Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con ở nhà một mình

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu để trẻ ở nhà một mình, người lớn cần trang bị tốt những kỹ năng cần thiết 

Con cái luôn cần được gần gũi với cha mẹ, tuy nhiên vì công việc không phải lúc nào cha mẹ cũng ở nhà thường xuyên với con trẻ. Vì thế, dạy con biết ở nhà một cách an toàn cũng là yêu cầu cần thiết đối với các ông bố bà mẹ trẻ.

Nguy cơ luôn rình rập

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM), tốt nhất là hạn chế tối đa để không cho trẻ ở nhà một mình vì có nhiều nguy cơ không thể biết trước nhất là đứa bé còn quá nhỏ. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác, có nhiều trẻ chỉ mới 4, 5 tuổi nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc mà cha mẹ đành “nhắm mắt đưa chân” để con tự trông nhà. Cũng vì lo lắng những điều xấu có thể xảy ra như đứa trẻ bỏ đi chơi khỏi nhà, người lạ đột nhập vào nên cha mẹ phải nhốt chúng bằng những ổ khóa chắc chắn. Tuy nhiên, họ không biết đây là điều vô cùng nguy hiểm nhất là khi có hỏa hoạn bất ngờ xảy ra. Thực tế cũng đã có những vụ án đau lòng khi trẻ ở nhà một mình xảy ra như lừa dối để cướp tài sản, bắt cóc và nguy hại hơn là hãm hiếp và giết người. Vì vậy, trẻ cần được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để có thể tự ở nhà một mình mà không cần đến người lớn, nhất là vào dịp hè khi các cháu chưa phải đến trường đi học.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Linh trao đổi, khi ở nhà một mình trẻ thường có tâm lý sợ hãi vì thế bố mẹ phải biết xoa dịu tâm lý này bằng cách củng cố hoặc trấn an tinh thần. Những lời dặn dò của người lớn về những tình huống có thể xảy ra như tiếp xúc với người lạ mặt, ra khỏi nhà khi cần thiết là không bao giờ thừa. Có như thế, trẻ mới có cách ứng phó phù hợp và kịp thời. Lứa tuổi này thường có tính hiếu động, ngay cả khi không có người trông coi, vì thế trước khi ra khỏi nhà cha mẹ cần cất hết các vật dụng dễ gây ra tai nạn như dao kéo, hộp quẹt, ổ cắm điện, bếp gas… chỉ tập cho trẻ những việc làm quen thuộc bằng các động tác đơn giản như bật mở ti vi, quét nhà, bấm các số điện thoại cần thiết, lau bàn ghế, rót nước, rửa tay… Nếu được hướng dẫn kỹ lưỡng, trẻ sẽ làm tốt mọi điều người lớn dạy và không bị mắc sai lầm.

“Tập huấn” càng kỹ càng tốt

Chuyên gia tâm lý Mỹ Linh khuyên, chỉ để trẻ ở nhà trong thời gian càng ngắn càng tốt, nhất là trẻ còn quá nhỏ và mới ở thời gian đầu. Độ tuổi để cho trẻ biết “tự lập” trong nhà ít nhất cũng 6, 7 tuổi chứ không được nhỏ quá vì lúc đó trẻ chưa đủ nhận thức và trí khôn để tự lo tất cả mọi chuyện. Nếu thời gian ở nhà một mình càng dài thì cha mẹ càng lo lắng nhiều hơn vì xác suất nguy cơ cao. Vì thế, thời gian đầu chỉ tập cho trẻ ở nhà trong 1 tiếng đồng hồ sau đó mới tăng dần thời gian “tự quản” cho đứa trẻ từ một buổi sang cả ngày chẳng hạn. Có như vậy, đứa bé mới từng bước dạn dĩ do làm quen dần với hoàn cảnh. Những lúc đó, cần liên lạc thường xuyên với con có thể 30 hoặc 60 phút một lần để nắm bắt thông tin và kết nối sự “chỉ đạo” đúng đắn của người lớn.  Trước đó, bạn có thể đưa ra những nội quy, nguyên tắc về một số điều khoản bắt trẻ phải chấp hành tốt như không đụng vào dây điện, ổ cắm, không cho người lạ vào nhà, không nhận quà của người chưa quen biết, không bỏ nhà đi chơi…

Nếu không có việc gì làm, do tâm lý lứa tuổi trẻ thường nghịch phá và bày ra các trò tiêu khiển. Vì thế tốt nhất nên giao một số công việc nhẹ nhàng cho trẻ thực hiện như làm bài tập, viết chính tả, đọc sách. Thời gian còn lại thì quét nhà, tưới cây, chăm sóc cá cảnh, chim và các loài vật nuôi khác. Rảnh rỗi thì xem ti vi, nghe nhạc… Bận rộn với công việc sẽ lấn át nỗi cô đơn và sự sợ hãi của đứa bé. Vì còn nhỏ tuổi không nên để trẻ tự nấu ăn một mình vì rất nguy hiểm trong chuyện “củi lửa”. Tốt nhất ba mẹ chuẩn bị một số thức ăn mà con thích như các loại bánh, nước giải khát, trái cây… có sẵn trên bàn hay trong tủ lạnh.

Nếu ở khu tập thể, chung cư thì có thể cho con “giao lưu” với những người bạn thân quen nhất như tổ chức học nhóm, chơi tập thể… “xoay vòng” từ nhà này sang nhà khác trong một tuần lễ nhằm giúp trẻ hứng thú tránh được sự buồn tẻ, đơn điệu. Lúc đó trẻ tự làm chủ không còn phải “núp bóng” kè kè theo cha mẹ nữa.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Cơ hội để con bạn học sự can đảm, tính tự lập

Tập cho con ở nhà trong tầm kiểm soát của người lớn sẽ giúp các cháu tự trưởng thành, làm việc độc lập, tự chủ. Đây còn là cơ hội để con bạn học sự can đảm, tính tự lập. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý, bố mẹ nên tạo những tình huống giả định bất ngờ ngoài ý muốn để trẻ tự xử lý như gọi điện thoại với bố mẹ, liên lạc và hỏi ý kiến hàng xóm nếu thấy cần thiết.

 

Bình luận (0)