Người GV hãy gieo một ngôn ngữ đẹp để gặt được ở HS một hành động đúng. Ảnh: V.Yên
|
Nghe câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp là giáo viên (GV) dạy toán tại một trường THPT ở Bình Dương, tôi không khỏi chạnh lòng…
Câu chuyện kể rằng: Trong buổi sơ kết học kỳ I của năm học vừa qua, hiệu trưởng phát biểu ý kiến xoay quanh vấn đề giáo dục đạo đức học sinh (HS), bởi hiện tượng bạo lực học đường, vô cảm đang là điểm nóng trong thời gian qua. Trong lời phát biểu, hiệu trưởng nhấn mạnh: “Các GV chủ nhiệm và GV bộ môn cần chú ý trong việc hình thành đạo đức, lối sống đẹp cho các em HS thông qua mọi hình thức từ giảng dạy đến sinh hoạt tập trung…”. Anh bạn đồng nghiệp của tôi tỏ ra không tán thành. Tôi có hỏi lại vì sao không tán thành, thì anh nói: “Việc hình thành đạo đức, lối sống đẹp của HS chủ yếu là nhiệm vụ của GV chủ nhiệm lớp và GV dạy môn giáo dục công dân, còn với GV dạy toán như tôi thì đâu phải nhiệm vụ chính. Thực tế, trong quá trình dạy đảm bảo nội dung đúng chuyên môn, HS nắm vững kiến thức và kỹ năng thực hành là quá tốt. Thời lượng giảng bài mới, luyện tập củng cố như thế là vừa đủ. Với lại, trước đây tôi có lồng ghép việc giáo dục đạo đức kiểu “Các em phải biết cẩn trọng trong công việc vì “sai con toán, bán con trâu”… Song, tôi thấy như thế sáo rỗng, khô khan sao ấy!”.
Nghe xong câu chuyện, với tư cách là người đã từng dạy môn giáo dục công dân, tôi không nhất trí và đã khẳng định thêm ý kiến: “Anh có biết GV chủ nhiệm cũng trăm công ngàn việc chứ đâu phải lúc nào cũng chỉ để làm việc giáo dục đạo đức, lối sống đẹp cho HS. Còn GV giảng dạy giáo dục công dân thì theo quan niệm chung của HS cũng chỉ là môn phụ, hơn nữa thời lượng cũng không nhiều, mỗi tuần chỉ 1-2 tiết (lớp 10, mỗi tuần chỉ được học 1 tiết). Đã là GV thì dạy chữ phải đi đôi với dạy người chứ!”. Tỏ ra không nhất trí với ý kiến của tôi, anh bạn nhấn mạnh: “Chị đã từng đi học và đi dạy rồi sao mà lý thuyết suông thế! Chị có thấy mấy khi thầy cô dạy chuyên ngành mà chú ý đến cái khác không? Thế có khi là cháy giáo án, mà còn bị lãnh đạo đánh giá là dạy không đúng trọng tâm, trọng điểm…”.
Nghe đến đây, tôi thực sự buồn với cách nghĩ của đồng nghiệp, không biết đó là sự biện hộ hay cố ý phủ nhận trách nhiệm của mình. Rồi đến cô bạn tôi dạy môn địa lý cùng trường cũng hưởng ứng: “Việc giáo dục đạo đức, lối sống HS thông qua môn học này đúng là không khó nhưng định hướng về mặt chính trị, tư tưởng thì lại không dễ, có thể dễ mang tính giáo điều bị nhàm chán, HS mất hứng thú. Chẳng lẽ, khi nào giảng hết bài, tôi lại lên lớp với HS rằng: Các em phải cố gắng học tập để sau này góp phần vào việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ giàu đẹp của đất nước ta”. Trong khi đó anh bạn dạy môn hóa học cũng phân trần: “Tôi dạy hóa học nên luôn nghĩ đến việc làm sao có phương pháp dạy thật hay để truyền cảm hứng cho HS. Tuy nhiên, tôi vẫn thừa nhận rằng lồng ghép việc giáo dục đạo đức và lối sống trong sáng cho các em trong khi dạy chuyên môn của mình là quá khó”.
Quả thực, nếu chỉ hiểu một cách đơn thuần thì công việc này rất khó nhưng không phải là không làm được, bởi đã là người thầy thì phải biết dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, dạy học vừa khoa học cũng là nghệ thuật là vậy. Trên thực tế, nhiều GV ở trường phổ thông làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Nhiệm vụ của người GV là dạy HS tìm tòi, khám phá chân lý khoa học nhưng đồng thời cũng hình thành và phát triển những giá trị nhân văn ở người học. |
Câu nói “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn nguyên giá trị. Bất kể người GV nào cũng cần hiểu triết lý này. Dù giảng dạy khoa học nào cũng vậy, cấp học nào cũng thế, cái quan trọng nhất phải kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, giữa trang bị kiến thức với trau dồi đạo đức, lối sống, nhân cách… cho người học. Nhiệm vụ của người GV là dạy HS tìm tòi, khám phá chân lý khoa học nhưng đồng thời cũng hình thành và phát triển những giá trị nhân văn ở người học. Ngày nay, vẫn còn một số thầy cô giáo có vẻ kiến thức uyên thâm nhưng lại dùng từ ngữ truyền thụ một cách máy móc, tùy tiện… đã vô hình trung xúc phạm đến nhân cách người học, hạ thấp uy tín người thầy. Một lời nói truyền cảm xúc, dễ hiểu, dễ nghe có tác dụng thẩm thấu sâu sắc trong tâm hồn người nghe. Một cử chỉ, một ánh mắt, nụ cười thiện cảm đều có giá trị giáo dục sâu sắc. Vậy mà, có không ít GV cứ vào lớp học là mặt mày lừ lừ để tạo uy quyền. HS vì sợ mà tiếp thu bài nên không khí lớp học càng căng thẳng. Những kiến thức bị truyền đi bởi những thứ ngôn ngữ “khô khan” thì HS khó mà lĩnh hội được. Như thế, là thể hiện sự nghèo nàn về ngôn ngữ cũng như phong cách sư phạm của người thầy. Đó là biện minh cho cách giảng tầm thường, làm cho xong nhiệm vụ, chứ không phải là vì HS thân yêu.
Là GV, chúng ta hãy nên gieo một ngôn ngữ đẹp để gặt được ở HS một hành động đúng, gieo một thói quen hay để gặt một tính cách tốt ở người học.
Phạm Phương (Đồng Nai)
Một GV dạy môn vật lý tại một trường phổ thông ở TP.HCM (bạn của người viết) tâm niệm rằng: “Đạo đức không chỉ nằm trong nội dung bài học mà còn thể hiện trong phương pháp truyền đạt của GV”. Vì thế, bài giảng của anh rất cuốn hút HS, anh không chỉ giúp các em hiểu sâu sắc nội dung mà còn khơi dậy niềm đam mê học tập, yêu thích môn học…
|
Bình luận (0)