Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Dạy con từ thuở còn thơ…”

Tạp Chí Giáo Dục

Con cái chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ cần phải làm gương ngay khi các em còn rất nhỏ. Ảnh: Thành Lê

Tính cách con cái chịu ảnh hưởng rất lớn từ lối sống của cha mẹ. Thế nhưng, hầu hết các bậc phụ huynh đều quên mất điều này và cứ… vô tư hành xử trước mặt con. Đây là những câu chuyện người viết góp nhặt được tưởng nhỏ mà… không hề nhỏ!
1. Sáng sớm, chị dâu tôi điện thoại: “Em qua giúp chị chở bé Sóc vào bệnh viện nhé! Cháu bị sốt!”. Tôi vội vã chạy qua. Vừa thấy tôi ở cổng, bé Sóc khóc thét: “Con không đi viện đâu, sợ lắm!”. Nói xong, Sóc chạy vào nhà đứng núp sau cánh cửa khóc, mặc cho người lớn dỗ dành. Tôi hỏi sao Sóc lại có vẻ sợ vào viện như thế, chị tôi trả lời: “Chị cũng không biết nữa, cứ nhắc đến bệnh viện là nó khóc!”. Năn nỉ đến nửa giờ đồng hồ, Sóc mới chịu vào bệnh viện sau khi tôi hứa sẽ mua cho con búp bê thật đẹp làm phần thưởng. Đến bệnh viện, trong lúc ngồi ở phòng đợi, Sóc kéo áo mẹ đòi về, chị tôi mắng: “Con ngồi im chứ không tí nữa gặp bác sĩ… ác đó!”. Nghe vậy, thay vì ngồi im, Sóc tỏ ra hốt hoảng, khóc thét lên. Bấy giờ, tôi mới hiểu duyên cớ vì sao mỗi lần bệnh, bé luôn sợ phải vào bệnh viện.
Bé Sóc 5 tuổi, trong một lần ngồi xem phim, Sóc nghe mẹ thốt lên: “Bác sĩ gì mà ác! Không có lương tâm!” để nói về nhân vật bác sĩ trong phim. Vậy là từ đó, cứ mỗi lần Sóc ngang bướng hay lười ăn là chị lại… dọa: “Mẹ kêu bác sĩ… ác ra bắt đi đó!”, không ngờ những lời dọa nạt đó đã vô tình hình thành trong Sóc một tâm lý sợ bác sĩ. Do đó, bé rất sợ mỗi khi nhắc đến bệnh viện.
2. Trong số những người bạn của tôi, anh A. – nhà ở quận 3, TP.HCM có cách dạy con rất hay. Anh thường xuyên nhắc nhở con về vấn đề xưng hô, nhất là với các bạn cùng trang lứa. Anh nói: “Con nít phải lễ phép, bạn bè với nhau không được gọi “mày – tao” vì cách gọi này phản cảm, thiếu thân thiện”. Còn với mọi người trong gia đình, anh cũng yêu cầu phải xưng hô đúng mực. Ai nhỏ hơn thì gọi người lớn bằng anh, chị, bà, dì… và ngược lại, người lớn phải kêu người nhỏ bằng tên hoặc em, con, cháu… Anh rất kỵ hai tiếng “mày – tao” nếu không phải là những người bạn thực sự thân thiết. Thế nhưng, có một lần tôi đến thăm gia đình anh A. và chứng kiến một tình huống… dở khóc dở cười. Bé Ly, con anh năm nay được 6 tuổi, rất thông minh và hiếu động. Trong lúc chúng tôi ngồi hàn huyên với nhau thì bé lấy cây bút chì vẽ nguệch ngoạc lên bàn. Anh A. nhắc nhở nhiều lần mà con gái vẫn không nghe. Điên tiết, anh cao giọng: “Mày có thôi đi không!”. Vậy là, thay vì sợ hãi như những đứa trẻ khi bị người lớn la mắng, bé Ly dừng trò chơi, đôi mắt… tinh ranh nói: “Chết! Ba kêu con bằng “mày” nha!”. Còn bạn tôi, vừa ngỡ ngàng, vừa bối rối mà không biết phải nói gì?!?
3. Gia đình chị Xuân lại rơi vào hoàn cảnh khác. Cậu em chồng của chị vốn là một người nghiện rượu. Mỗi lần rượu vào là cậu ta chửi tất tần tật những ai từng có xích mích với mình, kể cả những chuyện từ… ngày xửa ngày xưa cũng đem ra trách mắng. Trong một lần nói vui với chồng, chị Xuân gọi cậu ấy là “Anh Chí Phèo nhà mình!”. Thấy chồng không phản ứng gì về cách gọi này nên chị quen miệng gọi luôn mà không hề quan tâm đến việc cu Ty con chị – 7 tuổi – cũng học theo mẹ gọi chú út là “Chú Chí Phèo”. Nhân dịp chị Xuân dắt cu Ty về quê thăm nội, vào nhà tìm mãi không thấy chú út, Ty hỏi: “Chú Chí Phèo đâu hả nội?”. Bà nội Ty ngạc nhiên hỏi lại: “Chú Chí Phèo là ai vậy con? Nhà mình đâu có ai tên đó!”. Ty nhanh nhảu: “Là chú út đó! Mẹ đặt tên chú út là chú Chí Phèo”. Bà nội chết lặng. Từ dưới bếp đi lên, chị Xuân nghe thấy cũng… điếng người!
Chị Xuân kể: “Sau lần đó, giữa tôi và mẹ chồng hình như không còn thân thiết nữa. Mẹ nói tôi thiếu tôn trọng nhà chồng mới “bày” con cái nói thế! Có ai ngờ…”.
Tuyết Dân
Trong việc dạy dỗ con cái, nhiều phụ huynh quên rằng trẻ rất giỏi để ý, bắt chước cũng như chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, những người xung quanh thông qua lối sống, cách ứng xử. Vì vậy, đối với con trẻ, các bậc phụ huynh cần có sự cân nhắc trong lời ăn, tiếng nói cũng như cách cư xử hằng ngày. Không riêng gì nhà trường, gia đình cũng được xem là môi trường trực tiếp tác động đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
 

