Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con từ chính nhân cách của mình

Tạp Chí Giáo Dục

Đại gia đình của nhà giáo Nguyễn Hữu Danh (ảnh nhân vật cung cấp)

Đầu năm 2015, đại gia đình nhà giáo Nguyễn Hữu Danh (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đã có một “sự kiện” lớn là cho ra đời một cuốn album để lưu lại nhưng khoảnh khắc yêu thương của 17 thành viên đang vui sống hạnh phúc trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ và con cháu.

Có thể coi đây là cuốn “kỷ yếu” gia đình tam đại đồng đường đánh dấu một mốc son hạnh phúc lớn của đôi vợ chồng nhà giáo lão thành Nguyễn Hữu Danh sau 55 năm thủy chung gắn nghĩa phu thê.

Cuộc sống nhà giáo thanh bần

Không chỉ thể hiện rõ nét trong từng bức ảnh mà hạnh phúc gia đình của ông bà luôn hiện hữu từng ánh mắt, cử chỉ mỗi thành viên của ngôi nhà ở trong một khu tập thể trên đường Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM. Dù đã tròn 80 tuổi nhưng trong trí nhớ của mình, những ký ức từ nhiều năm tháng ông vẫn không bao giờ quên được. Chuyện ông bà đến với nhau trước hết bắt đầu từ tình yêu nhưng cũng như một sự sắp đặt trước của cuộc đời: “Năm 1956, sau khi đi thanh niên xung phong về tôi trở lại Thủ đô học Trường ĐHSP Hà Nội. Nơi tôi ở trọ có nhiều hộ sống chung trong một ngôi nhà lớn trong đó có gia đình có hai cô con gái nết na ngoan hiền. Sau khi quen cô em út, tôi được mọi người ủng hộ vì họ quý mến mình từ lâu dù biết quê tôi ở tận TP.HCM. Mãi đến năm 1960, chúng tôi mới tổ chức lễ cưới, lúc đó tôi đã là giáo viên của Trường HS miền Nam ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là ý nguyện muốn cho con trai được lấy vợ Hà thành của mẹ khi chia tay tôi ra Bắc học tập năm 1955”.

Thế nhưng, đó cũng là tháng ngày vất vả do đôi vợ chồng son sống trong cảnh “anh ở đầu sông em cuối sông”. Dù mỗi tháng mới về thăm một lần nhưng người vợ trẻ thật sự thương chồng trong cái cảnh đạp xe cả trăm cây số vượt qua hai chiếc phà để mang thực phẩm về tiếp tế cho vợ con. Tuy không ở gần với ba nhưng năm đứa con của họ lại được sống trong tình yêu thương của ông bà ngoại và vì thế mà biết rất nhiều điều hay lẽ phải.

Tưởng hòa bình thì gia đình sẽ được đoàn viên mãi mãi, ai ngờ bà lại phải xa chồng khi ông là 1 trong 5 cán bộ chuyên viên của ngành GD được cử vào TP.HCM tiếp quản sau ngày 1-5-1975. Có lẽ đây cũng là thời gian thầy giáo Danh tham gia nhiều hoạt động nhất để cùng ngành GD củng cố lại các trường học kịp cho năm học mới 1975-1976. Mãi cho đến cuối năm 1975, lúc công việc đã tạm ổn định ông mới đưa vợ con vào để ổn định chuyện gia đình. Khó khăn từ cuộc sống mới lại bắt đầu đến mà trở ngại đầu tiên là vì không có nhà ở, vợ con ông lại về sống chung nhà với ba mẹ tuy không được rộng rãi gì. Trước đó, gia đình cũng đã chuyển đến ở một số nơi mới tiếp quản nhưng vì thấy quá chật chội nên ông đành nhường lại cho anh em khác khó khăn hơn.

Tấm gương từ cha mẹ

Là cán bộ công đoàn ngành GD và sau này là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhà giáo Nguyễn Hữu Danh luôn là mẫu người sống liêm khiết. Vợ chồng nhà giáo nghèo đông con, hai ông bà chỉ biết động viên nhau làm thêm với những công việc chân chính như nuôi heo, dệt thảm bẹ ngô, vẽ mành trúc, đan hàng mây tre xuất khẩu. Dù thu nhập thêm ít ỏi và vất vả nhiều khi mỏi cả lưng không thể đứng lên được như ông kể nhưng lại giúp họ trang trải cho con cái học hành. Niềm vui lớn nhất của ông bà là khi cô con gái lớn đậu vào Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP TP.HCM, nhưng ra trường lại bất ngờ “rẽ ngang” nghề khác. Những đứa em cũng noi gương chị học hành đến nơi đến chốn mà xuất sắc nhất là cô con gái thứ 2 được đi du học ở Tiệp Khắc. Không chỉ có nghề nghiệp ổn định mà các con ông đều được đồng nghiệp nể phục vì làm việc ở đâu cũng giỏi, luôn sống tốt và ngay thẳng với mọi người. Tuy là con trai duy nhất trong gia đình nhưng không vì thế mà cậu út quá được mọi người nuông chiều. Tốt nghiệp cử nhân ĐH Kinh tế Khoa Quản trị kinh doanh, anh là một cán bộ làm kinh tế giỏi của ngành ngân hàng. Để con học giỏi, ngoan ngoãn, theo ông phải biết dạy con theo truyền thống dân tộc là cha mẹ phải làm gương, hãy vì người khác, anh em phải nhường nhịn thương yêu nhau, biết kính trên nhường dưới. Tự giác làm mọi việc, sống thanh thản không bon chen.

Nguyễn Hoàng Anh

“Một gia đình hạnh phúc là mọi người phải biết quan tâm nhau, vui vẻ, luôn rộn ràng tiếng cười…” – ông Danh tâm sự. 

 

Bình luận (0)