền giáo dục của ta chưa bị tác động của thị trường, của bệnh sính bằng cấp, của thói không đánh giá con người bằng thực chất. Ngày xưa ấy, trẻ em mơ được đến trường, đến trường rồi thì mơ học giỏi, học giỏi rồi thì mơ giỏi nữa, vượt lên khỏi những yêu cầu của nhà trường.
Tôi có một anh bạn học Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh ta không xem phim, không về quê, không yêu đương để… làm toán. Mỗi ngày, không làm xong khoảng 150 bài tập toán, anh ta không chịu được. Cũng như thế, một anh bạn bên Khoa Văn. Chỉ sau vài tháng vào trường, anh ta đã ngốn hết hầu hết các sách trong thư viện khoa hồi bấy giờ. Chưa hết, anh ta còn làm quen được với cô nhân viên của hiệu sách nhân dân huyện, vừa mua vừa mượn, cũng sau vài tháng, hiệu sách chỉ có ý nghĩa khi có đợt sách mới về. Anh ta còn lùng được những cuốn sách "quốc cấm" hồi đó như "Thi nhân Việt Nam" bản in rônêô ở nhà thầy Hoàng Như Mai; bản dịch "Tội ác và trừng phạt" của Đốtxtôiépxki mới đánh máy do thầy Cao Xuân Hạo dịch.
Sau này, tôi còn biết anh đọc hết cả cuốn sách dày cộp về các giống lúa của nhà nông học Bùi Huy Đáp trong hầm tránh bom ở Hà Tĩnh, hồi chiến tranh phá hoại. Chính vì thế, khi trở thành nhà văn, anh bạn tôi có đủ kiến thức vững vàng về văn học trên các trang sáng tác, nghiên cứu, phê bình hay ngay trong các cuộc nhàn đàm. Cùng với anh ta, còn nhiều người như thế. Có lẽ vì điều được đào tạo chủ yếu không phải là những kiến thức cụ thể, nay mới mai cũ mà là cách nghĩ, cách sống đúng; một vốn văn hóa dày dặn nên lớp học sinh chúng tôi, hầu như ai cũng làm tròn nhiệm vụ của mình ở những công việc rất khác nhau, được phân công về đâu, làm gì cũng không bỡ ngỡ từ làm chính trị ở đỉnh cao thành đạt lẫn nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, kể cả làm nhà kinh doanh, nhà kỹ thuật nữa.
Còn bây giờ thì sao? Tôi rất buồn khi phải tin rằng nhiều thanh niên bây giờ rất cần đi học, rất cần học lên càng cao càng tốt nhưng chủ yếu vì cái bằng, bằng càng cao càng dễ tìm việc làm, càng có lương thưởng cao chứ không vì thực học, vì rèn luyện để làm người tốt, người có ích. Không dám lạm bàn sang lĩnh vực khác, chỉ trong lĩnh vực văn học thôi, rất hiếm sinh viên Khoa Văn bây giờ chịu khó đọc hết một bộ tiểu thuyết cổ điển, chẳng hạn như Những người khốn khổ, Chiến tranh và hoà bình, Sông Đông êm đềm; Chuông nguyện hồn ai; Chùm nho nổi giận… thậm chí truyện của các tác giả Việt Nam nổi tiếng, có trong chương trình trung học, cần phải đọc để thi như trích đoạn truyện vừa Tắt đèn, Những ngày thơ ấu, truyện ngắn Chí Phèo, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
Lạ nhất là học thế nhưng các em vẫn đi thi và nhiều em đã trúng tuyển. Hỏi ra mới biết, tuy không đọc tác phẩm nhưng các em đọc kỹ các trích đoạn trong sách giáo khoa, các câu trích trong sách tham khảo. Thậm chí, như thế còn hơi nhiều. Muốn thi đỗ, chỉ cần "phao thi" mang vào phòng thi, nếu cẩn thận hơn, không mang "phao" vào phòng thi thì thuộc vài đoạn trong ấy là đủ. Có chê trách thì các em gạt phắt, thời bây giờ kiến thức bộn bề, làm sao học theo kiểu cũ được. Hơn nữa, đã có máy tính nhớ thay bộ óc, cần gì đã có Internet. Các em nói thế vì coi văn cũng chỉ là môn học kiến thức như bao môn khác, học cốt để thi.
Thực ra, học văn là học làm người, là bồi bổ tâm hồn chứ đâu phải hàng đầu là kiến thức. Văn là môn mang đầy cảm hứng chủ quan, sáng tạo cá nhân còn thế, huống chi các môn khác, tình trạng học để thi, học đối phó còn đến đâu. Lắm em mang tấm bằng thạc sĩ mà bề dày văn hóa nói chung, kiến thức chuyên môn nói riêng không hơn một học sinh phổ thông là vậy.
Lỗi ấy ở đâu ra? Không thể bỏ qua lỗi của người lớn, lỗi của ngành Giáo dục. Tuy thế, cũng nên khách quan mà nhìn thẳng vào tâm lý lớp trẻ ngày nay, không say mê với thực học, học là để có việc làm, có nhiều tiền. Cho nên một kỳ thi tuyển, mấy nghìn điểm "không" môn sử. Cho nên người thi vào các ngành khoa học xã hội (ngành phải suy luận, phải mang dấu ấn cá nhân) cứ ít dần. Một thực trạng như vậy, không giải quyết từ căn gốc xã hội mà chỉ chú ý đến cải cách này nọ trong phạm vi nhà trường, khó thay
PGS.TS Vũ Duy Thông
Theo CAND
Bình luận (0)