Có thể nói rằng trong thời điểm hiện nay, việc giáo dục con cái đã trở thành nỗi lo của không ít bậc phụ huynh. Làm thế nào để con mình có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhưng cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần là một trăn trở khá đặc biệt của nhiều bậc cha mẹ.
Dạy con khó quá!
Không ít phụ huynh vẫn cho rằng mình không thể hiểu con và dạy con. Điều này không có gì khó hiểu khi mà những sự đổi thay của xã hội cứ liên tục diễn ra, tác động không nhỏ đến tâm lý của con trẻ. Bên cạnh đó, còn là sự dậy thì sớm, cái tôi quẫy đạp của con trẻ cũng như những diễn biến tâm lý “bất thường” của con cái đã thôi thúc không ít phụ huynh thốt lên rằng: “Dạy con khó quá”!
Trường hợp của chị Anh Thư – (quận Tân Bình, TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Vốn là một người làm kinh doanh, đi công tác liên tục nên chị cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến con mình. Nhưng một hôm về nhà sớm, chị tình cờ nghe được cuộc nói chuyện điện thoại của con mình với bạn khiến chị sững sờ: “Mình rất hận ba mẹ mình, mình không muốn sống trong ngôi nhà này nữa. Không ai lo lắng và quan tâm đến mình một cách thực sự. Tất cả đều là giả dối… Hình như mọi người đều sống vì mục đích của riêng mình. Sao có thể mắng chửi nhau rồi giả vờ yêu thương nhau nhỉ?”.
Chị trần tình một cách chân thực rằng, thực ra chị và anh nhà cũng có cãi vã nhau nhưng khi con cái hỏi thì chị phải nói rằng mọi chuyện không có gì cả. Thời gian chị quan tâm cho con thì cũng không nhiều, mỗi tuần chị phải ra khỏi nhà vào lúc 7 giờ sáng và quay trở về khi gần 9-10 giờ khuya… Chị bảo rằng tiền cho con ăn sáng, ăn trưa không thiếu, tiền học thì lúc nào cũng đầy đủ, con cái muốn gì chị đáp ứng ngay. Chị nói như mếu: “Không biết con tôi còn đòi hỏi gì nữa ở tôi mà lại nói ra những lời như thế…”.
Có thể nhận thấy, trẻ con ngày nay hết sức nhạy cảm. Với những thay đổi trong gia đình hoặc những mâu thuẫn và xung đột, trẻ con rất dễ dàng nhận ra và muốn mình thực sự là một thành viên được biết, hiểu và cùng giải quyết.
Đó là một nhu cầu rất thiết thực và chính đáng. Mặt khác, vì sao dạy con thật khó thì câu trả lời không còn thoắt ẩn thoắt hiện khi trẻ con có nhiều nhu cầu mà chính cha mẹ cũng cần phải tìm hiểu.
Trẻ em không chỉ cần ăn no, mặc ấm, không chỉ cần được đến trường mà còn đòi hỏi được vui chơi cùng bè bạn. Trẻ cũng mong muốn mình được quan tâm thực sự bởi cả cha, lẫn mẹ và sự quan tâm ấy không chỉ trên bình diện lý thuyết mà phải là thực tiễn. Dường như nhiều bậc cha mẹ “chỉ có tìm mà chưa chịu hiểu”?
Dạy con cần phải học
Thực tế chăm sóc và giáo dục con cái cho thấy các bậc cha mẹ cần phải quan tâm đến con mình một cách đích thực.
Điều đó chỉ thực sự hiệu quả khi chính các bậc cha mẹ phải tìm cho mình những cách thức phù hợp. Việc đó không chỉ đòi hỏi có tình thương mà còn là trách nhiệm, việc đó không chỉ đòi hỏi có kỷ cương mà phải có phương pháp…
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc giáo dục con là một trong những khóa học thực sự được các bậc cha mẹ trẻ quan tâm. Trong cuộc sống của mỗi cá nhân, sau khi bước ra từ giảng đường hay thực sự trưởng thành từ nghề nghiệp, nếu như trước khi kết hôn – khóa học tiền hôn nhân là hành trang quan trọng thì sau khi kết hôn để chuẩn bị có con hoặc chào đón đứa con đầu lòng thì các bậc cha mẹ phải học khóa huấn luyện kỹ năng làm cha mẹ với những nội dung đầy đặn và hệ thống…
Đơn cử như trường hợp của anh Đ.P. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dắt con mình đi ăn trong một buổi họp khá đông người. Anh chăm sóc con mình một cách rất chu đáo và gắp từng món ăn cho cháu.
Đến món thứ ba, cháu tỏ vẻ không thích thú nên lắc đầu. Anh vẫn từ tốn bón vào chén cháu và bảo rằng ăn một tí cho biết. Không hiểu sao cháu lại hét lên và giậm chân thình thịch: “Đã bảo không ăn mà cứ gắp là sao?”.
Dạy con là một kỹ năng và đỉnh cao của nó là một nghệ thuật vậy thì không có cớ gì không bắt đầu từ việc rèn luyện những kỹ năng giản đơn nhưng đầy thách thức để hiểu và dạy con nên người. |
Sắc mặt thay đổi một cách trầm trọng nhưng anh vẫn cố gắng nhỏ nhẹ: “Con không ăn thì thôi vậy”. Cháu vẫn chưa chịu và hét toáng lên ngay buổi tiệc: “Thì gắp ra giùm chứ sao để trong chén người ta…”. Đến lúc này, mọi người xung quanh đều lắc đầu thở dài ngao ngán khi thấy anh kiên nhẫn gắp món ăn ra khỏi chén của cháu để cho vào chén của mình trong lặng lẽ…
Rõ ràng là dạy con không chỉ được thực hiện bằng bản năng hay bằng kinh nghiệm mà nhất thiết cần phải được thực hiện bằng những phương pháp cụ thể và hợp lý. Từ việc tìm hiểu nhu cầu của con hay thấu hiểu tâm lý của con cũng đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có kỹ năng đích thực.
Làm thế nào để hiểu con mà không làm con có cảm giác đang bị dò xét hay kiểm tra quá gắt gao. Làm thế nào không cần vi phạm bí mật của con trẻ như xem nhật ký, đọc lén tin nhắn trên điện thoại hay Facebook, Zalo mà vẫn có thể hiểu con?
Sẽ không sao có được nếu như không rèn luyện kỹ năng thấu hiểu và làm bạn với con. Đó còn chưa kể đến việc phải theo dõi từng bước đi hay từng sự thay đổi của con mình trong đời sống giới tính để rồi đủ can đảm và đủ “chuyên môn” để nói với con về sự thay đổi của cơ thể, về sự dậy thì…
Không những thế, việc khen ngợi con như thế nào cho hiệu quả, hướng nghiệp cùng con dựa trên sự độc lập của con mà không phải là cha mẹ áp đặt… Những điều này là những hành trang cực kỳ cần thiết đối với những bậc làm cha làm mẹ trong cuộc sống hiện đại hôm nay…
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)