Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy điều học sinh cần

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT cho 6 trường trong cả nước thí điểm “Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông” để các trường chủ động thiết kế chương trình học phù hợp với học sinh.

Giáo viên tự chủ thiết kế chương trình

 
Học sinh Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), một trong những trường thí điểm chương trình “Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông” – Ảnh:  Đào Ngọc Thạch
Mục tiêu của chương trình là khuyến khích các trường tham gia hoạt động thí điểm phát triển chương trình giáo dục trường phổ thông như điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục trong từng môn học, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá…
Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng đây là chương trình hay, nhằm chuẩn bị cho chương trình sách giáo khoa mới sau năm 2015. Giáo viên sẽ tự chủ chương trình, có thể lược bỏ các kiến thức hàn lâm, nhiều tính lý luận hoặc thêm vào những kiến thức cần thiết cho chương trình. Nhờ vậy, giáo viên bộ môn sẽ biết học sinh mình cần kiến thức gì, ngán nội dung nào… mà có những điều chỉnh hợp lý. “Tôi cho rằng, cách làm này rất có lợi cho người học. Về lâu về dài sẽ thể hiện được tính tích cực trong dạy và học ở bậc THPT”, ông Thái nhận định.
Ngoài việc tự chủ chương trình, ở các trường đang thí điểm còn có được lợi thế là đều trực thuộc các trường ĐH có khối ngành sư phạm. Vì thế việc thêm, bớt nội dung kiến thức trong quá trình giảng dạy sẽ được các khoa sư phạm liên quan phản biện để đạt tính khoa học cao. “Chúng tôi giao toàn quyền về việc chủ động chương trình cho các tổ bộ môn. Tổ bộ môn sẽ họp và thống nhất nội dung thực hiện, sau đó là nhờ các khoa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xem, góp ý và phản biện”, ông Thái nói thêm.
Xem lại cách thực hiện
Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có chuyên gia cho rằng cách thí điểm như hiện nay khó lòng mang lại kết quả tích cực.
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi cũng có dự một buổi họp về chương trình này. Về chương trình, tôi cho rằng rất tích cực. Song về cách làm thì nên xem xét lại để đạt được tính hiệu quả”. Theo ông Nghi, hiện nay mỗi đơn vị làm mỗi kiểu thì khó lòng tìm được tiếng nói chung.
Lãnh đạo nhiều trường THPT ở TP.HCM cũng cho rằng vấn đề hiện nay là tuy giao cho các trường chủ động chương trình, nhưng cách làm của mỗi nơi mỗi khác. Hơn nữa, có thể xảy ra tình trạng giáo viên ở trường này cho rằng nội dung A cần bỏ, thêm nội dung B nhưng đơn vị khác thì ngược lại.
“Cái khó hiện nay là chúng ta vẫn thi cử theo kiểu cũ. Vậy thì giáo viên chỉ có thể thêm chứ không dám bớt nội dung dù đó là những kiến thức xa rời thực tế. Bởi vì nếu đề thi tốt nghiệp THPT hoặc ĐH có câu hỏi rơi vào phần mà giáo viên tự “giảm tải” thì làm sao?”, lãnh đạo một trường THPT tại TP.HCM  băn khoăn.
Ngoài ra, do triển khai chương trình khá gấp nên sau gần hết học kỳ 1, các tổ bộ môn vẫn chưa thể làm được gì nhiều. Theo ông Lê Thành Thái thì khoảng tháng 6.2013 trường được tập huấn, rồi đến tháng 9.2013 thì áp dụng luôn.
Bà Đặng Thị Chiếu Huyền, giáo viên môn địa Trường trung học Thực hành sư phạm (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Hiện tại, đối với các bài có liên quan đến môn khác hoặc khối khác, giáo viên thường hỏi nhau để nắm thông tin là học sinh đã được dạy những gì và từ đó có thể không dạy lại hoặc bổ sung thêm. Phải hết học kỳ 1, chúng tôi mới có thống kê và đánh giá cụ thể”.
Các đơn vị thực hiện thí điểm
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành thuộc trường ĐH này; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường THPT Thực hành thuộc trường ĐH này; Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên và Trường THPT Thái Nguyên thuộc trường ĐH này; Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên); Trường ĐH Vinh và Trường THPT chuyên thuộc Trường ĐH Vinh; Trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An); Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ và Trường THPT Thực hành thuộc trường ĐH này; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và các trường phổ thông cơ sở thực nghiệm, Trường THPT thực nghiệm thuộc viện này.

Minh Luân (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)