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con từ thuở còn thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Thỉnh thoảng ngồi nhớ lại, chị Minh vẫn còn rùng mình khi nhớ đến cảnh tượng đầu tiên hai người đi ăn chung với nhau: “Bữa đó đi chơi về cả hai đứa đều đói nên vào quán ăn phở. Thú thực tôi quá bị sốc khi thấy anh ấy ăn uống ngồm ngoàm, xì xụp. Bây giờ, sống với nhau gần 20 năm trời, góp ý đến mấy ổng cũng chống chế rằng phải ăn vậy mới ngon. Đi đâu với ổng tôi cũng thấy… mắc cỡ. Chỉ được cái ổng hiền lành, tốt bụng”. Với “kinh nghiệm xương máu” từ “tấm gương” của chồng, chị quyết tâm “uốn nắn” hai đứa con từ khi chúng còn bé xíu.

“Có ai uốn nổi cây già?”

Trường hợp của chị Minh không phải là trường hợp cá biệt. Chị Phương làm kế toán, lấy anh chồng nông dân thứ thiệt, là con một, nhà giàu, ruộng lúa cò bay thẳng cánh, sống tốt bụng với bà con họ hàng, làng xóm, chỉ có mỗi cái tội nói năng tục tĩu, bỗ bã. Ngày còn yêu nhau, nhờ có chị “gò nén” nên anh bớt hẳn, anh hứa với chị sẽ “cải tạo” để xứng đáng với chị hơn. Vậy mà khi đã lấy được vợ rồi, anh lại chứng nào tật đó. Có lần sang thăm bố vợ ốm lúc trời mưa nhưng thấy bố sốt cao, vợ nóng ruột quá nên nhờ anh chạy ra cửa hiệu gần nhà mua giùm bố liều thuốc hạ sốt. Chồng không đồng ý, đốp thẳng một câu: “Đm. Điên hay sao mà đi mua thuốc giờ này, một người ốm được rồi, lại muốn thằng này ốm nốt chắc. Tạnh mưa thì tui đi cho. Chẳng ai chết đâu mà lo…”. Câu nói buột miệng của chàng rể khiến ba mẹ vợ giận hơn hai tháng trời. Chị Phương vừa tức vừa mắc cỡ với gia đình, nhưng thương chồng, chị bỏ qua. Vậy mà chưa đầy một tuần sau, khi người dì ruột của vợ sang chơi, bàn đến chuyện cho đứa con gái lớn của dì lên thành phố chẳng chịu học, chỉ lo sắm quần này áo nọ, đàn đúm bạn bè, anh lại tức mình “lên lớp”: “Bà mẹ nó, sao dì không nói với nó nếu không chịu học thì sau này lấy đếch gì mà ăn…”. Chị Phương nghe thế thì giận tím mặt, “trả đũa”: “Còn anh chắc hay lắm, hồi trước anh cũng có lo học hành gì đâu thậm chí còn dám ăn trộm chó nhà hàng xóm rồi giết thịt đãi chúng bạn đấy thôi”.

