Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy con ứng xử khi bị ức hiếp trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, báo chí tràn ngập tin tức về các vụ ức hiếp giữa học sinh với nhau. Điều đau lòng là cha mẹ và thầy cô hầu như không biết gì về vụ việc cho đến khi các clip đánh nhau được các em tung lên mạng xã hội.

Nhóm học sinh dùng ghế đánh bạn dồn vào góc tường – Ảnh cắt từ video clip

Thầy cô không biết, cha mẹ không biết, các em biết nương tựa vào đâu để được bảo vệ? Sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi “Làm sao để bảo vệ con mình khỏi nạn ức hiếp trong trường học?”.

Rất nhiều phụ huynh khi được hỏi đến thừa nhận mình ít có thời gian gần gũi, ít nghe con nói chuyện bạn bè trường lớp nên không kịp thời can thiệp để giúp con. Vậy thực sự có quá khó để cha mẹ có thể là nơi tin cậy cho con chia sẻ và cha mẹ có “rađa” để dò được tín hiệu khi nào con mình có vấn đề hay không?

Tiếp xúc với một số phụ huynh đã từng có con bị ức hiếp nhưng được ngăn chặn kịp thời, các phụ huynh này đã chia sẻ một số kinh nghiệm bổ ích như sau:

Quan sát con mỗi ngày để nhận biết thay đổi bất thường nơi con mình. Trẻ bị ức hiếp sẽ có các dấu hiệu phổ biến sau: đi học về có thương tích và không giải thích rõ ràng lý do, thay đổi thói quen ăn ngủ (ăn uống uể oải, người mệt mỏi, hay gặp ác mộng), học hành giảm sút, kém tự tin, giảm hứng thú với bài vở, trường lớp, có biểu hiện muốn tự hủy hoại mình (bỏ nhà đi, tự gây vết thương, có ý định tự tử).

Luôn giữ giao tiếp cởi mở thân thiện và tin cậy với con, lắng nghe những tâm tư của trẻ. Cha mẹ cần biết rõ các bạn của con, hỏi thăm về lớp học, bạn bè, hiểu những mối quan tâm, lo ngại của con cũng như của các bạn con thông qua những câu chuyện với con mình và việc giao tiếp với bạn của con. Trẻ kém cỏi so với các bạn về hình thức, nhận thức hoặc ngược lại, quá nổi trội so với các bạn đều dễ bị trở thành nạn nhân của các vụ ức hiếp. Trò chuyện hằng ngày trên đường đón con về nhà hoặc 15 phút trao đổi trước khi đi ngủ rất hiệu quả để hiểu một ngày của con đã trôi qua thế nào, có gì bất thường xảy ra với con hay không…

Hành vi ức hiếp là gì?

Giải thích cho con hiểu những hành động và lời nói ác ý, sử dụng bạo lực, trấn lột đồ dùng… lặp đi lặp lại nhiều lần được gọi là ức hiếp.

Hành vi ức hiếp có ba dạng chính: ức hiếp bằng lời nói (trêu chọc, sỉ nhục…), ức hiếp bằng hành vi bạo lực (đánh đập, bắt cống nạp tiền, đồ chơi, đồ dùng học tập…), ức hiếp về mặt xã hội (kêu gọi bạn bè tẩy chay, làm mất mặt trước đám đông, tung tin nói xấu…). Nhấn mạnh với con ức hiếp là hành vi xấu không thể chấp nhận, con không được ức hiếp người khác cũng như cổ vũ người khác bắt nạt người yếu thế hơn.

Khi con bị ức hiếp thì phải tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn đáng tin cậy như bố mẹ, thầy cô giáo. Hỏi con xem con đã từng thấy việc gì tương tự xảy ra hay chưa, con nghĩ như thế nào về người đi ức hiếp người khác, lúc đó thái độ và cảm xúc của con thế nào, con có muốn giúp bạn bị ức hiếp đó không, nếu bây giờ chuyện đó lại xảy ra, con sẽ hành xử ra sao…? Nếu chuyện đó xảy ra với con, con sẽ nói chuyện đó với người lớn nào trước nhất? Có khi nào con cảm thấy sợ hãi khi phải đến trường vì sợ bị ức hiếp chưa? Con đã làm gì để vượt qua nỗi sợ đó? Cha mẹ cần nương theo mạch câu chuyện mình đang nói với con để thảo luận cùng con. Khi được trao đổi thẳng thắn và thoải mái, trẻ sẽ có hiểu biết và tự tin để ứng phó khi gặp chuyện tương tự.

Phản ứng khi bị ức hiếp

Dạy con tự tin phản ứng bằng lời nói khi bị tấn công, nếu không hiệu quả thì tốt nhất là nên tìm cách tránh xa người gây hấn hoặc dựa vào đám đông và người lớn để tự bảo vệ mình.

Trẻ cần hiểu rằng bắt nạt người khác là không thể chấp nhận được và thông báo trung thực về sự việc xảy ra với người lớn là cách tốt nhất để được bảo vệ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải dạy cho con biết cách lên tiếng bênh vực bạn bị bắt nạt hoặc tìm sự giúp đỡ từ người lớn để giúp bạn. Khi có vụ việc ức hiếp xảy ra trong lớp, con không nên chỉ là người xem thờ ơ mà nên cố gắng giúp đỡ bạn bị ức hiếp cũng như ngăn chặn vụ ức hiếp bằng các cách sau: không làm khán giả cho các vụ ức hiếp, bạo lực; tìm cách giải cứu cho bạn đang bị ức hiếp, quan tâm hỗ trợ đối với bạn bị ức hiếp, gương mẫu trong việc không ức hiếp bạn bè và chia sẻ với các bạn về việc không nên ức hiếp nhau, thông báo cho một người lớn đáng tin cậy biết về vụ việc để người lớn có thể giúp giải quyết.

Cha mẹ làm gương

Trẻ học làm người từ những hành động của người lớn. Khi đối xử thân thiện, hòa nhã và tôn trọng đối với người xung quanh, người lớn thể hiện cho trẻ thấy rằng trong cuộc sống, mọi chuyện đều có thể giải quyết được mà không cần phải sử dụng đến bạo lực và không ai chấp nhận những hành vi bắt nạt, ức hiếp người khác.

Cách chế ngự stress, xung đột, cách thể hiện cảm xúc và giải quyết sự việc bằng thái độ bình tĩnh, tôn trọng người khác của người lớn sẽ giúp trẻ hình thành thái độ sống tốt, chừng mực.

Khi cha mẹ theo sát con mình, hiểu rõ con mình và bạn bè của con, hướng dẫn cho con mình hiểu đúng sai trong vấn đề ức hiếp người khác, cách tìm kiếm hỗ trợ từ người lớn, thái độ trước một vụ ức hiếp mà mình không phải là nạn nhân… là cha mẹ đang góp phần bảo vệ con mình tránh khỏi nạn ức hiếp trong trường học.

Giáo dục luôn bắt đầu từ gia đình. Khi tất cả chúng ta, những người làm cha mẹ, bắt đầu dành thời gian cùng con tìm hiểu thế nào là bạo lực học đường, cách nào để giải quyết khi vụ việc xảy ra cũng như cách phòng tránh, chúng ta đã đặt những bước đi đầu tiên cho việc bảo vệ con mình khỏi nạn ức hiếp. Sự bình an của con chúng ta nằm trong chính những hành động của chúng ta. Bắt đầu từ hôm nay…

ĐINH THANH PHƯƠNG 

(TTO)

Bình luận (0)