Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con thói quen giờ nào việc nấy!

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ nên cùng con lập kế hoạch rõ ràng. Ảnh: I.T

Trong quá trình học tập và hoạt động của trẻ, nếu chúng biết sắp xếp giờ nào việc nấy, tập trung tinh lực, tư tưởng, hội đủ tinh thần thì mới đạt kết quả tốt. Tuy nhiên việc trẻ có khả năng chuyên tâm vào một công việc nhất định hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào phương thức, thái độ dạy dỗ, giáo dục của các bậc phụ huynh. Do đó, muốn nâng cao thành tích hoạt động của con, trong đó có học tập, bồi dưỡng, phát triển trí tuệ cho trẻ, bước đầu cha mẹ cần hình thành cho trẻ kỹ năng và thói quen biết tập trung chú ý.

Cha mẹ giúp cho trẻ hiểu ý nghĩa, giá trị của việc chuyên tâm, chú ý

Đối với bất kỳ một hoạt động nào, nhất là học tập và lao động trí óc, thì khả năng tập trung chú ý có ý nghĩa rất to lớn. Nó giúp trẻ không những hoàn thành tốt các bài tập, mà chất lượng học tập cũng hiệu quả hơn, trẻ không phải mất quá nhiều thời gian. Những cháu làm bài tập qua loa, đại khái chủ yếu là do không tập trung chú ý, không xem bài đầy đủ, chu đáo yêu cầu và các điều kiện đưa ra của bài tập. Nếu các cháu biết tập trung chú ý thì việc học tập sẽ bớt căng thẳng, các cháu lại có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.

Để trẻ được chuyên tâm, trẻ cần được học tập trong môi trường yên tĩnh

Trên bàn học của trẻ, ngoài sách vở và đồ dùng học tập, không nên để các đồ vật khác để tránh sự phân tán chú ý của các cháu; ngăn kéo và tủ sách tốt nhất là khóa lại để tránh trẻ không kiềm chế được lại tùy tiện mở ra chơi nghịch không chịu tập trung làm bài. Cha mẹ lưu ý không nên để gương soi gần bàn học, tránh để trẻ bị phân tán do ngắm nghía làm dáng. Không nên cho trẻ vừa xem ti vi vừa làm bài tập.

Cùng con lập kế hoạch rõ ràng

Gia đình hãy cùng con vạch kế hoạch học tập và các hoạt động khác ngắn hạn và dài hạn. Đối với kế hoạch ngắn hạn, hãy cùng trẻ vạch ra càng chi tiết, càng cụ thể, càng tốt. Liệt kê số bài tập các môn một cách rõ ràng, xây dựng những nhiệm vụ cần hoàn thành trong ngày, đồ dùng học tập và sách vở cần phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Điều đó sẽ giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập đúng thời hạn mà không bị chi phối bởi việc đi tìm hết thứ này đến thứ khác cho việc học.

Tránh tạo áp lực cho trẻ

Hãy dành cho con điều kiện học tập thoải mái, tạo cho các cháu được sống trong bầu không khí tâm lý nhẹ nhàng, vui vẻ. Tránh gây áp lực cho trẻ, bởi bất cứ áp lực nào trong cuộc sống và sinh hoạt đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu quả học tập của trẻ. Có bộ phận cha mẹ chỉ quan tâm tới kết quả và điểm số của con. Điều đó là chưa hợp lý. Bởi khi con đạt kết quả học tập tốt nhưng chưa chắc đã cho bạn biết được chúng làm như thế nào để đạt được kết quả. Chẳng hạn như kiểm tra giữa kỳ môn toán của con bạn được 10 điểm nhưng có thể là do con bạn cố gắng học tập tốt từ trước đến thời điểm đó nhưng cũng có thể do trẻ copy bài của bạn chứ thực tế trẻ không tự mình làm được.

Thỏa thuận với con

Trẻ con rất thích trao đổi, hoặc ra điều kiện kiểu như “Nếu con học xong môn toán thì con sẽ được sang chơi nhà bạn” hoặc là “Nếu học kỳ I con đạt điểm 10 môn Anh văn thì mẹ sẽ tặng con quyển từ điển Anh – Việt mới nhất”… Từ chỗ thỏa thuận với con như thế, chúng sẽ có một mục tiêu hấp dẫn trước mắt để phấn đấu. Tất nhiên, cha mẹ nên hướng con vào việc học tập vì động cơ bên trong là nâng cao hiểu biết cho bản thân hơn là đặt nặng những yếu tố vật chất bên ngoài. Nhưng thỉnh thoảng thưởng cho trẻ một món quà nhỏ vì chúng đạt được thành tích nào đó sẽ là động lực kích thích trẻ chuyên tâm hơn vào hoạt động của mình.

Các bậc cha mẹ nên hình thành cho con thói quen làm tốt một công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với việc làm bài tập ở nhà, cha mẹ nên giúp con sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Sau khi học xong thời gian quy định trẻ sẽ được nghỉ giải lao. Lưu ý, không nên vì thấy con làm bài chậm chạp, lề mề mà bắt con ngồi triền miên trên bàn học giờ này qua giờ khác, cắt cả thời gian nghỉ giải lao của con, lại còn mắng mỏ, quát tháo làm không khí căng thẳng. Như thế trẻ không thể tập trung vào việc học, mà gây thêm tâm lý nặng nề giữa cha mẹ và con cái.

Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)