Nghe vợ nói đến đây thì anh “tịt ngòi”. Ngẫm lại âu cũng không hoàn toàn do lỗi của chồng chị. Chỉ vì chồng chị là cháu đích tôn, lại là con một nên được bố cưng chiều quá mức. Từ khi lọt lòng cho đến khi gần hết lớp 6, anh luôn được bố cho ngồi trên vai cùng với lời “tán tụng”: “Bay nào, bay nào tổng thống của bố”. Cho đến khi lớn lên, bố chẳng thể nào “uốn” nổi “tổng thống” nữa. “Tổng thống” muốn gì là phải được đó, nếu không “tổng thống” tuyệt thực, đòi chết. Kết cục, bây giờ “phu nhân” của “tổng thống”… lãnh đủ. Biết tính chồng, nên chẳng bao giờ chị Phương muốn mời đồng nghiệp về chơi hay dẫn chồng đi dự tiệc với cơ quan vì sợ… mất mặt.

Còn chị Ngọc Yến (quận Thủ Đức) ngay sau khi về nhà chồng được một tuần đã muốn “gục ngã” với thói quen giặt vớ trong cái ca múc nước mà vợ vẫn dùng để đánh răng. Thương chồng, Yến góp ý liền bị cự lại: “Hồi nào đến giờ anh vẫn làm vậy, có bao giờ bị mẹ mắng đâu, miễn sao sạch là được”. Không chỉ phiền chuyện cái ca múc nước, Yến còn đau đầu với cái “năng khiếu” tắm táp của chồng: “Thay đồ ra là ổng vứt xuống sàn nước ướt mem. Em có góp ý thì ổng la lối, ổng nói đằng nào lúc em giặt đồ cũng phải nhúng ướt rồi mới vò với xà phòng. Có khi không kịp giặt ngay, để đến ngày hôm sau thì đống quần áo đã có mùi thum thủm…”.

“Xin hãy uốn thuở… cây non”

Thực tế, khi “chẳng may” lấy phải ông chồng có tính cách hơi… cá biệt, các bà vợ chỉ còn biết cam chịu vì họ đều biết rõ: “uốn nổi cây non, chứ ai uốn nổi cây già”.

Trường hợp bé Mai (lớp 5 Trường tiểu học T.V) là một ví dụ. Mẹ bé không biết chữ, còn ba suốt ngày lái xe taxi nên Mai rất thích sang chơi nhà mấy anh chị sinh viên ở trọ. Các anh chị quý Mai, nên có gì cũng cho. Có điều Mai lấy nhưng chưa cảm ơn họ lần nào. Bữa nọ, chú Khanh bạn của ba gọi tới, Mai bắt máy gắt gỏng: “A lô, ai đó?”. Khi nghe người đầu dây bên kia xưng danh, Mai liền chua ngoa: “Ba không có nhà”, rồi cúp máy cái rụp.

Khác hẳn với Mai, bé Kiên, học sinh lớp lá Trường mầm non Văn Thánh Bắc tuy còn nhỏ nhưng khi sang nhà hàng xóm chơi là biết chào hỏi nghiêm chỉnh. Cũng là hàng xóm của các anh chị sinh viên, nhưng dù có ép uổng cỡ nào, Kiên cũng không nhận quà của các anh chị. Bữa trước có người hàng xóm đem sang nhà cho ít nem miền Tây, Kiên lắc đầu không nhận. Khi được mẹ cho phép, Kiên mới rụt rè đưa tay ra đón lấy và nói cảm ơn không cần mẹ nhắc nhở. Mỗi lần chuông điện thoại bàn reo, Kiên đều dành bắt máy với thái độ lịch sự: “dạ, allo Kiên xin nghe đây…”. Chỉ xem qua vài “cung cách” của Kiên, người đối diện có thể nhận ra nề nếp trong gia đình cậu bé.

Đồng tình với phương cách “uốn cây từ thuở còn non” trong cách giáo dục con cái, tiến sĩ Gail Saltz, một chuyên viên tâm thần của Bệnh viện New York Presbyterian, nhấn mạnh: “Cha mẹ phải chăm chú dạy con trẻ từ khi con còn để chỏm. Vì con cái chúng ta sau này có được người khác yêu thương hay kính trọng đều hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức tác phong của chúng, chứ không phải chức nghiệp hay hầu bao rủng rỉnh. Nhưng tác phong đó cũng giống như một chậu bonsai, phải có năm tháng thời gian chăm sóc nó với bao tình thương và gian khổ mới đâm chồi nảy lộc, không thể để con lớn tồng ngồng rồi mới bắt đầu uốn nắn thì e rằng sẽ… uốn không nổi”.

Bích Vân