Nghe là một “kênh” tiếp nhận thông tin quan trọng, đó cũng chính là nguồn cung cấp cho trẻ những tri thức mới mẻ, phong phú, đồng thời kích thích lòng ham hiểu biết cho trẻ. Muốn làm được điều đó, cha mẹ có thể rèn luyện kỹ năng nghe để trẻ có khả năng tập trung chú ý.
Trẻ nói leo
Tình huống của chị Hoa (Q.2, TP.HCM) là một điển hình. Cô giáo chủ nhiệm phê bình con gái 10 tuổi của chị Hoa do cháu không biết lắng nghe ý kiến người khác, hay nói leo trong lớp khiến chị không khỏi băn khoăn. Chị bộc bạch: “Gì chứ cái tội nói leo của con bé thì tôi đã nhiều lần bực mình và thậm chí có tình huống phải bó tay”.
Không ít phụ huynh cũng rơi vào tình huống tương tự. Con cái họ, nhất là ở lứa tuổi lên 4 đến 14, 15 vẫn không biết lắng nghe hay cắt ngang lời người khác khi tham gia chuyện người lớn. Điều đó khiến phụ huynh phải xấu hổ, mất mặt với khách khi trẻ cứ thơ ngây xen vào chuyện của người lớn, nhưng họ không biết phải bằng cách nào để trị chứng nói leo của con. Khá nhiều bậc phụ huynh rất ngạc nhiên khi biết rằng bệnh ngắt lời người khác của con trong quá trình giao tiếp phần nhiều lại là do cách giáo dục của cha mẹ chưa hợp lý.
Các bậc phụ huynh cần chú ý để rèn luyện kỹ năng lắng nghe cho trẻ. Ảnh: T.N |
Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, nhiều khi trẻ nói leo, cắt ngang câu chuyện của người lớn nhưng không nhận biết được đó là một hành vi xấu và do chưa được rèn kỹ năng lắng nghe. Có nhiều trẻ nghĩ rằng nói leo là cách để khẳng định sự có mặt của mình. Vì thế, khi rơi vào tình huống này, cha mẹ cần phải bình tĩnh, không được mắng mỏ, đánh đập trẻ trước nhiều người vì sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của bé. Một kinh nghiệm “xương máu” trong giáo dục trẻ không nói leo là các bậc cha mẹ hãy hình thành kỹ năng lắng nghe cho con. Lắng nghe là một kỹ năng, có nghĩa là không tự nhiên có được, mà cần phải luyện tập thường xuyên mới hình thành được. Nhưng thực tế, chúng ta dành nhiều thời gian cho việc học nói, học đọc, học viết, còn rất ít được dạy và rèn luyện cách lắng nghe. Trong quá trình giao tiếp giữa các trẻ với nhau, thường diễn ra hiện tượng “cả hai cùng nói” hay “tranh nhau nói”… nên trẻ khó hiểu được nhau, mối quan hệ giữa các trẻ vì thế khá lỏng lẻo hời hợt. Điều này sẽ cản trở việc thiết lập các mối quan hệ xã hội sau này của trẻ.
Rèn những kỹ năng lắng nghe cần thiết
Các bậc phụ huynh cần chú ý rèn luyện cho trẻ một số kỹ năng cụ thể sau đây:
Kỹ năng tạo không khí bình đẳng, cởi mở: Trong quá trình giao tiếp với con cái ở nhà, cha mẹ cần khéo léo chỉ cho con thấy trong mối quan hệ nào thì xác định khoảng cách giữa mình với người đối thoại, tư thế, tác phong, điệu bộ… cho phù hợp. Chẳng hạn, nếu trẻ nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình thì phải giữ một khoảng cách vừa phải đủ để nói cho hai người cùng nghe rõ nội dung, không được đút tay túi quần, mắt nhìn đi chỗ khác… Vì đó là những biểu hiện của thái độ không muốn tham gia, thiếu lịch thiệp trong giao tiếp. Ngược lại nói chuyện với các bạn cùng tuổi thì có thể thoải mái hơn.
Kỹ năng bộc lộ sự quan tâm: Cũng qua tư thế, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ gật gù của mình, trẻ có thể biểu hiện sự quan tâm, lắng nghe đến người đối thoại và lời nói của họ. Chẳng hạn như ánh mắt nhìn một cách nhẹ nhàng, chân thật, bao quát toàn bộ người đối diện sẽ khiến họ tự tin hơn.
Kỹ năng gợi mở: Muốn nghe được nhiều, bạn cần giúp trẻ biết cách khuyến khích người đối thoại trút bầu tâm sự bằng một số thủ thuật: Tìm hiểu kỹ và luôn tỏ ra am hiểu chủ đề được nói; phản hồi một cách thích hợp bằng lời và cả điệu bộ; thỉnh thoảng đặt câu hỏi và im lặng lắng nghe một cách quan tâm…
Kỹ năng phản hồi lại: Sau khi nghe người đối thoại trình bày một vấn đề nào đó, bạn có thể yêu cầu trẻ diễn đạt lại nội dung đó theo cách hiểu của mình. Việc phản hồi lại như thế vừa giúp cho người đối thoại biết mình đã hiểu vấn đề như thế nào, có cần giải thích, bổ sung, đính chính gì không, vừa cho họ thấy nội dung họ nói có ý nghĩa rất lớn và đã được chú ý lắng nghe như thế nào. Đó chính là động lực giúp người đối thoại có hứng thú hơn khi giao tiếp.
Hình thành cho trẻ kỹ năng lắng nghe người khác nói là một quá trình, đó cũng là bài học lễ phép trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Ngay cả khi chỉ có bạn và bé, hãy dạy trẻ biết kiên nhẫn lắng nghe người khác nói hết ý câu chuyện mới đưa ra ý kiến của mình. Dần dần, bạn sẽ hình thành cho con những kỹ năng giao tiếp cần thiết trong cuộc sống.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học -Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)